Văn hóa

Kinh nghiệm phát triển bền vững CVĐCTC UNESCO – nhìn từ tỉnh Cao Bằng

Hoàng Hoài - Dương Phong 30/12/2024 16:48

Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề trong khu vực CVĐC là hoạt động nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

Người dân tham gia trực tiếp

Theo bà Hoàng Thị Huệ, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng, trong những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh công tác bảo tồn song song với việc phát huy những giá trị di sản, mang lại sinh kế, từ đó đem lại lợi ích bền vững cho cộng đồng.

Cụ thể, trong kế hoạch xây dựng và phát huy danh hiệu CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng, tỉnh nhấn mạnh đến vấn đề bảo đảm sinh kế cho người dân gắn với phát huy danh hiệu. Trọng tâm của nội dung này là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề.

2-e97000f1db3b3e6c82f71bd06660878c.jpg
Tỉnh Cao Bằng hiện có 21 làng nghề truyền thống, trong đó có 8 làng nghề được UBND tỉnh công nhận (Ảnh: Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng)

Theo bà Hoàng Thị Huệ, tỉnh Cao Bằng hiện có 21 làng nghề truyền thống, trong đó có 8 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Các làng nghề này đều nằm trong vùng CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng, có 3 làng nghề nằm trên tuyến tham quan trải nghiệm CVĐC.

Thời gian qua, Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng đã triển khai nhiều hoạt động để phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề, cải thiện sinh kế cho người dân. Trung bình mỗi năm, đơn vị tổ chức 15 lớp tập huấn cộng đồng cho hơn 1.000 người; thường xuyên tổ chức các cuộc khảo sát, học tập kinh nghiệm cho đối tác và người dân làng nghề.

Các hoạt động tư vấn về giữ gìn không gian kiến trúc truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng văn hóa bản địa, bảo tồn các công đoạn sản xuất thủ công truyền thống; hỗ trợ thiết kế các điểm check in, gian bán hàng, điểm trải nghiệm, không gian trưng bày cho khách tham quan, thử nghiệm… được chú trọng.

Đặc biệt, Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng còn mời nghệ nhân, doanh nghiệp trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân cải tiến mẫu mã sản phẩm, giảm chi phí, nguyên liệu đầu vào nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm; gắn kết doanh nghiệp hợp tác và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

3-198e62f4a1433631aaf4fe640237da9e.jpg
Du khách trải nghiệm nghề làm giấy bản của người Nùng (Ảnh: Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng)

Bà Huệ dẫn chứng, làng làm giấy bản Dìa Trên là một điểm di sản trên tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” của CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng. Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm về nghề truyền thống cho bà con, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, tập huấn, trực tiếp “cầm tay chỉ việc”...

Trong nhiều mô hình, tiêu biểu là gia đình chị Nông Thị Kính, làng Dìa Trên, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, được chọn làm đối tác của CVĐC. Chị Kính đã bảo tồn và phát huy nghề làm giấy bản của người Nùng, khi sản xuất thành công tờ giấy khổ 40x60 và quạt xòe cầm tay giấy bản nhuộm 100% nguyên liệu tự nhiên.

“Ngoài những đơn hàng lớn 2.000 – 3.000 tờ giấy, quạt xòe cầm tay cho khách trong và ngoài nước, chị Kính còn tổ chức trải nghiệm cho khách tham quan. Mỗi tháng, khoảng 20 - 30 đoàn khách đến làng để tham quan, trải nghiệm các công đoạn làm giấy bản và sản xuất sản phẩm thủ công… góp phần cải thiện thu nhập gia đình”, bà Huệ thông tin thêm.

Từ thành công của gia đình chị Kính, Ban CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng tiếp tục tư vấn triển khai hoạt động chia sẻ lợi ích cộng đồng, huy động người dân tham gia công tác bảo tồn làng nghề. Đến nay, đơn vị này đã thành lập được một nhóm hơn 10 người để chia sẻ lợi ích và phát triển làng nghề.

Theo bà Huệ công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng không chỉ gói gọn trong các lớp tập huấn mà đã chuyển sang giai đoạn “có sự tham gia của người dân” trong các hoạt động bảo tồn, phát triển giá trị CVĐC.

img_7512.jpg
Bà Hoàng Thị Huệ, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng

Đặc biệt, các sản phẩm hương Phja Thắp, giấy bản Dìa Trên, thổ cẩm Luống Nọi được tỉnh chọn làm quà tặng dành cho đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐCTC UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng.

