Kinh tế

Đắk Nông chủ động thực hiện quy định EUDR

Trần Thị Thoan 03/01/2025 09:19

Đắk Nông chủ động tìm hiểu, triển khai nhiều hoạt động nhằm thích ứng với các quy định về nông sản chống phá rừng của châu Âu (EUDR).

Sớm có kế hoạch triển khai

Ngày 16/5/2023, Hội đồng châu Âu đã thông qua Dự luật “Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu”. Theo đó, thị trường châu Âu này cấm nhập khẩu những mặt hàng nông, lâm sản như: gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng, gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.

Sau đó, quy định EUDR đã được điều chỉnh hạn cuối để các doanh nghiệp lớn tuân thủ là ngày 30/12/2025; các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là ngày 30/6/2026.

Đồ họa: Ngọc Tú
Đồ họa: N.T

Từ thời điểm quy định, các doanh nghiệp không thể xuất khẩu cà phê vào thị trường châu Âu nếu không chứng minh được sản phẩm không liên quan đến phá rừng sau ngày 31/12/2020.

Đắk Nông là một trong những khu vực trọng điểm về xuất khẩu nông sản, nhất là cà phê. Tỉnh có khoảng 143.000ha cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 131.000ha, sản lượng khoảng 360.000tấn.

Diện tích, sản lượng cà phê của Đắk Nông hiện đứng thứ 3 cả nước cũng như khu vực Tây Nguyên, chỉ sau tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. 90% sản lượng cà phê của tỉnh phục vụ xuất khẩu, trong đó có thị trường châu Âu.

Việc thực thi quy định EUDR có ý nghĩa quan trọng đối với cà phê cũng như các loại nông sản khác của tỉnh, nhất là bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, nâng cao đời sống nông dân.

z6062208864912_735ad32f13b2c42a561d2e3fc4c19b12.jpg
Đắk Nông có khoảng 142.000ha cà phê, đứng thứ 3 cả nước

Nhận thấy được tầm quan trọng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức triển khai thực thi quy định EUDR và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, Đắk Nông sớm ban hành được khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT, việc ban hành kịp thời khung hành động chứng minh sự cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, chi tiết hóa các phần việc phù hợp với thực tế của tỉnh, lộ trình thực hiện quy định EUDR.

Song song với đó, tỉnh đã thành lập nhóm công tác công tư cấp tỉnh để triển khai khung kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các quy định cụ thể đối với quy định EUDR.

z6007374682275_b68cc4815cf06e39b5b9246e4b991543-a1f13598f61a4ed67a99a3a34164cb00.jpg
Đại biểu quốc tế, các bộ, ngành tham dự hội thảo về EUDR tại Đắk Nông hồi tháng 11/2024

Với vai trò chủ lực, Sở NN - PTNT đã chủ trì phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để tìm các giải pháp khả thi về quy định EUDR.

Qua các hội nghị, hội thảo, Sở NN - PTNT ghi nhận được nhiều ý kiến, thông điệp nhằm tìm các giải pháp tốt nhất thực hiện quy định EUDR. Các bên liên quan tạo được sự đồng thuận cao trong chiến lược triển khai, thích ứng với quy định EUDR.

Những tiền đề tốt

Cũng theo Giám đốc Sở NN - PTNT Phạm Tuấn Anh, trước khi có EUDR, Đắk Nông đã thực hiện nhiều giải pháp về quản lý, bảo vệ rừng bền vững, nông sản không gây mất rừng.

Nhiều năm nay, tỉnh nghiêm túc thực hiện chủ trương của Trung ương về “đóng cửa rừng” tự nhiên. Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo sát sao công tác phát triển rừng bền vững.

1-flycam-2-1c8b1756bec9cc5a18c453a0b8626113(1).jpg
Đắk Nông đã quyết liệt ngăn chặn phá rừng trong những năm qua (Ảnh: L.P)

Những năm qua, tình trạng phá rừng làm nương rẫy đã được ngăn chặn quyết liệt, giảm cả số vụ và diện tích rừng bị phá.

Những diện tích rừng bị phá, lấn chiếm, canh tác, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế, giải tỏa và bàn giao cho chủ rừng phục hồi rừng theo quy định.

