Nông dân vùng biên giới Đắk Nông thu nhập 10 triệu đồng mỗi hộp tằm
Trồng dâu, nuôi tằm đang tạo nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân vùng biên giới Tuy Đức (Đắk Nông)
Chị Trần Hồng Thiên Lý, ở thôn 4, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có thâm niên trồng dâu nuôi tằm hơn chục năm nay. Với hơn 1ha diện tích trồng dâu và tận dụng nhà kho gần 120m để làm khu vực chăn nuôi tằm.
Chị Lý cho biết, mỗi tháng chị duy trì nuôi 2 hộp tằm giống. Chị nuôi xoay vòng theo chu kỳ 15 ngày một lứa. Mỗi hộp tằm cho thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị nhiều năm nay.
Tương tự, từ năm 2018, chị Trần Thị Hồng Tho, ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng tiêu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Với 2ha đất trồng dâu, mỗi năm gia đình chị Tho thu về khoảng 350 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Chị Tho cho biết, tằm là loài vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao nhưng cũng dễ mắc phải nhiều loại bệnh do môi trường nuôi, dinh dưỡng hoặc sự thay đổi thời tiết.
Thức ăn bảo đảm sạch, an toàn tằm sẽ phát triển tốt. Người nuôi tằm cần khử trùng dụng cụ, phòng nuôi, và nguồn nước thường xuyên, tạo môi trường nuôi thoáng mát, ổn định. Tằm cần được theo dõi sức khỏe hàng ngày, phát hiện sớm các biểu hiện bất thường để xử lý kịp thời.
Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa và xử lý đúng cách sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, bảo đảm năng suất và chất lượng trong nghề trồng dâu nuôi tằm.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Tho còn thành lập tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật nuôi và thu mua sản phẩm.
Nhờ sự hướng dẫn tận tình của chị Tho, nhiều hộ dân trong xã cũng đã mạnh dạn đầu tư, góp phần hình thành chuỗi sản xuất nguyên liệu tơ tằm ổn định, bền vững.
Từ năm 2019 đến nay, nông dân tại một số xã Quảng Tân, Đắk R'tíh, Quảng Tâm, Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả, khó khăn về nước tưới sang trồng dâu nuôi tằm.
Đến nay, toàn huyện Tuy Đức phát triển hơn 250ha dâu tằm, với trên 236 hộ tham gia ở tất cả các xã. Một số xã đã thành lập tổ hợp tác, HTX trồng dâu nuôi tằm, tạo đầu ra ổn định.
Bà Phan Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức cho biết, trồng dâu nuôi tằm không còn vất vả như trước nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đây là hướng đi tiềm năng, giúp nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững.
Lợi thế của việc trồng dâu nuôi tằm là chi phí ban đầu thấp, đầu tư 1 lần nhưng có thể sản xuất được từ 5 – 10 năm, đầu ra sản phẩm tơ tằm cũng ổn định.
Những năm qua, nông dân trên địa bàn huyện đã học tập kinh nghiệm, trồng các giống dâu cao sản, giá kén bán cao, dễ tiêu thụ, nguồn thu nhập mang lại tương đối cao.
Trồng dâu nuôi tằm có thể tận dụng được nhân công lao động nhàn rỗi nên nhiều hộ có khả năng đầu tư, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Theo tính toán, với 1ha đất trồng dâu, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 25 triệu đồng, bao gồm giống dâu và vật tư. Mỗi lứa nuôi kéo dài 15 ngày, một hộp tằm có thể mang lại lợi nhuận 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Trồng dâu nuôi tằm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại vùng biên giới Tuy Đức.