Nông nghiệp - Nông thôn

Nông dân Đắk Nông vươn mình

Đức Diệu 28/12/2024 08:53

Công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đắk Nông những năm qua đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

Nhà nước trợ lực

Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã nhất quán mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp phát triển đất nước. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của của Ban Chấp hành Trung ương được xem là “kim chỉ nam” trong việc hình thành một cách có hệ thống các quan điểm lý luận về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực này theo hướng đồng bộ, mang tính đột phá.

Từ đây, hàng loạt chương trình mục tiêu trọng tâm, dự án dài hơi đầu tư cho khu vực nông thôn đã ra đời, trở thành nguồn lực mạnh mẽ, trợ lực để nông dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Mô hình nông nghiệp trải nghiêm
Phát huy tiềm năng, lợi thế, nhiều nông dân đắk Nông đã kết hợp sản xuất với du lịch sinh thái để nâng cao thu nhập (Ảnh: Đinh Thanh Hải)

Đối với Đắk Nông, ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh, Tỉnh ủy Đắk Nông đã xác định nông nghiệp đóng vai trò như “bệ đỡ” của nền kinh tế; nông dân là lực lượng lao động chủ yếu tạo ra của cải vật chất, đóng góp nguồn nhân lực chủ yếu cho mục tiêu phát triển.

Xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp, Đắk Nông có hơn 80% dân số ở khu vực nông thôn. Nếu nông dân giàu, tỉnh sẽ mạnh. Đó là quan điểm, mục tiêu mà Đắk Nông xác định trong suốt lộ trình phát triển.

Không chỉ tạo ra phần lớn của cải vật chất đóng góp cho nền kinh tế, nông dân còn là chủ thể bảo đảm các vấn đề phát triển bền vững như an ninh lương thực, nguồn nước, biến đổi khí hậu…

Nhiều mô hình chăn nuôi tập trung đang được đầu tư bài bản, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nhiều mô hình chăn nuôi tập trung đang được đầu tư bài bản, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ đây, Đắk Nông đã tập trung nguồn lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân như triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, ổn định dân cư, đầu tư đồng bộ hạ tầng nông thôn, nâng cao dân trí khu vực nông thôn…

Khi có sự trợ lực từ phía Nhà nước, người dân, nhất là người nghèo, yếu thế khu vực nông thôn có thêm cơ hội tự nâng cao năng lực, trình độ sản xuất, tiếp cận tri thức, tiến bộ của nhân loại.

Mặc dù còn là tỉnh khó khăn nhưng Đắk Nông tự hào là địa phương có tỷ lệ giảm nghèo ấn tượng nhất trong thời gian qua. Đắk Nông cũng là tỉnh gặt hái được nhiều thành tựu trong các chương trình phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho người dân khu vực nông thôn.

Các chỉ số về tiếp cận thông tin, mạng internet, văn hóa, tri thức, nước sạch vệ sinh môi trường… chỉ số hạnh phúc những năm gần đây trên địa bàn Đắk Nông đều tăng cho thấy nỗ lực nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đền đáp.

Nông dân vươn lên

Cùng với cả nước, nông dân Đắk Nông giờ đây không chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như trước mà đã vươn mình phát triển vượt ra khỏi cổng làng.

Nhờ được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, định hướng nghề nghiệp, nông dân Đắk Nông đã khẳng định đức tính cần cù, chịu khó, năng động sáng tạo trong lao động, sản xuất, từ đó thúc đẩy xã hội phát triển. Không chỉ làm giàu cho mình, họ còn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các nông dân khó khăn, đóng góp xây dựng địa phương.

Sản xuất cà phê tại Đắk R'lấp đang từng bước đi vào chế biến sâu, mang lại giá trị kinh tế cao
Sản xuất cà phê tại Đắk R'lấp đang từng bước đi vào chế biến sâu, mang lại giá trị kinh tế cao (Ảnh: Lệ Sương)

Từ những sản phẩm nông nghiệp chỉ mang tính tự cung, tự cấp, hiện nay, sản phẩm của người nông dân Đắk Nông tạo ra đã có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nếu như năm 2004, toàn tỉnh Đắk Nông chỉ có khoảng 8.536 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi thì đến năm đầu năm 2024, con số này đã tăng lên 19.655 hộ. Ngày càng có nhiều mô hình kinh tế khu vực nông thôn tiêu biểu, mang lại hiệu quả cao.

Văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy
Khi đời sống kinh tế được cải thiện, người dân quan tâm hơn đến phát huy giá trị văn hóa, tinh thần

Điều quan trọng hơn, đó là nhận thức, năng lực của nông dân Đắk Nông đã được nâng cao. Điều này đã được thể hiện rõ nét không chỉ về mặt bằng dân trí, kinh tế tăng gấp nhiều lần so với ngày Đắk Nông tái lập mà còn trong mục tiêu, quan điểm của họ.

Nhiều nông dân đã không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Họ đã chủ động học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống cho bản thân, gia đình. Ngày càng có nhiều mô hình kinh tế tốt, cách làm hay của người nông dân được các cấp, ngành ghi nhận. Nhiều nông dân mặc dù đang khó khăn nhưng để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước, họ tự nguyện làm đơn ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo, tự bản thân vươn lên.

Khi có được kiến thức, trình độ lao động sản xuất nhất định, người nông dân từng bước chủ động trong thực hiện các mô hình, phương thức sản xuất để phát triển kinh tế, chăm lo cho con cái học hành, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội.

Trong những năm qua, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp khoảng 396 tỷ đồng, trên 4.900.000 ngày công lao động để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn. Nông dân hiến trên 619.070m2 đất xây dựng các công trình phúc lợi.

Ghi nhận những thành quả đó, từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh được Chủ tịch nước tặng 5 huân chương lao động, Thủ tướng Chính phủ tặng 9 bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trung ương hội nông dân Việt Nam tặng 234 bằng khen, UBND tỉnh tặng 178 bằng khen, Hội Nông dân tỉnh tặng 1.136 bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng tổ chức hội và phong trào nông dân. Đắk Nông có 6 cá nhân được tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Đức Diệu