Đầu tư nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa
Sau hơn bảy năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Chương trình nghệ thuật “Symphony of River- Âm hưởng của dòng sông” tại Đà Nẵng, một sự kiện công nghiệp văn hóa về biểu diễn mang tầm khu vực. |
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đạt khoảng 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Năm 2022, đóng góp của công nghiệp văn hóa vào GDP đạt 4,04%. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp với tỷ trọng khoảng 4% GRDP của địa phương. Nhiều thành phố đã chính thức tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO như Hà Nội, Hội An, Đà Lạt.
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Trần Thị Phương Lan, Vụ Văn hóa-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. Chúng ta vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để thu hút vốn và nguồn lực cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện. Sự liên kết, phối hợp giữa các lĩnh vực trong việc phát triển công nghiệp văn hóa còn thiếu chặt chẽ, chưa thúc đẩy được yếu tố thương mại trong sản phẩm văn hóa; còn ít những sản phẩm, tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật,…
Ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đáp ứng mong đợi của những người làm trong lĩnh vực này. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và quảng bá văn hóa Việt Nam; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chủ động triển khai chiến lược theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, các ngành công nghiệp văn hóa cần nhất là nguồn nhân lực bởi đây là vấn đề sống còn, then chốt. Các địa phương cần ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm và thu hút nguồn lực, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người từng vùng đất, gắn liền với thế mạnh các ngành công nghiệp văn hóa.
Tại Đà Nẵng, từ năm 2015 trở lại đây, các cấp lãnh đạo thành phố luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Thành phố xác định phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên 12 lĩnh vực, trong đó tập trung vào: Quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa. Tuy vậy, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Đà Nẵng vẫn còn một số hạn chế; trong đó, nguồn nhân lực còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng chuyên môn. Chính sách đãi ngộ đối với người làm văn hóa, nghệ thuật chưa có tính đột phá. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Hội An cho biết: “Đà Nẵng đã đưa ra lộ trình nâng cấp Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng; đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường chuyên ngành; xây dựng giáo trình chuẩn, đầu tư trang thiết bị giảng dạy, học tập đồng bộ ở các khâu nghệ thuật, kỹ thuật, quản lý sản xuất, phát hành, bảo quản, truyền thông; khuyến khích và cử cán bộ có trình độ đi đào tạo, học tập kinh nghiệm tại các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển”.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ: Thành phố đã và đang chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa thông qua các trường, liên kết với doanh nghiệp, hợp tác với đối tác quốc tế. Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung vào quy hoạch thành phố các quỹ đất để xây dựng khu công nghiệp văn hóa, phim trường; tập trung xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như phần mềm, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn… tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao; đồng thời có chế độ, chính sách hợp lý đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng: Trong khâu đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực điện ảnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, việc hình thành cơ chế cụ thể để phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ xứng đáng các tài năng hết sức quan trọng. Ở tầm quốc gia, Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt để nhân tài phát huy hết năng lực, cống hiến cho xã hội, đồng thời tạo điều kiện hơn nữa để các tổ chức nghề nghiệp đẩy mạnh hoạt động sáng tác trẻ, tạo các sân chơi, các cuộc thi “vườn ươm tài năng”... Trước mắt, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo chuyên sâu các chuyên ngành điện ảnh; đặc biệt là đào tạo đội ngũ quản lý điện ảnh có đủ trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn điện ảnh vươn mình thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.
Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao là yếu tố mang tính quyết định cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Do đó, cần thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh các cá nhân có tác phẩm tốt, ảnh hưởng tích cực trong xã hội; hỗ trợ trao truyền tri thức, kỹ năng, bí quyết thực hành... có liên quan trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nguồn nhân lực văn hóa, du lịch, hình thành đội ngũ chuyên gia sâu và liên ngành