Hướng dẫn tạo nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm 2025

Chính sách - Ngày đăng : 21:50, 25/12/2024

Tại Thông tư số 88/2024/TT-BTC quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Bộ Tài chính có hướng dẫn về việc tạo nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm 2025.

Phải xác định số tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương năm 2025

Theo Thông tư, các bộ, cơ quan trung ương tạo nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định tại Nghị quyết 27-NQ/TW, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật liên quan; trong đó phạm vi, tỷ lệ trích số thu được để lại thực hiện theo quy định tại điểm g, điểm h dưới đây; 

Đồng thời khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc phải xác định số tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm năm 2025 so với dự toán năm 2024 (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dành cho cải cách tiền lương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc, ngân sách cấp dưới phải xác định số tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2025 (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) theo quy định để thực hiện cải cách tiền lương năm 2025. 

Số tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2025 của các địa phương đảm bảo không thấp hơn mức Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2025 của các địa phương

Thông tư nêu rõ, nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2025 của các địa phương bao gồm:

a) 70% tăng thu ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2024 thực hiện so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết; thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và các khoản được loại trừ theo nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

b) 50% tăng thu NSĐP dự toán 2024 so với dự toán năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết; thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và các khoản được loại trừ theo nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

c) 50% tăng thu NSĐP dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết; thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và các khoản được loại trừ theo nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

d) 50% kinh phí NSĐP tiết kiệm được từ nguồn giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực chi quản lý hành chính nhà nước (do nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; do rà soát, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế) và từ nguồn giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên các đơn vị sự nghiệp công lập (do tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập) theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 160/2024/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

đ) Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2024 còn dư chuyển sang.

e) 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2025 đã được cấp có thẩm quyền giao, gồm: 10% dự toán chi thường xuyên năm 2023, 10% dự toán chi thường xuyên năm 2024 tăng thêm so với 2023 và 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm năm 2025 so với 2024.

g) Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2025. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được quy định cụ thể như sau:

- Đối với các cơ quan hành chính nhà nước (trừ các trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên): Sử dụng tối thiểu 40% số thu phí (thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí) được để lại theo chế độ sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí (bao gồm cả chi phí đã sử dụng để thực hiện theo mức tiền lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng) theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp đã được ngân sách Nhà nước (NSNN) bảo đảm chi phí cho hoạt động thu).

- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên:

+ Đối với số thu phí (thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí): Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí (bao gồm cả chi phí đã sử dụng để thực hiện theo mức tiền lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng) theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp đã được NSNN bảo đảm chi phí cho hoạt động thu).

+ Đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của các cơ sở y tế công lập: Sử dụng tối thiểu 35% số thu được để lại theo chế độ sau khi trừ các khoản chi phí đã được kết cấu trong giá dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ (như: chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao trực tiếp phục vụ cho người bệnh; chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ,... và chi phí tiền lương, phụ cấp đã kết cấu trong giá).

+ Đối với số thu dịch vụ (bao gồm cả thu học phí), các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác: Sử dụng tối thiểu 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo chế độ quy định).

h) Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương (bao gồm cả quỹ tiền thưởng) và tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện.

Thông tư nêu rõ, ngân sách Trung ương hỗ trợ nhu cầu điều chỉnh tiền lương tăng thêm (bao gồm cả quỹ tiền thưởng) cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương sau khi đã cân đối nguồn mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu theo chế độ quy định.