Chính trị

Đắk Nông chú trọng công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng

Hoàng Bảo 30/12/2024 15:56

Qua 3 năm, việc triển khai thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 05/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn và lịch sử truyền thống các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030” đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

31 công trình lịch sử đã xuất bản

Sau khoảng 2 năm ấp ủy, cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Nhân Đạo, huyện Đắk R'lấp (2003-2020) đã được công bố và phát hành vào giữa năm 2024.

img_2722.jpg
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cùng lãnh đạo huyện Krông Nô dâng hương, tưởng niệm tại Di tích địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh, xã Buôn Choáh. Tại đây, vào năm 1884, khi giặc Pháp mở cuộc chiến tranh xâm lược, đánh chiếm vùng hạ lưu sông Krông Ana và sông Krông Nô, N’Trang Gưh đã kêu gọi người dân đứng lên chống giặc ngoại xâm

Với hơn 300 trang, ngoài phần giới thiệu, kết luận, phụ lục, nội dung, cuốn sách gồm 3 chương tái hiện về vùng đất, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, quá trình thành lập, xây dựng hệ thống chính trị; lãnh đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh; đường lối đổi mới toàn diện, tập trung thực hiện và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã...

nd2.jpg
Đảng ủy xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) tổ chức Lễ Công bố và phát hành cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã (2003-2020)

Cuốn sách được phát hành có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị tư tưởng của Đảng bộ xã. Qua đó cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ các giá trị truyền thống, những kết quả và thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Nhân Đạo đạt được trong 20 năm qua.

Không riêng xã Nhân Đạo, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ xã, thị trấn và lịch sử truyền thống luôn được huyện Đắk R’lấp quan tâm. Đến nay, toàn huyện đã phát hành được 2 cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Đắk R’lấp (tập 1, tập 2); 1 cuốn “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đắk R’lấp, giai đoạn 1945 - 2020” và 8 cuốn lịch sử đảng bộ xã, thị trấn. Địa phương đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu, biên soạn, tái bản bổ sung cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Đắk R’lấp, giai đoạn 1945 - 2025 và 3 xã còn lại đang nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ xã.

img_2667.jpg
Khu Di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV tại xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông là nơi Tỉnh ủy Quảng Đức được thành lập trực thuộc Liên Khu ủy V, dựa vào vùng căn cứ kháng chiến tại Nam Nung để lãnh đạo cách mạng

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thực hiện Đề án số 05, cấp ủy các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử.

Từ 2021 - 2024, toàn tỉnh đã biên soạn, hoàn chỉnh, xuất bản 31 công trình lịch sử, trong đó có 3 công trình lịch sử truyền thống các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 8 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cấp huyện và tương đương; 20 công trình lịch sử cấp xã, phường, thị trấn đã hoàn thành, in ấn.

Công tác nghiên cứu, biên soạn các đề tài lịch sử được tiến hành đúng quy trình, bài bản, chặt chẽ theo hướng dẫn. Nội dung các công trình bảo đảm tính Đảng, tính lịch sử, tính khoa học, phản ánh cơ bản, chân thực, cụ thể quá trình hình thành và phát triển của Đảng, các tổ chức cơ sở đảng. Sau khi xuất bản, các công trình đã được đưa vào tuyên truyền, giáo dục, giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử địa phương.

Chú trọng tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Sau khi các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống được xuất bản, cấp ủy các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Các đơn vị tổ chức hội nghị phát hành sách, hội thi tìm hiểu lịch sử, hội thảo, tọa đàm, trưng bày triển lãm, pa nô, áp phích, phát động cuộc thi sáng tác, quảng bá, hoạt động về nguồn... Công tác tuyên truyền thông qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên, các buổi sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, chuyên đề, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng… được chú trọng.

Đặc biệt, chương trình giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương còn được các trung tâm chính trị cấp huyện, trường học đưa vào giảng dạy.

Đồng chí Phạm Thị Thúy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Đắk Song cho biết: “Những năm gần đây, Trung tâm Chính trị huyện đã đưa lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy, bồi dưỡng. Đồng thời, trường tổ chức cho học viên trực tiếp đi xuống các điểm di tích lịch sử để giới thiệu, giảng dạy… Qua đó, cán bộ, đảng viên không chỉ hiểu thêm về lịch sử, truyền thống cách mạng của quân và dân huyện Đắk Song mà còn có trách nhiệm trong việc giữ gìn, giới thiệu lịch sử địa phương đến Nhân dân”.

img_1225.jpg
Đoàn khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Đắk Nông tổ chức hành trình đến với địa chỉ đỏ tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt bon Cây Xoài, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Ảnh: Đặng Hiền)

Với hình thức đa dạng, phong phú, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, Nhân dân.

Đổi mới nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ cấp xã và lịch sử truyền thống vẫn còn những hạn chế. Một số đơn vị, địa phương chậm triển khai thực hiện. Công tác lưu trữ, sưu tầm, tổng hợp tư liệu, tài liệu của một số địa phương chưa khoa học, đầy đủ, nhân chứng lịch sử ngày càng bị mai một.

Cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng và công trình lịch sử sau khi xuất bản ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Cán bộ làm công tác lịch sử Đảng còn mỏng, nhất là cấp cơ sở…

đồng chí Trung (1)

Đề án số 05 đề ra mục tiêu, đến năm 2030 có 100% xã, phường, thị trấn và tương đương hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ; 65% sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh biên soạn, xuất bản lịch sử truyền thống của cơ quan, đơn vị; 30% xã, phường, thị trấn tái bản, bổ sung lịch sử đảng bộ.

Để đạt mục tiêu này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy yêu cầu, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống; đồng thời chú trọng công tác thẩm định các công trình lịch sử trước khi xuất bản một cách chặt chẽ, nghiêm túc.

Ban tuyên giáo, tuyên huấn cần phối hợp chặt chẽ trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử đảng bộ địa phương, bảo đảm tính Đảng, tính lịch sử, tính khách quan, khoa học.

Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai công tác biên soạn, xuất bản lịch sử truyền thống theo tinh thần Đề án số 05, Công văn số 2908 ngày 24/5/2024 của UBND tỉnh về việc biên soạn lịch sử truyền thống các sở, ban, ngành thuộc tỉnh.

Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đơn vị, ngành đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, ban tuyên giáo các cấp cần tăng cường sử dụng kết quả nghiên cứu lịch sử Đảng phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời thực hiện số hóa tư liệu lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống các cấp…

Hoàng Bảo