Đắk Nông phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 19:19, 24/12/2024
Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ một số thông tin nổi bật về tình hình kinh tế-xã hội trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông?
Đồng chí Hồ Văn Mười: Năm 2024, bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có những diễn biến mới, phức tạp, gây ra nhiều khó khăn, thách thức so với dự báo. Trong tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, các dự án trọng điểm chưa thể tiếp tục triển khai do vướng mắc quy hoạch bô-xít chưa được tháo gỡ dứt điểm; chồng lấn giữa các quy hoạch tạo ra nhiều vướng mắc khi triển khai các dự án trọng điểm trong đầu tư công và thu hút đầu tư ngoài ngân sách... Nhưng dưới sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông đã nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết liệt, trách nhiệm, năng động và linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng GRDP vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt GRDP bình quân đầu người tăng cao, đạt 81,66 triệu đồng/người, cao hơn kế hoạch 12,81 triệu đồng, cao hơn năm 2023 là 14 triệu đồng.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được tỉnh Đắk Nông quan tâm, chú trọng thực hiện, trong đó, xóa đói giảm nghèo là lĩnh vực được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm.
Trong năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,19%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chung giảm 5,7%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 6,15%.
Hiện tỉnh Đắk Nông chỉ còn 5.163 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,99%; so với một số tỉnh trong khu vực thì số hộ nghèo còn rất ít và tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn nhiều. Tỉnh cũng rất quan tâm, chú trọng công tác hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; công tác trợ giúp cộng đồng trên địa bàn tỉnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời trong các dịp Lễ, Tết.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã thực hiện các hoạt động an sinh xã hội với tổng kinh phí thực hiện khoảng 80 tỷ đồng, hỗ trợ gần 210.000 lượt đối tượng hưởng lợi. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 137 căn nhà đại đoàn kết; Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 42 căn nhà Chữ thập đỏ.
Cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp được chú trọng. Trong năm 2024, có 576 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 79,2% so với năm 2023; tổng vốn đăng ký là 2.552 tỷ đồng, tăng 45,1% so với năm 2023.
Tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư 4 dự án với số vốn đầu tư là 503 tỷ đồng; dự kiến trong tháng 12/2024, sẽ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 233 tỷ đồng. Tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là cải cách hành chính, thể hiện qua việc thăng hạng vượt bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) toàn quốc (năm 2023, tăng 17, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố).
Đặc biệt, 5 tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đã đề xuất triển khai các dự án khai thác bô-xít, sản xuất alumin, sản xuất nhôm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, với tổng vốn đăng ký đầu tư rất lớn hơn 8 tỷ USD. Các dự án này nếu sớm được triển khai và đi vào hoạt động sẽ cụ thể hóa, hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt, vừa là những tín hiệu, tiền đề tốt để tỉnh Đắk Nông mời gọi thêm các nhà đầu tư trong và ngoài nước về với Đắk Nông.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội đều vượt kế hoạch đề ra. Tiềm lực quốc phòng-an ninh được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội được bảo đảm. Những thành tựu này là động lực quan trọng để Đắk Nông tiếp tục phấn đấu vươn lên mạnh mẽ và tăng tốc trong năm 2025.
Phóng viên: Thời gian qua, Đắk Nông đã nỗ lực thế nào nhằm khơi thông các “điểm nghẽn”, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội, thưa đồng chí?
Đồng chí Hồ Văn Mười: Phải khẳng định rằng, trong năm 2024, tỉnh Đắk Nông đã hết sức nỗ lực, vượt qua thử thách để đạt được rất nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tự hào. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn”, dẫn đến có chỉ tiêu chưa đạt như kỳ vọng.
Để tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nhất là các vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án nằm trong Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô-xít, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã rất quyết liệt trong việc báo cáo các bộ, ban ngành Trung ương những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Quy hoạch thăm dò, khai thác bô-xít trên địa bàn tỉnh, từ đó kiến nghị các nội dung liên quan quy hoạch bô-xít đưa vào Luật Địa chất và Khoáng sản. Qua đó, đã dần tháo gỡ những “nút thắt” liên quan đến công tác thu hút đầu tư, triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách Nhà nước nằm trong vùng quy hoạch thăm dò, khai thác bô-xít.
Tỉnh Đắk Nông cũng rất chú trọng trong việc đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Đặc biệt, Dự án Đường cao tốc bắc nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết để triển khai. Đây là “con đường nghĩa tình” đối với bà con các dân tộc Tây Nguyên, là động lực phát triển kinh tế-xã hội của hai tỉnh Đắk Nông, Bình Phước nói riêng và khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ nói chung.
Bên cạnh đó, để triển khai Luật Đất đai năm 2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã kịp thời ban hành kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành khẩn trương tham mưu, xây dựng để ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản theo thẩm quyền, thống nhất, đồng bộ với các nghị định, thông tư, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thi hành luật tại địa phương (Đắk Nông được đánh giá trong top 15 cả nước về việc ban hành các quy định thuộc thẩm quyền của địa phương đối với Luật Đất đai năm 2024). Các nghị quyết, quyết định mới ban hành kịp thời được kỳ vọng góp phần đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tránh lãng phí đất đai. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, góp phần giải phóng nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; tháo gỡ các “điểm nghẽn”, từng bước hạn chế các tình huống phức tạp nảy sinh, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Phóng viên: Để trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên, Đắk Nông cần triển khai những nhiệm vụ, giải pháp gì trong thời gian tới?
Đồng chí Hồ Văn Mười: Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2025, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp, triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nỗ lực, quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị; trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Trước hết, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh. Hoàn thành điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, nhất là các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị... cho thống nhất và đồng bộ với Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch vùng Tây Nguyên. Ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, tác động lớn đến tình hình kinh tế-xã hội địa phương trong thời kỳ quy hoạch, tập trung vào Dự án Đường cao tốc bắc nam phía tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành, các dự án Tổ hợp Nhà máy tuyển quặng - Alumin - nhôm và các dự án Nhà máy chế biến nước tinh khiết và hoa quả tại Đắk Mil, Đắk Glong (tổng vốn đầu tư hoàn thiện khoảng 4.000 tỷ đồng); dự án Khu Trang trại chăn nuôi bò sữa huyện Đắk Glong...
Chủ động bám sát, cùng các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ đến kết quả cuối cùng các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại để sớm triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả các dự án đang triển khai như các dự án điện gió, điện phân nhôm...
Bảo đảm diện tích khai thác bô-xít, sản xuất alumin của Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV. Phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư để triển khai tối thiểu 2 dự án khai thác bô-xít theo quy hoạch được duyệt, nhằm tạo đột phát trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Chủ động đề xuất thay thế cán bộ lãnh đạo yếu năng lực, không đủ năng lực điều hành, quản lý; từ đó, sắp xếp lại theo hướng “đúng vai, thuộc bài” trong công việc.
Song hành với phát triển kinh tế, thực hiện tốt các lĩnh vực văn hóa-xã hội, nhất là công tác giảm nghèo, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các chính sách dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm, vùng biên giới, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!