Văn hóa

Krông Nô gắn phát triển du lịch với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Nhóm PV 29/12/2024 04:55

Krông Nô khai thác tiềm năng từ CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn thiên nhiên và văn hóa. Các điểm đến độc đáo và trải nghiệm mới lạ hứa hẹn thu hút du khách gần xa.

Khai thác, phát huy lợi thế vùng lõi

Huyện Krông Nô nằm trong vùng lõi của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông với nhiều di sản địa chất gắn với hệ sinh thái rừng, thác nước, sông, hồ, núi lửa đa dạng, độc đáo…

Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi khi có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn với nhiều vùng canh tác, nhiều sản phẩm đặc sản, chất lượng như gạo ST24, ST25, cam sành hữu cơ, quýt ngọt hữu cơ, bơ núi lửa, bưởi, cà phê…

Đây còn là nơi tập trung nhiều di tích, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia của tỉnh gồm 6 di tích với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau, nhiều cánh đồng dung nham đẹp.

Hinh 1
Núi lửa Nâm Kar, thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô nằm trong hệ thống các núi lửa của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Bên cạnh lợi thế về tự nhiên, địa chất, địa mạo, Krông Nô là địa phương quy tụ khoảng 24 dân tộc khác nhau cùng sinh sống. Đồng bào các dân tộc của huyện lưu giữ được nhiều lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ, tập tục văn hóa truyền thống riêng… tạo nên một kho tàng di sản văn hóa hết sức độc đáo, đa dạng.

dji_0736.jpg
Cánh đồng lúa và thung lũng mặt trời mọc tại xã Nâm N'đir

Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, để khai thác, phát huy lợi thế là vùng lõi của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, địa phương đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Qua đó, cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhận thức rõ hơn chủ trương, định hướng của huyện về xây dựng và phát triển du lịch gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đến nay, huyện Krông Nô đã phối hợp khảo sát, lên danh mục kêu gọi, thu hút đầu tư một số khu điểm du lịch có tiềm năng lớn như Khu vực Hố Da - Nam Đà (suối nước trong); Hệ thống hang động C3, C4, C7, C8, C6.1… Huyện cũng tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học xây dựng phương án phát huy giá trị vùng lõi CVĐC để kết nối với các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh và khu vực.

Địa phương tiếp tục đầu tư, đưa vào hoạt động trung tâm thông tin để giới thiệu, quảng bá hình ảnh CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đến du khách trong và ngoài nước; nâng cấp tuyến đi bộ lên đỉnh núi lửa Nâm Kar phục vụ việc tham quan, khảo sát.

Bên cạnh đó, huyện Krông Nô còn phối hợp khảo sát khu vực có di chỉ khảo cổ tại thôn Quảng Hà (xã Nâm N’đir) và thôn Ea Snô (xã Đắk Drô) để xây dựng Đề án bảo tồn gắn với CVĐC và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Quảng Hà, (xã Nâm N’đir), bon Yôk Nâm Nung (xã Nâm Nung) và thôn Buôn Choáh (xã Buôn Choáh).

thác khói
Tiềm năng, lợi thế rất lớn, nhưng thực tế, du lịch của huyện Krông Nô phát triển chưa tương xứng

Công tác chuyển đổi số lĩnh vực du lịch được chú trọng. Đến nay, huyện Krông Nô đã phối hợp xây dựng dữ liệu số hóa 3D về tài nguyên văn hóa du lịch, chi tiết di tích lịch sử, tổng quan 3D trên di tích lịch sử chưa được xếp hạng danh lam thắng cảnh, lễ hội tiêu biểu… Công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các nền tảng số… cũng được quan tâm nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách đến với địa phương.

Cần nhiều giải pháp phù hợp

Ông Nguyễn Xuân Danh nhìn nhận, tiềm năng, lợi thế rất lớn, nhưng thực tế, du lịch của huyện Krông Nô phát triển chưa tương xứng.

Việc kêu gọi thu hút đầu tư về du lịch thiếu đột phá. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Các dịch vụ lưu trú, thương mại chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực chất lượng cao về du lịch còn thiếu. Chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển…

Danh K rong no

Để thúc đẩy, khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, địa phương sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Trước hết, huyện tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để quảng bá thu hút đầu tư, khách du lịch; phát huy tiềm năng lợi thế dựa trên các nền tảng số.

Việc đưa ra các giải pháp khai thác tạm thời hệ thống hang động, núi lửa gắn bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc được huyện chú trọng.

Bên cạnh đó, huyện Krông tiếp tục triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh, xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch; đầu tư nâng cấp, mở rộng các điểm dừng chân trong tuyến Trường ca của Lửa và Nước.

Quy hoạch toàn bộ diện tích hồ Easnô thành một vùng liên kết với điểm số 10 phục vụ công tác phát triển du lịch về lâu dài; tận dụng diện tích rừng đặc dụng Đ’ray Sáp đưa vào khai thác du lịch.

Hinh 3
Huyện Krông Nô sẽ tính toán tới các giải pháp khai thác tạm thời hệ thống hang động, núi lửa

Địa phương đầu tư xây dựng trạm dừng chân trước hang C3, C4; nâng cấp đường từ hang C6.1 đến hang C7 và từ hang C7 đến suối nước trong (Hố Da, xã Nam Đà), đường vào hang C8, C9 và thiết kế hệ thống cầu thang lên xuống hang, bãi đỗ xe vào cụm hang P11 một cách phù hợp với quy định về bảo vệ di tích nhằm phục vụ du khách.

Công tác chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch tiếp tục được quan tâm. Cùng với đó, địa phương sẽ triển khai hệ thống ứng dụng QR Code trong thông tin, giới thiệu các điểm tham quan, dịch vụ du lịch; xây dựng các trang mạng xã hội phù hợp với từng thị trường khách du lịch…

Ngoài ra, với lợi thế về nông nghiệp, huyện Krông Nô triển khai xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, phát triển sản phẩm OCOP có lợi thế để phục vụ phát triển du lịch; thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường, nhất là tài nguyên, di chỉ, di sản thuộc vùng lõi CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tiếp tục được tăng cường…

Nhóm PV