Đắk Lắk: Lan tỏa giá trị từ sầu riêng

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 09:21, 06/01/2025

Sau phiên đấu giá ấn tượng với số tiền 2,85 tỷ đồng cho ba quả “Nữ hoàng sầu riêng” tại Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024, UBND huyện Krông Pắc cùng các doanh nghiệp, đơn vị trúng đấu giá đang tích cực triển khai các hoạt động an sinh xã hội và đồng hành với nông dân Krông Pắc phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.

Nhân lên niềm vui cho người nghèo

Trong cái se lạnh của những cuối năm Giáp Thìn, bà Nông Thị Bình (buôn Ea Đrai, xã Tân Tiến) chộn rộn mừng vui khi căn nhà mơ ước bao lâu đang bước vào giai đoạn hoàn thiện.

Bà Bình chia sẻ, vì cuộc sống khó khăn, vợ chồng bà đưa các con từ tỉnh Cao Bằng vào sinh sống trên mảnh đất này đã hơn 30 năm. Không may, chồng bà mất sớm, bà lại thường xuyên đau ốm nên cứ mãi luẩn quẩn trong cái nghèo, căn nhà gỗ đã xuống cấp từ lâu, bà cũng không đủ tiền sửa chữa.

Đắk Lắk: Lan tỏa giá trị từ sầu riêng
Bà H’Dim Niê (thứ ba từ trái sang) được hỗ trợ xây dựng căn nhà mới từ kinh phí đấu giá "Nữ hoàng sầu riêng".

Chính vì thế, khi được nhận 70 triệu đồng hỗ trợ xây nhà ở từ kinh phí đấu giá “Nữ hoàng sầu riêng” của Công ty TNHH Trái cây Hồng Sang, bà vô cùng phấn khởi. Từ số tiền này, các con bà đã góp thêm hơn 40 triệu và ngày công để xây dựng căn nhà 62 m2 kiên cố, có phòng khách, ba phòng ngủ và nhà bếp. Từ niềm vui này, bà cũng xung phong xin được thoát nghèo.

“Sự lan tỏa của chương trình đấu giá “Nữ hoàng sầu riêng” không chỉ đo lường bằng con số và giá trị vật chất mà còn được nhân lên ý nghĩa bởi tinh thần cộng đồng trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng và an sinh xã hội tại vùng đất “thủ phủ sầu riêng” - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Trần Quốc Vĩnh.

Cách nhà bà Bình không xa, gia đình bà H’Dim Niê (buôn Ea Đrai A, xã Tân Tiến) cũng chung niềm vui ấy khi căn nhà mơ ước bấy lâu chỉ còn thực hiện thêm công đoạn đóng la phông trần là có thể đưa vào sử dụng. Chị H’Dleh Niê, con gái của bà H’Dim bộc bạch, vợ chồng chị và bốn cháu sống cùng mẹ trong căn nhà 134 do Nhà nước hỗ trợ từ năm 2008 đến nay. Gia đình đông người, điều kiện ăn ở nhỏ hẹp, xuống cấp khiến đời sống gặp nhiều khó khăn. Mẹ đã già yếu, thu nhập cả gia đình chỉ dựa vào 5 sào rẫy điều, cà phê và việc làm thuê theo thời vụ của vợ chồng chị nên chuyện xây nhà mới là ngoài khả năng.

Nhận được 70 triệu đồng từ kinh phí đấu giá “Nữ hoàng sầu riêng” của Công ty TNHH Trái cây Hồng Sang, vợ chồng chị đã bỏ thêm 20 triệu đồng và nhờ anh em, bà con giúp công, giúp sức để xây dựng căn nhà cấp 4 diện tích 40 m2, có hai phòng ngủ, một phòng khách. Ngắm nhìn căn nhà mới, các thành viên trong gia đình chị đều vô cùng biết ơn sự san sẻ, đồng hành của các doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng.

Đồng hành xây dựng hệ sinh thái sầu riêng bền vững

Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Trần Quốc Vĩnh, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí đấu giá ba quả “Nữ hoàng sầu riêng” theo đúng mục đích ban đầu của chương trình, đó là lan tỏa niềm tự hào và giá trị thương hiệu “Sầu riêng Krông Pắc”, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng hệ sinh thái sầu riêng bền vững. Trong giai đoạn 2024 – 2026, huyện sẽ dành riêng 1,4 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 20 căn nhà tặng hộ nghèo và hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở; 950 triệu được sử dụng vào các hoạt động chuyển giao kỹ thuật mới và tiện ích công nghệ số cho nông dân trồng sầu riêng; phần kinh phí còn lại dành cho công tác truyền thông, quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu “Sầu riêng Krông Pắc” trên bản đồ nông sản Việt Nam.

Đắk Lắk: Lan tỏa giá trị từ sầu riêng
Ban giám khảo chấm điểm phần thi "Bàn tay vàng trong làng nghề sầu riêng" tại Hội thi Nông dân sản xuất sầu riêng giỏi huyện Krông Pắc năm 2024.

Trong nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái sầu riêng bền vững, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hội Nông dân huyện sẽ chủ trì và phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện những hoạt động cụ thể theo kinh phí và nội dung cam kết khi tham gia đấu giá “Nữ hoàng sầu riêng”.

Cụ thể như: Công ty Cổ phần đầu tư BAGICO thực hiện chuyển giao giải pháp công nghệ AutoAgri giúp nông dân truy xuất nguồn gốc, theo dõi giám sát sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi; Công ty TNHH Công nghệ nông nghiệp Enfarm chuyển giao bộ sản phẩm và công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nông nghiệp; Công ty TNHH Đầu tư 3 Tốt chuyển giao kỹ thuật canh tác sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học…

Đến nay, nhiều phần việc đã được triển khai, giúp nông dân và các tổ chức của nông dân tiếp cận với các thành tựu khoa học – công nghệ mới trong nông nghiệp, mang lại nhiều cải tiến rõ rệt trong quy trình canh tác.

Đắk Lắk: Lan tỏa giá trị từ sầu riêng
Công ty TNHH Công nghệ nông nghiệp Enfarm tặng bộ thiết bị đo dinh dưỡng đất cho các hợp tác xã trên địa bàn huyện Krông Pắc từ kinh phí đấu giá "Nữ hoàng sầu riêng".

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Krông Pắc là một trong 5 HTX nhận chuyển giao bộ thiết bị đo dinh dưỡng đất thông minh của Công ty TNHH Công nghệ nông nghiệp Enfarm qua chương trình đấu giá “Nữ hoàng sầu riêng”.

Qua ba tháng sử dụng bộ thiết bị, anh Trần Văn Thắng, Giám đốc HTX cho hay, đây là công nghệ mới thực sự hữu ích cho quy trình canh tác bền vững mà HTX đang thực hiện. Nhờ đo lường chính xác hàm lượng các chất dinh dưỡng, độ pH, độ ẩm, độ dẫn điện của đất, HTX đã điều chỉnh quy trình bón phân, tưới nước phù hợp theo nhu cầu sinh trưởng của cây trồng.

Qua đó, HTX không chỉ tiết kiệm chi phí phân bón không cần thiết mà còn góp phần bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sống cho chính người nông dân.

PV