10 NỘI DUNG NỔI BẬT CỦA LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Chính sách - Ngày đăng : 08:51, 29/12/2024

Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 10 chương, 179 điều, vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với nhiều chính sách thể hiện tính nhân văn, thân thiện, tiến bộ, vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên phạm tội, vừa bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.
10 NỘI DUNG NỔI BẬT CỦA LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN- Ảnh 1.

10 NỘI DUNG NỔI BẬT CỦA LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Thứ nhất, quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng

Một trong những nội dung nổi bật của Luật Tư pháp người chưa thành niên là quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng (bao gồm 11 biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng) như sau:

1. Khiển trách.

2. Xin lỗi bị hại.

3. Bồi thường thiệt hại.

4. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

5. Quản thúc tại gia đình.

6. Hạn chế khung giờ đi lại.

7. Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.

8. Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.

9. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề.

10. Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý.

11. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Đồng thời Luật cũng quy định một cách chặt chẽ về các điều kiện được áp dụng, thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; trách nhiệm của người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ để bảo đảm các quy định này vừa có tính nhân văn, vừa bảo đảm công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

10 NỘI DUNG NỔI BẬT CỦA LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN- Ảnh 2.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với tỉ lệ tán thành cao, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Thứ hai, đổi mới biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội

Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định 10 biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm: giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người theo các trường hợp quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự; tạm giữ, tạm giam; giám sát điện tử; giám sát bởi người đại diện; bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm; cấm đi khỏi nơi cư trú; tạm hoãn xuất cảnh.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định 03 biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm: áp giải, dẫn giải; kê biên tài sản; phong tỏa tài khoản.

Việc đổi mới các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội là phù hợp nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên, từ đó giúp họ nhận thức được những sai lầm, tích cực cải tạo trở thành công dân có ích cho xã hội.

Thứ ba, quy định người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên

Luật quy định người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên bao gồm: công chức, viên chức, người lao động làm công tác xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công chức văn hóa - xã hội cấp xã và người làm công tác xã hội khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời quy định người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên phải đáp ứng các điều kiện như: Có hiểu biết pháp luật về người chưa thành niên; Đã được đào tạo hoặc bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục người chưa thành niên hoặc có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý người chưa thành niên hoặc có kỹ năng giao tiếp đối với người chưa thành niên.

Quy định như vậy nhằm bảo đảm tính khả thi của người làm công tác xã hội tham gia tố tụng và tạo điều kiện cho việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng hiệu quả, tránh quy trình tố tụng kéo dài; tăng cường khả năng giúp đỡ người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhận thức lỗi lầm, tránh tái phạm, đồng thời giảm thiểu các chi phí tố tụng, chi phí tái hòa nhập cộng đồng.

Thứ tư, rút ngắn thời hạn tố tụng đối với người chưa thành niên bị buộc tội

Điểm đáng chú ý của Luật Tư pháp người chưa thành niên là rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên, trong đó quy định thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm đối với vụ án có người chưa thành niên bị buộc tội không quá ½ thời hạn đối với người trưởng thành, trừ trường hợp vụ án có tính chất phức tạp thì thời hạn này được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Quy định này nhằm bảo đảm nguyên tắc giải quyết nhanh chóng, kịp thời vụ án hình sự có người chưa thành niên là người bị buộc tội để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ thủ tục tố tụng hình sự đến người chưa thành niên; đồng thời nhằm bảo đảm áp dụng thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên.

Thứ năm, quy định nhiều hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội

Luật quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm: (1) Cảnh cáo; (2) Phạt tiền; (3) Cải tạo không giam giữ; (4) Tù có thời hạn.

Việc quy định nhiều loại hình phạt giúp tạo thuận lợi cho việc xem xét, áp dụng hình phạt phù hợp đối với người chưa thành niên phạm tội, hạn chế được việc áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên không đủ điều kiện hoặc không hoàn thành việc xử lý chuyển hướng khi có đủ điều kiện áp dụng các hình phạt khác; bảo đảm tính công bằng, bình đẳng trong chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội.

Bên cạnh đó, quy định như vậy không chỉ khắc phục bất cập của luật hiện hành, mà còn góp phần thực hiện tốt yêu cầu của Nghị quyết 48-NQ/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền”.

