Đời sống

Nâng cao nhận thức bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em

Tuệ An 27/12/2024 08:07

Với việc chú trọng truyền thông, vận động, các cấp hội phụ nữ Đắk Nông đạt nhiều kết quả trong triển khai thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” - Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Dự án 8). Trong đó, Hội LHPN Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Dự án 8.

Dự án 8 6
Nhiều chị, em trên địa bàn tỉnh được tham gia nhiều lớp tập huấn, truyền thông về thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Theo bà Lê Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Nô, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Dự án 8, các nội dung, chỉ tiêu cốt lõi, trọng tâm của dự án đã đạt được những kết quả tích cực. Các hoạt động tuyên truyền, vận động đã góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em.

Cụ thể, cùng với tổ chức tập huấn, hướng dẫn, Hội LHPN huyện Krông Nô đã thành lập 22 tổ truyền thông cộng đồng và trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh như loa, âm ly, micro phục vụ hoạt động truyền thông tại các thôn, bon đặc biệt khó khăn. Các lớp giáo dục truyền thông xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em được tổ chức, thu hút 2.456 người tham gia.

Hệ thống cổ động trực quan được xây dựng như băng rôn, pano, tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại, phòng ngừa mua bán phụ nữ và trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Cùng với xây dựng trang thông tin điện tử để truyền thông về hoạt động Dự án 8, Hội LHPN huyện còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật phòng chống bạo lực gia đình và định kiến giới tại các xã Buôn Choáh, Nâm Nung, Nâm N’Đir, Đắk Nang, Đắk D’rô, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ và người dân tham gia.

Tại các Trường THCS thị trấn Đắk Mâm và Trường Tiểu học & THCS Nguyễn Viết Xuân (Buôn Choáh) đã thành lập 2 Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, thu hút 42 học sinh tham gia.

Cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp xã được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý ở địa phương.

phu-nu(1).png

Theo bà Hà qua công tác tuyên truyền, vận động, cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân ngày càng nâng cao nhận thức trong việc đẩy lùi các tập tục có hại đến sức khỏe và đời sống cộng đồng như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, mất bình đẳng giới...

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Bám sát các nội dung, Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN các huyện triển khai thực hiện có hiệu quả, đến nay cơ bản đạt các chỉ tiêu giao. Các cấp hội tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng.

phu-nu-2-.png

Đội ngũ cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, tầm quan trọng của dự án. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể có sự thống nhất trong nhận thức và hành động, tạo đồng thuận trong xã hội, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

PNKN 23
Nhiều chị em đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Hội LHPN tỉnh tập huấn hướng dẫn thành lập, vận hành mô hình tổ truyền thông cộng đồng, mô hình địa chỉ tin cậy và tổ chức hội thi tìm kiếm sáng kiến, giải pháp, mô hình truyền thông hiệu quả thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”.

Các lớp tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới, giám sát và đánh giá về bình đẳng giới... được tổ chức nhằm bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên và cán bộ nữ dân tộc thiểu số...

Hội LHPN tỉnh hướng dẫn, thành lập được 23 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; trong đó 22 CLB tại trường học và 1 CLB tại cộng đồng với sự tham gia của 621 trẻ em.

Cán bộ Hội LHPN các cấp được tập huấn nâng cao năng lực về kinh nghiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội LHPN các huyện đã tổ chức 29 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành tổ truyền thông cộng đồng; thành lập 137 tổ truyền thông cộng đồng và ra mắt 11 địa chỉ tin cậy; tổ chức 17 hội thi tìm kiếm sáng kiến, giải pháp, mô hình truyền thông hiệu quả và cuộc thi tìm hiểu Luật phòng, chống bạo lực gia đình và định kiến giới.

Các huyện cũng tổ chức 12 lớp giáo dục truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Các cấp hội phát huy vai trò trong việc phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các cuộc đối thoại chính sách về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

PN 1
Phụ nữ Đắk Nông ngày càng tự tin, toả sáng

Các mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc được nhân rộng, bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em và phát huy hiệu quả, như: “Tổ tư vấn và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em”, “Cơ sở hỗ trợ, tư vấn nạn nhân bạo lực gia đình”, “Gia đình hạnh phúc phát triển bền vững”, “Phòng, chống bạo lực gia đình, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Cha mẹ nuôi dạy con tốt”, “CLB kết nối yêu thương”, “Gia đình không có bạo lực”, “Gia đình không vi phạm chính sách dân số”...

Theo bà Nguyễn Thị Lưu, trong khuôn khổ Dự án 8, các cấp hội đã tích cực triển khai, cụ thể hóa kế hoạch để tổ chức các hoạt động bảo đảm nội dung, chỉ tiêu đề ra, gắn với thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, lấy nhu cầu thiết thân của phụ nữ và lĩnh vực, nhiệm vụ của địa phương làm căn cứ để xác định nội dung, hình thức hoạt động, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia.

Phu nữ (1)

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Dự án 8, Hội LHPN tỉnh đã xác định và chỉ đạo các cấp hội phải nỗ lực phát huy vai trò tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ nhằm thúc đẩy, thực thi các chính sách liên quan đến bình đẳng giới trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tuệ An