Khởi nghiệp

Thanh niên xã vùng xa Đắk Nông giúp nhau lập nghiệp

Linh Thư 07/01/2025 06:21

Đoàn xã Ea Pô, huyện Cư Jút đã tích cực triển khai các phong trào, hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, làm giàu chính đáng.

Thanh niên tập hợp nhau làm kinh tế

Được thành lập từ năm 2022 đến nay, Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên phát triển kinh tế xã Ea Pô đã đi vào hoạt động hiệu quả, giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) địa phương tham gia giao lưu, học hỏi, cùng nhau khởi nghiệp, lập nghiệp. Tham gia CLB, các thành viên được hỗ trợ nguồn lực thiết thực, kịp thời để phát triển kinh tế.

img_5125.jpg
Anh Vi Văn Chiến (bên phải), thôn Thanh Tâm, xã Ea Pô, huyện Cư Jút được CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Ea Pô hỗ trợ vay 45 triệu đồng phát triển mô hình rửa xe, dịch vụ vệ sinh tạo việc làm cho nhiều bạn trẻ địa phương

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Vi Văn Chiến, thôn Thanh Tâm, xã Ea Pô về lại quê hương để lập nghiệp. Là thanh niên trẻ năng động, anh Chiến mở tiệm rửa xe phát triển kinh tế, lập nghiệp. Tham gia CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Ea Pô và được vay nguồn vốn 45 triệu đồng, anh Chiến đã đầu tư mua sắm thêm thiết bị như máy rửa xe cao áp, dụng cụ vệ sinh chuyên dụng để phát triển dịch vụ rửa xe.

Ngoài ra, anh Chiến còn phân phối sơn và phát triển dịch vụ vệ sinh, lau dọn nhà cửa. Hiện nay, mô hình kinh doanh của anh Chiến đã phát triển hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân địa phương, tạo việc làm ổn định cho 4 thanh niên địa phương và nhiều nhân công làm theo giờ.

Anh Vi Văn Chiến cho biết: "Từ nguồn vốn vay của CLB, tôi có điều kiện đầu tư, phát triển kinh tế của bản thân. Tham gia CLB, bản thân tôi được học hỏi và hỗ trợ rất nhiều. Mong rằng CLB sẽ ngày càng phát triển để những bạn trẻ có nơi giao lưu, gặp gỡ, cùng động viên giúp nhau làm kinh tế".

Mong muốn lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, anh Trần Văn Đức, thôn Thanh Nam, xã Ea Pô đã tìm tòi phát triển mô hình chăn nuôi dê. Với số vốn tự có cùng sự hỗ trợ của gia đình, anh Đức đã đầu tư 70 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua 10 con dê giống để lập nghiệp. Chàng trai trẻ đã tham gia học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi trên sách báo và đi tham quan, học hỏi từ các hộ chăn nuôi khác.

img_5074.jpg
Anh Trần Văn Đức (bên phải), ở thôn Thanh Nam, xã Ea Pô, huyện Cư Jút đã tìm tòi phát triển mô hình chăn nuôi dê

Khi địa phương có chủ trương thành lập CLB Thanh niên phát triển kinh tế, anh Đức đã đăng ký tham gia và là 1 trong những thành viên đầu tiên của CLB. Tại đây, anh Đức được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng để đầu tư, phát triển mở rộng chăn nuôi. Đến nay, anh Đức đã phát triển được đàn dê với 300m² diện tích chuồng trại và hơn 100 con dê kinh doanh.

Anh Trần Văn Đức chia sẻ, thấy mô hình nuôi dê có tiềm năng phát triển kinh tế nên tôi đã đầu tư chuồng trại, mở rộng con giống để nuôi dê. Vì số vốn có hạn, tôi đã vay mượn người thân và mượn từ nguồn quỹ từ CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã 50 triệu đồng để mở rộng phát triển mô hình. Khi vào tham gia CLB, tôi rất vui vì có thể gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm cùng các bạn trẻ và có nguồn vốn vay xoay vòng phát triển kinh tế.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Với mục tiêu tập hợp ĐVTN có cùng chí hướng, đam mê làm kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương, CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Ea Pô đã thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. Từ 10 thành viên ban đầu, tới nay, CLB đã có 37 thành viên tham gia sinh hoạt.

img_5015.jpg
CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Ea Pô có 37 thành viên tham gia sinh hoạt, cùng giao lưu, hỗ trợ nhau lập nghiệp

Điểm nổi bật của CLB là việc huy động và quản lý quỹ hỗ trợ để các thành viên triển khai những mô hình kinh tế lập nghiệp, khởi nghiệp. Theo đó, mỗi thành viên đóng 1,5 triệu đồng/người/tháng để gây quỹ cho CLB. Nguồn quỹ này sẽ được CLB xem xét, cho các thành viên vay xoay vòng với số vốn vay từ 10 - 50 triệu đồng trong vòng 3 năm với lãi suất 0,65%/tháng. Từ nguồn vốn vay, bạn trẻ địa phương đã được trợ lực để phát triển kinh tế với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ phong phú, hiệu quả như: nuôi dê, nuôi heo, trồng cây nông nghiệp, dịch vụ vệ sinh…

Mỗi thành viên khi được hỗ trợ vay vốn đều phải có mục tiêu, mục đích sử dụng nguồn vốn vay cụ thể. CLB sẽ theo dõi, bám sát và hỗ trợ khi các thành viên gặp khó khăn trong quá trình phát triển mô hình.

Ngoài hỗ trợ nguồn vốn, các thành viên được tham quan, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong phát triển kinh tế; xây dựng các ý tưởng lập nghiệp, khởi nghiệp phù hợp với nguồn lực bản thân và lợi thế địa phương.

Với đặc điểm là xã vùng sâu, vùng xa, nhiều thanh niên xã Ea Pô sau khi học xong phổ thông đã không đến các thành phố lớn lập nghiệp và lựa chọn gắn bó, phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Chị Hà Thị Mai, Bí thư Đoàn xã Ea Pô cho rằng, CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Ea Pô đã triển khai mô hình góp vốn để các thành viên có thể vay xoay vòng, tạo nên phong trào thi đua lao động, sản xuất, khởi nghiệp, lập nghiệp sôi nổi trong các bạn trẻ. Đây là mô hình giao lưu, sinh hoạt, tự nguyện góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế của thanh niên địa phương, qua đó, góp phần nâng cao đời sống ĐVTN, phát triển kinh tế gia đình, địa phương hiệu quả.

Theo chị Lê Thị Duy Linh, Bí thư Huyện đoàn Cư Jút, CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Ea Pô là một trong những mô hình hiệu quả, góp phần hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp bằng chính nội lực của mình. Từ hiệu quả mô hình, các đoàn xã khác trên địa bàn huyệnđã học tập, áp dung, trở thành nơi tập hợp thanh niên địa phương có khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

"Huyện đoàn Cư Jút đã thúc đẩy hỗ trợ nguồn vốn cho thanh niên, tổ chức các hoạt động tập huấn, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho thanh niên như chương trình livestream kết nối tiêu thụ nông sản trên trang facebook “Tuổi trẻ Cư Jút” của đơn vị. Qua các hoạt động, đơn vị mong muốn bạn trẻ địa phương thêm tự tin, có động lực mạnh dạn tham gia khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương", chị Lê Thị Duy Linh, Bí thư Huyện đoàn Cư Jút cho hay.

Linh Thư