Thứ sáu, giảm mức phạt tù có thời hạn

Để thể hiện chính sách nhân văn, tiến bộ, Luật quy định giảm mức phạt tù tối đa đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 09 năm tù, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù, trừ trường hợp phạm 05 loại tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe và ma túy thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành: (1) Tội giết người; (2) Tội hiếp dâm; (3) Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; (4) Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; (5) Tội sản xuất trái phép chất ma túy.

Quy định này nhằm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự... đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội” và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới. Đồng thời vừa bảo đảm mức hình phạt và tổng hợp hình phạt phù hợp với người chưa thành niên, vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và an toàn cho cộng đồng.

Thứ bảy, tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết độc lập

Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Tư pháp người chưa thành niên là tại khoản 1 Điều 143, Luật quy định trong vụ án hình sự có bị can là người chưa thành niên và người thành niên thì Cơ quan điều tra tách vụ án hình sự để giải quyết vụ án độc lập đối với bị can là người chưa thành niên. 

Tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án có người chưa thành niên và vụ án có người thành niên theo quy định tại khoản 1 Điều này được sử dụng trong quá trình giải quyết các vụ án này.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết Điều này.

Đây là những chính sách mới nhân văn, thân thiện, tiến bộ đối với người chưa thành niên tham gia tố tụng hình sự; đồng thời bảo đảm nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất đối với người chưa thành niên, hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực có thể có từ người đã thành niên phạm tội tới người chưa thành niên.

Thứ tám, quy định 2 thủ tục tố tụng riêng biệt đối với người chưa thành niên

Luật quy định 2 thủ tục tố tụng riêng biệt gồm: (1) Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội; (2) Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng.

10 NỘI DUNG NỔI BẬT CỦA LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN- Ảnh 3.

Thứ chín, quy định thủ tục xét xử thân thiện

Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định phòng xử án thân thiện, thủ tục xét xử thân thiện tại Mục 4, Chương VII.

Theo đó, tại Điều 151, Luật quy định thủ tục xét xử thân thiện, trong đó phiên tòa phải được tổ chức xét xử thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. 

Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa mặc trang phục hành chính của Tòa án; Kiểm sát viên mặc trang phục phù hợp, không mặc trang phục Kiểm sát nhân dân.

Khi xét xử không còng tay hoặc áp dụng các biện pháp mang tính cưỡng chế khác, trừ trường hợp người chưa thành niên có biểu hiện chống đối, gây mất trật tự tại phiên tòa hoặc hành động tiêu cực khác.

Người đại diện của người chưa thành niên có thể hỗ trợ người chưa thành niên tại phiên tòa…

Thứ mười, quy định trại giam dành riêng cho người chưa thành niên

Theo đó, Luật quy định người chưa thành niên chấp hành án phạt tù được giam theo 03 mô hình: (1) trại giam riêng, (2) phân trại riêng dành cho người chưa thành niên trong trại giam hoặc (3) khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam.

Đồng thời quy định trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân trong trại giam phải được bố trí, thiết kế phù hợp với lứa tuổi, giới tính và bảo đảm có các khu vực, công trình sau đây: Khu giam giữ theo tính chất của tội phạm, mức hình phạt, giới tính; Buồng giam; Công trình phục vụ việc học tập, sinh hoạt, chăm sóc y tế; Khu thể thao, vui chơi; Khu lao động, dạy nghề; Khu thăm gặp; Các công trình khác theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Cùng với đó, Luật cũng quy định chế độ chăm sóc y tế đối với người chưa thành niên là phạm nhân; chế độ học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề, lao động; chế độ ăn mặc, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí; chế độ gặp, liên lạc với thân nhân của người chưa thành niên là phạm nhân.

Các quy định này vừa bảo đảm chính sách tốt nhất của pháp luật đối với người chưa thành niên là giáo dục, phục hồi, cải tạo người chưa thành niên; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, hỗ trợ người chưa thành niên khi thi hành án phạt tù; vừa thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các khuyến nghị của quốc tế về việc bảo đảm người chưa thành niên tách biệt hoàn toàn khỏi người đã thành niên khi chấp hành án phạt tù; vừa mang tính chất linh hoạt trong việc lựa chọn mô hình trại giam cho người chưa thành niên.