Đoàn ĐBQH Đắk Nông chú trọng công tác giám sát, khảo sát
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong năm 2024, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đã chú trọng công tác giám sát, khảo sát, xem đây là một trong những hoạt động để thực hiện phương châm đeo bám đến cùng các nội dung, nguyện vọng cử tri gửi gắm.
Nắm bắt thực tiễn tại địa phương
Ngay từ đầu năm 2024, căn cứ vào Chương trình công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đưa hoạt động giám sát, khảo sát vào Chương trình công tác trọng tâm năm 2024.
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh rất tích cực tham gia các đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội triển khai. Đồng thời, đại biểu Quốc hội tỉnh luôn chú trọng, quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giám sát, tập trung nghiên cứu, tham gia các đợt tập huấn liên quan đến công tác giám sát do các cơ quan của Quốc hội tổ chức.
Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH Quốc hội tỉnh chỉ đạo Văn phòng tham mưu cho Đoàn tổng hợp các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát gửi đến Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.
Đơn cử như Đoàn đã giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh.
Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tập trung giám sát các nội dung như: việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh; chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh…
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tổ chức khảo sát trước Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh như: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Y tế; Sở Văn hoá –Thể thao và Du lịch; Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông; Sở Xây dựng; Công an tỉnh; Công ty Điện lực Đắk Nông.
Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các vị đại biểu trong Đoàn luôn chủ động, tích cực trong các hoạt động giám sát, khảo sát như tổ chức khảo sát những vấn đề nổi cộm trên địa bàn để nắm rõ tình hình kinh tế - xã hội, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tích cực giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn… Qua giám sát, khảo sát, đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, sai phạm, những khó khăn, vướng mắc từ tình hình thực tế của địa phương, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra các giải pháp, kiến nghị xác đáng, yêu cầu các cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết.
Thông qua kết quả khảo sát, giám sát, đại biểu Quốc hội tỉnh có cái nhìn cụ thể, thực tế về những phát sinh trong thực hiện cơ chế, chính sách liên quan để chuyển tới diễn đàn các kỳ họp của Quốc hội. Mặt khác, quá trình giám sát, khảo sát còn giúp Đoàn ĐBQH tỉnh nắm bắt, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, những nội dung yêu cầu khắc phục trước đó theo ý kiến, kiến nghị của cử tri ở các lĩnh vực liên quan.
Tăng cường chất vấn tại các kỳ họp
Chất vấn là một trong những hình thức giám sát của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong năm 2024, đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ động, tích cực trong hoạt động chất vấn, nội dung chất vấn tập trung vào nhóm những vấn đề được quan tâm trong đời sống xã hội.
Tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh đã chất vấn các bộ trưởng, Chính phủ về nhiều nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, các vấn đề được cử tri quan tâm. Đơn cử, tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Bộ đã thực hiện những hoạt động gì để hỗ trợ các địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được UNESCO, qua đó nâng tầm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế?. Tại tại Phiên họp thứ 36, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc làm rõ các giải pháp ứng phó với quy định không gây mất rừng của Ủy ban Châu Âu khi EUDR sắp có hiệu lực vào tháng 12/2024.
Tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đã có 10 lượt chất vấn, tranh luận với các bộ trưởng, Chính phủ về những vấn đề như: an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, vật liệu đất đắp, thị trường bất động sản, giá vàng tăng cao…
Các nội dung chất vấn của Đoàn thẳng thắn, có tính xây dựng cao, vì sự phát triển chung của đất nước, đã góp phần tạo nên hiệu quả thiết thực của hoạt động chất vấn, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Những hoạt động trên là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội tại các phiên họp, kỳ họp, hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Nhìn chung, chất lượng hoạt động giám sát của Đoàn và từng đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông được thực hiện tốt, chất lượng giám sát được nâng lên. Hoạt động giám sát được tiến hành công khai, dân chủ, những chuyên đề giám sát luôn có tính thời sự cao. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan để xây dựng lịch giám sát cụ thể, phù hợp tại các cơ quan, địa phương, cơ sở, tránh trùng lặp các đoàn giám sát tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Sau giám sát, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn sâu sát trong chỉ đạo Văn phòng tham mưu báo cáo tổng hợp kết quả giám sát; thông báo kết luận giám sát tới các cơ quan, đơn vị; theo dõi, đôn đốc cơ quan, đơn vị thực hiện kết luận giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.