Đề xuất sửa đổi quy định về thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân

Chính sách - Ngày đăng : 17:15, 27/12/2024

Bộ Công Thương đề xuất khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 02 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Đề xuất sửa đổi quy định về thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân- Ảnh 1.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Theo Bộ Công Thương, để kịp thời triển khai thi hành Luật Điện lực số 61/2024/QH15, cập nhật các quy định tại Luật Điện lực số 61/2024/QH15, phản ánh thực tế chi phí sản xuất kinh doanh điện và việc Đơn vị điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực đã tách độc lập với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và quy định việc xác định lợi nhuận của các khâu để đảm bảo cơ sở thực hiện ngay khi Luật Điện lực số 61/2024/QH15 có hiệu lực, do đó việc xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (thay thế Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg) là cần thiết.

Việc xây dựng Dự thảo Nghị định nhằm mục đích thực hiện theo đúng quy định tại Luật Điện lực số 61/2025/QH15 về thể thức văn bản quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (nội dung này hiện đang được quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg). 

Bên cạnh đó việc xây dựng Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung và cập nhật, làm rõ, cụ thể hóa một số quy định có liên quan tại Luật Điện lực số 61/2025/QH15 phù hợp với thực tế, qua đó đảm bảo việc ban hành Dự thảo Nghị định được triển khai thuận lợi. 

Dự thảo Nghị định gồm 10 Điều, cụ thể: Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Điều 2 về giải thích từ ngữ; Điều 3 về nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân; Điều 4 về phương pháp lập giá bán điện bình quân năm; Điều 5 về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm; Điều 6 về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm; Điều 7 về công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện hằng năm; Điều 8 về kiểm tra điều chỉnh giá điện;  Điều 9 về tổ chức thực hiện; Điều 10 về hiệu lực thi hành.

Nội dung của dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định của Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung phù hợp với các quy định tại Luật Điện lực số 61/2024/QH15 cũng như phát sinh trong thực tiễn.

Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan về thực hiện công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện

  • Giá bán điện bình quân là mức giá bán lẻ điện bình quân trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định.
  • Giá bán điện bình quân hiện hành là mức giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng tại thời điểm xem xét điều chỉnh giá điện.
  • Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (sau đây viết tắt là khung giá) là phạm vi giữa mức bán lẻ điện tối thiểu và mức giá bán lẻ điện tối đa.
  • Năm N là năm giá bán điện bình quân được xây dựng theo quy định tại Nghị định này.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan về thực hiện công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2 tại Điều 3, Điều 5, Điều 7 so với Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg để phù hợp với Luật Điện lực số 61/2024/QH15 và làm rõ chủ thể thực hiện công bố công khai chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm N-2 để đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Điện lực số 61/2024/QH15, cụ thể:

Khoản 1 Điều 3 quy định: "Hằng năm, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2, giá bán điện bình quân năm N được xem xét, điều chỉnh..." và khoản 1 Điều 5 quy định: "Trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm N do Bộ Công Thương ban hành, chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định tại Điều 7 Nghị định này, ước kết quả sản xuất kinh doanh điện năm N-1 (trong trường hợp chưa công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-1)…".

Sửa đổi quy định Điều 7: Công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện hằng năm như sau:

"1. Hằng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm lập Báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện và thuê đơn vị kiểm toán độc lập để kiểm toán. Sau khi có Báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm công bố công khai thông tin về chi phí sản xuất kinh doanh điện theo quy định tại khoản 2 Điều này trên trang Thông tin điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và theo hình thức khác theo quy định của pháp luật, đồng thời gửi báo cáo nêu trên tới Bộ Công Thương.

2. Các nội dung công bố công khai bao gồm: chi phí thực tế thực hiện các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, điều hành - quản lý ngành) và các khoản chi phí khác quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này; giá bán lẻ điện bình quân thực hiện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; kết quả kinh doanh lỗ, lãi về hoạt động sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các chi phí chưa được tính vào giá điện từ lần điều chỉnh gần nhất nhưng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.".

Sửa đổi nguyên tắc về mức, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân

Sửa đổi nguyên tắc về mức, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tại Điều 3 để phù hợp với điểm a, điểm c khoản 2 Điều 52 Luật Điện lực số 61/2024/QH15: "Giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh", đồng thời phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc tránh giật cục trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm. 

Mặt khác, hiện nay các thông số đầu vào trong tính toán giá điện có sự biến động khá lớn trong thời gian ngắn và cần phải phản ánh kịp thời để hạn chế sự tác động của thông số đầu vào đến mức điều chỉnh giá điện. 

Do đó, Dự thảo Nghị định hiệu chỉnh như sau:

"4. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

5. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 02 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.";

Giữ nguyên công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân; hiệu chỉnh, bổ sung dẫn chiếu việc xác định chi phí 

Về công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân (Điều 4 Dự thảo Nghị định), giữ nguyên công thức đã được quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg. 

Các thành phần trong công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân tại khoản 2 Điều 4 Dự thảo Nghị định kế thừa Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg, trong đó có hiệu chỉnh, bổ sung dẫn chiếu việc xác định chi phí như: "Tổng chi phí và lợi nhuận định mức năm N từ các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và nhà máy điện hạch toán phụ thuộc khác trong giai đoạn chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (đồng). Trong đó tổng chi phí được xác định theo quy định do Bộ Công Thương ban hành" (phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 51 Luật Điện lực số 61/2024/QH15).

Bổ sung quy định cơ sở xác định lợi nhuận định mức 

Bổ sung khoản 5 Điều 4 về quy định cơ sở xác định lợi nhuận định mức năm N trong tính toán giá bán điện bình quân của các khâu phân phối - bán lẻ điện; điều hành - quản lý ngành; nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc khác trong giai đoạn chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, việc bổ sung khoản 5 Điều 4 nêu trên phù hợp với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 52 Luật Điện lực số 61/2024/QH15: " . . . lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp . . . ", đồng thời đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch và cơ sở thực hiện.