Công nghiệp - Xây dựng

Mở rộng dư địa cho tăng trưởng kinh tế Đắk Nông

Đức Diệu 29/12/2024 20:45

Nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế Đắk Nông trong giai đoạn vừa qua tuy có ấn tượng song vẫn chưa tìm được giá trị thực ổn định bởi còn khá nhiều dư địa chưa khai thác tốt.

Hụt ở những lĩnh vực lớn

Trong giai đoạn 2020-2025, Đắk Nông đưa ra mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân 7,5% mỗi năm. Con số này được tính toán trên cơ sở tiềm lực hiện có với những trục tăng trưởng khá ổn định như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch... Trong đó có dự báo một số ngàn, lĩnh vực phát sinh như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến bô xít - nhôm. Chưa kể, trên cơ sở phân tích và dự báo, giai đoạn này, một số dự án sẽ khởi động, tạo nên bức tranh mới cho nền kinh tế.

2.jpg
Nhà máy Alumin Nhân Cơ Đắk Nông đang đóng góp lớn cho ngân sách, tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, từ năm 2021 đến 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của Đắk Nông chưa đạt như kỳ vọng. Duy nhất chỉ có năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của Đắk Nông đạt trên 8%, còn lại đều dưới 7%. Sở dĩ năm 2021, GRDP đạt mức kỷ lục trong nhiều năm liền là do thị trường bất động sản ở mức đỉnh điểm, tức mức tăng trưởng này không được xem là bền vững. Sau chu kỳ đỉnh điểm của bất động sản, giá trị tăng trưởng được trả về theo thực tế, thậm chí còn ảnh hưởng sâu đến một số lĩnh vực như dòng tài chính ra thị trường bị đóng băng cục bộ.

Theo dự báo trước đó, trong giai đoạn 2021-2024, sẽ có các “ông lớn” góp mặt vào tăng trưởng kinh tế Đắk Nông như 6 dự án điện gió, dự án điện phân nhôm… sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, đến nay, các “ông lớn” này vẫn chưa đi vào vận hành thương mại do nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân quan trọng và cốt lõi nhất vẫn là do tác động nặng nề từ đại dịch Covid - 19 đến nền kinh tế toàn cầu nói chung, cả nước và Đắk Nông nói riêng. Sau đại dịch Covid - 19, nguồn lực chi cho đầu tư phát triển phải cân đối theo hướng cắt giảm linh hoạt. Vấn đề này đã tác động đến chuỗi tăng trưởng dài hạn từ các công trình, dự án đầu tư bị cắt giảm. Chưa kể, giai đoạn này, hơn 1.000 dự án Đắk Nông gần như bị đóng băng vì vướng cơ chế chính sách liên quan đến quy hoạch khoáng sản…

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng của Đắk Nông luôn duy trì ở top 2 trong khu vực Tây Nguyên, là điểm sáng được ghi nhận. Hơn thế, Đắk Nông còn là địa phương thực hiện khá hiệu quả công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tạo cơ sở tiền đề cho phát triển bền vững.

Phải chăng “cơm chưa ăn, gạo vẫn còn”?

Một số ý kiến cho rằng, những khoản hụt thu theo dự báo giống như của để dành, “cơm chưa ăn, gạo vẫn còn” như bất động sản, các dự án chậm kỳ đi vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, quan điểm này chỉ đúng trong trường hợp đấu giá đất công, các lĩnh vực thuộc diện thu tiền một lần. Còn các khoản thu mang tính bền vững theo kỳ dài hạn, việc chậm thu năm nào, sẽ chậm tác động đến đầu tư phát triển năm đó.

ok.jpg
Chế biến sâu sẽ đưa ngành hàng nông nghiệp tăng trưởng bền vững hơn

Chỉ đơn cử, nếu như dự án điện phân nhôm đi vào hoạt động thương mại đúng như dự báo, trong những năm qua, từ nguồn thu này, Đắk Nông sẽ có thêm nguồn lực chi cho đầu tư phát triển. Từ nguồn đầu tư, sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế. Hay đối với đầu tư công, các dự án bị ngưng trệ do vướng cơ chế chính sách. Khi được tháo gỡ về cơ chế, sớm muộn, gói đầu tư cũng được triển khai để đóng góp cho tăng trưởng.

Thế nhưng, đây mới chỉ là tăng trưởng phần nổi, vấn đề quan trọng là đóng góp lâu dài từ giá trị sử dụng, vận hành của các dự án, công trình mang lại. Vì vậy, chu kỳ đầu tư chậm lại, sẽ kéo theo nền kinh tế chậm lại theo tỷ lệ đóng góp của dự án đó.

Trên cơ sở đó, thời gian qua, Đắk Nông tập trung nguồn lực để tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp sớm đưa các dự án vào hoạt động. Mặt khác, tỉnh cũng tập trung kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách để tạo môi trường thu hút đầu tư cho giai đoạn tiếp theo. Đây chính là tiền đề quan trọng để Đắk Nông “kích hoạt” tiềm năng, tiềm lực cho tăng trưởng kinh tế.

Mở rộng dư địa tăng trưởng thế mạnh

Theo các nhà phân tích, dư địa tăng trưởng ở các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dịch vụ thường mang tính ổn định, ít có sự đột phá. Nếu trong giai đoạn hay chu kỳ ngắn, các lĩnh vực này tăng trưởng đột phá nhờ giá nông sản hay hàng hóa tăng cao cũng chưa thể mang tính bền vững vì có tăng ắt có giảm theo quy luật thị trường để quay về giá trị thực.

Tăng trưởng GRDP mỗi năm cao hay thấp thường phụ thuộc nhiều vào các dự án công nghiệp, xây dựng. Năm nào, giai đoạn nào mà lĩnh vực này đóng góp nhiều, tăng trưởng sẽ cao và có sự bứt phá. Mặt khác, sự góp mặt của các dự án này sẽ phát sinh dư địa tăng trưởng về lao động, việc làm, phúc lợi xã hội, du lịch, dịch vụ…

Trên cơ sở phân tích, những năm tiếp theo, Đắk Nông đặt nhiều kỳ vọng cho việc mở rộng dư địa tăng trưởng trong lĩnh vực thu hút đầu tư, lao động việc làm bởi các dự án như Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành khởi động; điện phân nhôm, điện gió đi vào vận hành thương mại. Một số vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản, năng lượng tái tạo cũng đang từng bước được tháo gỡ sẽ là dư địa tốt cho tăng trưởng. Mặt khác, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành cũng là dư địa về tăng trưởng trong lĩnh vực thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất…

Khi các vướng mắc từng bước được tháo gỡ, chính là cơ sở để Đắk Nông tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trung, dài hạn.

Năm 2025, năm mà cán bộ, Nhân dân tập trung trí tuệ, tâm huyết cho xây dựng Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Việc phân tích đúng tiềm năng, tiềm lực, nhận định đúng các yếu tố thuận lợi, khó khăn sẽ là cơ sở quan trọng trong việc đóng góp ý kiến về các chỉ tiêu phát triển, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2025-2030.

Đức Diệu