Đắk Nông phòng hạn từ đầu, từ xa
Nhiều giải pháp phòng, chống khô hạn, thiếu nước năm 2025 đã được lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng ở Đắk Nông bàn bạc, thống nhất, triển khai.
Nhiều giải pháp phòng, chống khô hạn, thiếu nước năm 2025 đã được lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng ở Đắk Nông bàn bạc, thống nhất, triển khai.
Những năm qua, Đắk Nông liên tục đối mặt với các đợt khô hạn ở các mức độ khác nhau gây ra nhiều hậu quả, nhất là đối với trồng trọt. Trong đó, ví dụ như các năm 2014, 2015 và cao điểm là mùa khô năm 2016 và năm 2024.
Năm 2024 vừa qua, Đắk Nông đã trải qua một mùa khô khắc nghiệt khi hạn hán hoành hành tại nhiều khu vực. Trong đó, các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp như Krông Nô, Đắk Mil, Chư Jút... có hàng ngàn ha cây trồng bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới, nguy cơ mất mùa.
Hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng đang thiếu nước sinh hoạt do hạn hán. Theo đánh giá của ngành chức năng, thiệt hại do hạn hán rất lớn.
Năm 2024 toàn tỉnh có trên 12.200ha cây trồng cả ngắn ngày, dài ngày bị ảnh hưởng, giảm năng suất, mất trắng. Diện tích ảnh hưởng lớn chủ yếu ở Đắk Mil, Krông Nô, Cư Jút, Đắk R'lấp. Về nước sinh hoạt, cao điểm mùa khô có khoảng 600 hộ dân tại các huyện Krông Nô, Đắk Mil, Cư Jút, Tuy Đức bị thiếu nước sinh hoạt.
Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông nhận định, từ tháng 12/2024 đến tháng 4/2025 có những thay đổi theo hướng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Nhiệt độ trung bình không khí các tháng 12/2024 đến tháng 1/2025, phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (TBNNCTK) khoảng 0,2-1 độ C.
Tháng 12/2024 đến tháng 1/2025, tổng lượng mưa có khả năng đạt xấp xỉ và cao hơn so với TBNNCTK. Tổng lượng mưa từ tháng 2/2025 đến tháng 4/2025 có khả năng xấp xỉ TBNNCK và dao động từ 150-350mm.
Về thủy văn, trên sông Đắk Nông (tại trạm thủy văn Đắk Nông) mực nước chịu ảnh hưởng của công trình hồ Hạ thuộc TP. Gia Nghĩa và phụ thuộc vào quy trình vận hành điều tiết hồ Gia Nghĩa. Mực nước trung bình các tháng cao hơn từ 0,70-1,50m so với TBNNCTK.
Trên sông Krông Nô (tại trạm thủy văn Đức Xuyên) và sông Ea Krông (tại trạm thủy văn Cầu 14) mực nước dao động theo chế độ vận hành của các hồ chứa thủy điện. Tuy nhiên, nhận định, mực nước trung bình các tháng phổ biến xấp xỉ so với TBNNCTK, riêng trên sông Krông Nô ở mức xấp xỉ đến thấp hơn từ 0,30-0,60m so với TBNNCTK.
Trên một số sông, suối nhỏ mực nước dao động theo xu thế giảm dần. Có khả năng xuất hiện tình trạng cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước cục bộ vào tháng 2/2025.
Krông Nô là địa phương có diện tích cây trồng cũng như số hộ dân bị ảnh hưởng lớn nhất tỉnh bởi khô hạn. Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp chống hạn từ nhiều năm nay. Năm 2025 dự báo nhiều nguy cơ khô hạn cao, huyện xây dựng lịch thời vụ thích hợp, phối hợp với đơn vị quản lý công trình thủy lợi điều tiết nước hợp lý, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...
Krông Nô đẩy mạnh vận động người dân chuyển đổi cây trồng ngắn ngày chống hạn. Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được người dân trên địa bàn huyện đồng tình, hưởng ứng. Điều này đã góp phần giảm bớt khô hạn đối với cây ngắn ngày. Đây cũng là giải pháp mà huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện trong thời gian tới.