Đồng thời, ngành chức năng cập nhật diện tích các vụ phá rừng sau ngày 31/12/2020 lên hệ thống bản đồ theo dõi diễn biến rừng hàng năm. Điều này giúp tỉnh chủ động theo dõi, kiểm tra, đánh giá và xử lý tình trạng phá rừng.

1-dji_fly_20231025_100814_904_1698203357708_photo_optimized-copy-6ab70cb22217382624bf48e98e3462af.jpg
Năm 2024, Đắk Nông có độ che phủ rừng đạt hơn 41%

Đắk Nông đã ưu tiên việc bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát triển rừng trồng mới. Đến năm 2024, tỉnh đã trồng mới được trên 3.000ha rừng. Đây là một bước tiến quan trọng giúp Đắk Nông tuân thủ các yêu cầu của quy định EUDR và giữ gìn tài nguyên môi trường.

Đắk Nông tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cà phê, chú trọng sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, thân thiện với môi trường, giúp gia tăng năng suất, tiết kiệm tài nguyên.

Năm 2024, cà phê Đắk Nông trúng giá với mức trên 100 triệu đồng/tấn nhân
Đắk Nông hiện có trên 23.500ha cà phê đạt các chứng nhận quốc tế, hữu cơ

Trong đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đang sản xuất khoảng 23.500ha cà phê đạt các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế như GlobalGAP, Rainforest Alliance, UTZ Certified hay Organic với sản lượng trên 82.000 tấn/năm. Đây là công cụ quan trọng để cà phê Đắk Nông thâm nhập vào thị trường châu Âu.

Sản xuất cà phê của tỉnh cũng đang chuyển đổi theo hướng hữu cơ. Tỉnh có khoảng 100ha cà phê đạt chứng nhận hữu cơ và hàng trăm ha đang áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ.

Canh tác hữu cơ là xu hướng của ngành Nông nghiệp tỉnh, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu.

Tận dụng mọi nguồn lực

Lãnh đạo Sở NN - PTNT cho biết, Đắk Nông đặc biệt chú trọng đến việc hợp tác quốc tế trong sản xuất nông nghiệp, thực thi EUDR.

Điển hình như địa phương đang phối hợp với các tổ chức lớn như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) để triển khai các dự án sản xuất cà phê.

Những dự án này tập trung vào quản lý cảnh quan bền vững, bảo vệ diện tích rừng, đồng thời nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cà phê.

kk2.jpg
Đắk Nông đặc biệt chú trọng đến việc hợp tác quốc tế trong thực thi quy định EUDR

Hợp tác quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong việc tuân thủ các quy định EUDR. Những kết quả đạt được trong sản xuất cà phê hiện nay giúp Đắk Nông tuân thủ các quy định của quy định EUDR, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho các ngành hàng nông sản.

Liên quan nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết, qua nhiều hoạt động, tỉnh đã từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nông dân, doanh nghiệp về quy định của quy định EUDR.

Tỉnh đã sớm huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành không chỉ trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh. Đắk Nông nhận thức được việc triển khai quy định EUDR không mang tính đối phó mà cần một chiến lược lâu dài, bền vững.

Thực thi quy định EUDR không chỉ đơn thuần là khẩu hiệu mà là hành động, nhằm sớm thích ứng một cách hệ thống, linh hoạt và bền vững đối với nông nghiệp Đắk Nông.

z6007374644973_0bfc91a91463cc87886acdff6fd3b962.jpg
Ông Gonzalo Serrano De La Rosa, Phó Trưởng Ban hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu ghi nhận những nỗ lực của Đắk Nông trong thực thi quy định EUDR

Tại Hội thảo về EUDR tổ chức tại TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) hồi tháng 11/2024, ông Gozalo Serrano De La Rosa, Phó Trưởng Ban hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu, ghi nhận những nỗ lực của Đắk Nông về thực thi quy định EUDR.

Việc tỉnh triển khai các biện pháp cụ thể để đáp ứng các tiêu chuẩn về nông sản chống phá rừng, suy thoái rừng đang diễn ra kịp thời, có hiệu quả.

Ông Gozalo cho rằng, các quy định EUDR là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, cơ hội tốt nhất là phát triển nông sản chất lượng cao, nông nghiệp sạch, bền vững. Đáp ứng tiêu chuẩn quy định EUDR là cơ sở để tăng cơ hội thương mại cho nông sản của tỉnh trên thị trường.

Trần Thị Thoan