“Công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch bền vững đã, đang và sẽ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy tiềm năng du lịch của CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của cộng đồng địa phương”, bà Huệ khẳng định.

Không chỉ dừng ở di sản địa chất

Ngày 12/4/2018, UNESCO đã chính thức công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng là CVĐCTC. Đây là nơi minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài lên đến hơn 500 triệu năm, đồng thời chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được đồng bào các dân tộc lưu giữ kết tinh thành giá trị cốt lõi.

Sau 6 năm được UNESCO công nhận, danh hiệu CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc cho địa phương này.

img_7566.jpg
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và tăng cường ý thức cộng đồng

Từ bài học kinh nghiệm từ CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng, tỉnh Đắk Nông xác định, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông không chỉ là một di sản địa chất quý giá mà còn là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và tăng cường ý thức cộng đồng.

Hiện nay, Đắk Nông đã xây dựng 3 tuyến du lịch trong vùng CVĐCTC. Cùng với đó, tỉnh đầu tư hoàn thiện các hệ thống cơ sở vật chất tại các điểm tham quan du lịch; tập trung đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã sản xuất, bảo tồn nghề truyền thống bảo đảm theo chất lượng, tiêu chuẩn, cung ứng sản phẩm cho khách du lịch đến tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm, hướng tới mục tiêu tạo thương hiệu du lịch Đắk Nông.

Ông Nguyễn Khắc Anh, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông cho rằng, tiềm năng to lớn của địa phương với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ và hệ sinh thái đa dạng, tạo điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch nông nghiệp.

"Tỉnh đã xây dựng 44 mô hình du lịch nông nghiệp, từ vườn cây ăn trái, nông trại hữu cơ đến trải nghiệm "một ngày làm nông dân", thu hút sự quan tâm của du khách, đặc biệt là quốc tế", ông Nguyễn Khắc Anh nói.

5.jpg
Tiềm năng to lớn của Đắk Nông với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ và hệ sinh thái đa dạng

Từ lợi thế về tự nhiên, tỉnh Đắk Nông chú trọng tới hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, nhất là các sản phẩm nông nghiệp.

Theo đánh giá, trên vùng đất thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông phù hợp với nhiều nông sản có thể xây dựng thành đặc sản, do được thừa hưởng những khoáng chất đặc biệt từ quá trình phun trào của hệ thống núi lửa. Đến nay, các huyện, TP. Gia Nghĩa đã xây dựng các sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả, lúa gạo… đặc thù, độc đáo mang đậm bản sắc riêng của Đắk Nông phục vụ phát triển du lịch.

6.jpg
Từ năm 2018, huyện Krông Nô phối hợp với các chủ thể OCOP đặt tên các sản phẩm gắn liền với địa danh núi lửa

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết, từ năm 2018, huyện Krông Nô phối hợp với các chủ thể OCOP đặt tên các sản phẩm gắn liền với địa danh núi lửa để người tiêu dùng dễ nhớ. Đây cũng là một cách “định vị thương hiệu” trên bản đồ du lịch, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

“Hiện nay, trên toàn quốc có rất ít địa danh núi lửa, đây là một trong những mục tiêu để Krông Nô gắn 2 từ núi lửa trên nhãn mác sản phẩm để người tiêu dùng, du khách dễ nhớ. Đây như một dạng truy xuất nguồn gốc trên bản đồ du lịch”, ông Doãn Gia Lộc thông tin.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông còn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền gắn với giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐC. Hằng năm, tỉnh Đắk Nông đều tổ chức Cuộc thi thuyết trình tiếng Anh tìm hiểu về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông cho học sinh cấp THCS và THPT. Cuộc thi thu hút khoảng 2.000 học sinh tham gia.

Mới đây, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông đã tổ chức ngành học Du lịch để đào tạo nguồn nhân lực cho việc phát triển du lịch. Các địa phương trong vùng CVĐC cũng tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tập huấn về công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền dạy kỹ năng làm nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số…

img_7786.jpg
Bên cạnh bảo tồn di sản, tỉnh Đắk Nông chú trọng bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Mới đây, tại buổi Lễ đón nhận danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông lần thứ 2, năm 2024, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thời gian tới, Đắk Nông sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ về công tác khoanh vùng bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong khu vực CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Tỉnh ưu tiên quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với các di sản của CVĐC; xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu “CVĐC Đắk Nông - Xứ sở của những Âm điệu”...

Hoàng Hoài - Dương Phong