Cũng theo ông Lộc, để chống hạn, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi nhằm nâng cao năng lực tưới, tiêu hằng năm là điều cần thiết nhất.
Về nội dung này, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh đã chỉ đạo việc chủ động bảo đảm nguồn nước, phòng chống khô hạn mùa khô năm 2025 từ tháng 11/2024.
Phương châm được Đắk Nông đặc biệt coi trọng đó là chủ động phòng, chống hạn từ đầu, từ xa. Các ngành, đơn vị liên quan tính toán các phương án, biện pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn, nguồn lực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh đã có Nghị quyết 07 năm 2019 và kế hoạch của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển ao, hồ nhỏ. Ngành Nông nghiệp cần xốc lại, thực hiện đúng tinh thần nghị quyết trên thì sẽ giảm bớt khô hạn. Đây là cách rất phù hợp trong điều kiện ngân sách tỉnh hạn hẹp. Bởi vì, xây dựng các công trình lớn thì nhiều vấn đề đi kèm, đòi hỏi vốn lớn, giải phóng mặt bằng...
"Hỗ trợ người dân xây dựng, nâng cấp các ao, hồ nhỏ là một cách làm mang lại hiệu quả cả trước mắt và lâu dài, sẽ được người dân cực kỳ ủng hộ", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh .
Tỉnh chỉ đạo các cấp, đơn vị chuyên môn đẩy mạnh các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, nhân rộng các mô hình về nông lâm kết hợp để tăng độ che phủ rừng. Giải pháp này sẽ làm giảm bớt quá trình sụt giảm mực nước ngầm, nước mặt, điều hòa nhiệt độ.
Ông Nguyễn Thừa Anh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cho rằng: Ở vùng tâm hạn hàng năm như Krông Nô, Đắk Mil, Cư Jút, công ty đề xuất xây dựng thêm một số đập dâng hay nạo vét, cải tạo, nâng cấp các hồ đập nhỏ để tăng dung tích chứa.
Các chi nhánh công ty đã đắp các bao tải đất nâng cao ngưỡng tràn từ 40cm đến 120cm tại 40 hồ chứa có dung tích nhỏ, có nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán vào cuối vụ.
Công ty phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức khảo sát, triển khai đắp 46 đập dâng, đập tạm trên suối tự nhiên để tận dụng nguồn sinh thủy, đưa nước vào các kênh mương nội đồng, vào các cánh đồng lúa nước tại các khu vực chưa xây dựng các đập dâng trên suối.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-Phát triển nông thôn cho biết: "Ngành Nông nghiệp làm tốt hơn vai trò của mình trong việc nắm chắc tình hình thực tiễn, bám nắm cơ sở, nắm rõ thực tế, dự báo sát ảnh hưởng sắp tới để xây dựng, triển khai các giải pháp chống hạn phù hợp".
Cũng theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, đơn vị làm đầu mối triển khai tốt các quy định về đầu tư, nâng cấp, cải tạo các hồ chứa, công trình phòng, chống hạn hán; phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương sớm xây dựng lịch nông vụ, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu giống, thời vụ phù hợp với nguồn nước tưới.
Thống kê trong giai đoạn từ 2016-2023, người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 1.109ha đất lúa, đất xa nguồn nước. Qua đánh giá kết quả chuyển đổi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, hầu hết các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa từ 3 triệu đồng đến 12,6 triệu đồng/ha.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-Phát triển nông thôn thông tin thêm, việc tính toán lại cơ cấu cây trồng gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai cũng được tỉnh áp dụng cho cây dài ngày, cây chủ lực.
Theo lộ trình, từ năm 2023 đến năm 2030, Đắk Nông đặt mục tiêu chuyển đổi trên 8.500ha với 4 cây trồng chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều không thích nghi hoặc ít thích nghi sang trồng các cây trồng có tiềm năng, thích nghi với điều kiện thực tế tại các địa phương.
Sở NN-Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp với các ngành, địa phương để thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất nông, lâm nghiệp.
Nội dung, ảnh: Hồng Thoan
Trình bày: Phong Vũ