Nghị quyết và cuộc sống

Đắk Nông giải quyết đất ở, đất sản xuất đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Hiền 30/12/2024 18:24

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV mới đây đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đất đai dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

An cư, lạc nghiệp cho đồng bào DTTS

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến hết năm 2023, Đắk Nông có 1.907 hộ DTTS thiếu đất ở, nhà ở, và đất sản xuất. Trong số đó, có 565 hộ thiếu cả đất ở lẫn nhà ở, và 1.342 hộ thiếu đất sản xuất.

11111.jpg
Người dân tộc thiểu số Êđê ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút chăm sóc tiêu

Thực tế trong các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, HĐND tỉnh Đắk Nông, nội dung được người dân ý kiến, kiến nghị nhiều nhất liên quan đến đất đai, trong đó cử tri các vùng DTTS phản ánh nhiều tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất...

Tại kỳ họp thứ 9, UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 10/2024/NQ-HĐND ngày 11/12/2024 quy định chính sách về đất đai đối với cộng đồng người DTTS; cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (Nghị quyết 10).

Theo đó, đối tượng áp dụng chính sách đất đai là cộng đồng dân cư thuộc các DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa có đất sinh hoạt cộng đồng; cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đang sinh sống tại các vùng DTTS và miền núi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Các trường hợp này phải chưa có đất ở, không còn hoặc thiếu đất ở theo hạn mức quy định của UBND tỉnh; chưa có đất sản xuất nông nghiệp, diện tích đất đang sử dụng không đủ 50% hạn mức đất nông nghiệp theo quy định.

Việc bố trí đất cho sinh hoạt cộng đồng, giao đất hoặc cho thuê đất sẽ căn cứ vào quỹ đất hiện có của địa phương, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Cá nhân được hỗ trợ phải sinh sống, có hộ khẩu thường trú tại Đắk Nông và được UBND cấp xã xác nhận tại thời điểm điều tra, nhằm bảo đảm điều kiện được hưởng chính sách. Nghị quyết quy định ưu tiên hỗ trợ cho những cá nhân chưa có đất sản xuất lần đầu, bảo đảm công khai, minh bạch và đúng đối tượng.

Chính sách hỗ trợ đất sinh hoạt cộng đồng áp dụng đối với các thôn, điểm dân cư chưa có đất sinh hoạt cộng đồng sẽ được UBND cấp huyện bố trí đất. Việc bố trí này phải bảo đảm phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và văn hóa địa phương, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt và sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

img_2957.jpg
Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông giám sát về triển khai chương trình trồng xen mắc ca trong vườn cây của bà con hộ nghèo, hộ DTTS tại xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức

Về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, Nghị quyết 10 quy định chính sách hỗ trợ lần đầu cho các cá nhân là DTTS trong hạn mức quy định của UBND tỉnh Đắk Nông và được miễn tiền sử dụng đất. Trường hợp cần chuyển mục đích sử dụng đất từ sản xuất sang đất ở, người dân sẽ được miễn phí sử dụng theo quy định.

Ngoài ra, bà con DTTS có thể được thuê đất phi nông nghiệp để kinh doanh mà không phải trả tiền thuê đất.

11112.jpg
Thường trực HĐND tỉnh giám sát các chính sách dành cho DTTS thuộc chương trình mục tiêu quốc gia tại xã Đắk R'tih, huyện Tuy Đức

Đáng chú ý, trong trường hợp cá nhân không còn đất hoặc có diện tích đất dưới mức tối thiểu sẽ được hỗ trợ giao thêm đất theo Nghị định số 102/2024/ND-CP/ ngày 30/7/2024 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai. Trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức và không thu tiền sử dụng đất...

“Đòn bẩy” giảm nghèo

Nghị quyết số 10 được ban hành có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế - xã hội đối với bà con DTTS. Đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất mà còn là nền tảng để ổn định cuộc sống. Việc được cấp đất ổn định sẽ giúp người dân an tâm đầu tư vào các mô hình kinh tế gia đình, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

222.jpg
Bà con đồng bào Dao ở thôn Đắk Ri, xã Tân Thành, huyện Krông Nô ươm giống cà phê

Nghị quyết số 10 còn giúp đồng bào DTTS tiếp cận với các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế sau khi có đất sản xuất như: vay vốn ưu đãi, đào tạo kỹ thuật sản xuất và cung cấp giống cây trồng, vật tư nông nghiệp... Việc hỗ trợ này không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động mà còn cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Đắk Nông, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Thị Hạnh cho rằng: “Việc ban hành Nghị quyết số 10 là một giải pháp quan trọng để hỗ trợ đồng bào DTTS giảm nghèo. Nghị quyết này không chỉ thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với đời sống đồng bào DTTS, mà còn đóng góp vào việc ổn định kinh tế - xã hội và tạo nền tảng phát triển bền vững cùng đồng bào DTTS".

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, trong quá trình thẩm tra dự thảo nghị quyết, Ban Dân tộc đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Sau 2 lần thẩm tra, các nội dung chưa rõ đều được yêu cầu UBND tỉnh bổ sung. "Đây là một bước đi quan trọng, thể hiện sự thận trọng, trách nhiệm của các cơ quan dân cử trong việc bảo đảm nghị quyết phù hợp với thực tiễn", đồng chí Hạnh cho hay.

22222.jpg
Việc ban hành Nghị quyết số 10 mở ra cơ hội cho đồng bào DTTS tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của việc thực hiện Nghị quyết 10 là nguồn quỹ đất hạn chế tại một số địa phương, nhất là các khu vực bị lấn, chiếm, sử dụng không đúng mục đích. Do đó UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại để bảo đảm công bằng trong việc phân chia đất đai. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng để chính sách được thực hiện đúng đối tượng và mang lại hiệu quả cao nhất.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về quyền lợi và trách nhiệm khi được cấp đất cũng là một yếu tố cần được chú trọng. Điều này không chỉ giúp người dân hiểu rõ hơn về chính sách mà còn giúp bà con biết cách sử dụng đất một cách hiệu quả, tạo “đòn bẩy” giảm nghèo bền vững.

"Quá trình triển khai, UBND tỉnh phải tiến hành minh bạch, chính xác, có sự giám sát chặt chẽ để tránh xảy ra tình trạng bất công trong phân chia đất đai. Điều quan trọng là phải bảo đảm các hộ dân thực sự có nhu cầu đều được cấp đất một cách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và sinh hoạt", đồng chí Lưu Văn Trung nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền