Đắk Glong, vùng đất của những lễ hội truyền thống
Là địa bàn cư trú của đông đảo dân tộc anh em sinh sống, văn hoá của huyện Đắk Glong như một bức tranh muôn màu sắc. Các lễ hội được tổ chức ở hầu hết các tháng trong năm, nhưng tập trung nhất vẫn đầu năm mới. Những lễ hội ở Đắk Glong thường diễn ra trong tiếng chiêng ngân vang với những ché rượu cần tràn đầy và những món ăn truyền thống.
Là địa bàn cư trú của đông đảo dân tộc anh em sinh sống, văn hoá của huyện Đắk Glong như một bức tranh muôn màu sắc. Các lễ hội được tổ chức ở hầu hết các tháng trong năm, nhưng tập trung nhất vẫn đầu năm mới. Những lễ hội ở Đắk Glong thường diễn ra trong tiếng chiêng ngân vang với những ché rượu cần tràn đầy và những món ăn truyền thống.
Với quan niệm nước là nguồn sống, phục vụ sinh hoạt hàng ngày và sản xuất, mang lại cuộc sống ấm no nên vào những ngày đầu xuân hàng năm, đồng bào dân tộc Mạ lại cùng nhau tổ chức lễ cúng bến nước để tạ ơn Thần nước.
Người Mạ cúng bến nước chính là nhằm giữ gìn dòng nước sạch đầu nguồn để duy trì sự sống. Lễ cúng bến nước gồm phần lễ và phần hội.
Phần lễ gồm các nghi lễ cúng bến nước và lễ thả cá với cầu mong cho cá mau lớn, sinh sôi phát triển để người dân ngày càng được ấm no hạnh phúc.
Sau phần lễ, người dân cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian vui nhộn như: Kéo co, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập nước, đua thuyền trên cạn.
Cũng như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, đồng bào M'nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có hệ thống nghi lễ phong phú và đa dạng. Mỗi một nghi lễ đều có một ý nghĩa riêng. Trong đó, Lễ cúng sức khỏe là một trong những nghi lễ đặc trưng thường được đồng bào tổ chức vào đầu năm mới.
Mục đích chính của lễ là cầu mong thần linh giúp đỡ cho cộng đồng, dòng họ, cá nhân tránh khỏi những tai ương, gặp nhiều may mắn, tràn đầy sức khỏe và bình an trong cuộc sống.
Tại buổi lễ, già làng sẽ dùng tiết gà để cúng thần linh, sau đó trực tiếp bôi lên người con cháu và những người cùng tham gia lễ cúng để xua đuổi bệnh dịch, để hết đau ốm, mọi người phục hồi sức khỏe trở lại, người dân làng có cuộc sống khỏe mạnh, bình an.
Kết thúc buổi lễ, già làng sẽ đeo vào tay mỗi người lớn tuổi một chiếc vòng như một “tấm bùa” để cầu mong sự an lành luôn bên cạnh.
Đắk Glong là nơi cứ trú của rất nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Cùng với rượu ngô, thắng cố, người Mông ở Đắk Glong còn đưa vào Tây Nguyên cả những phiên chợ vùng cao Tây Bắc.
Chợ phiên của người Mông được mở vào sáng sớm chủ nhật mỗi tuần. Phiên chợ đông nhất là vào khoảng 9 giờ sáng cuối năm. Khi đó người dân đã thu hoạch mùa màng, có điều kiện để đến chợ phiên để vui chơi, giải trí và gặp gỡ người yêu.
Tới chợ phiên, hòa mình trong những sắc màu thổ cẩm, thưởng thức món thắng cố, mèn mén, bánh ngô… du khách còn được trải nghiệm múa xinh tiền, múa khèn và ném pao…
Hàng năm, vào dịp đầu xuân, đồng bào dân tộc Tày ở xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong đều tổ chức Lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng). Đây là lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống, được lưu truyền từ lâu trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của người Tày.
Đồng bào Tày coi Lễ hội Lồng Tồng là tài sản văn hóa tinh thần vô giá, bởi nó chứa đựng mong ước, niềm tin của mỗi người dân về một cuộc sống yên lành, no đủ.
Lễ hội Lồng Tồng đồng diễn tả rõ nét bản sắc văn hóa của người Tày như: Văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, trò chơi dân gian...
Nội dung, ảnh: Cao Biên
Trình bày: Việt Dũng