Phát triển mô hình trồng rau, củ xứ lạnh tại Măng Đen

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 16:04, 23/12/2024

Với khí hậu mát mẻ quanh năm, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum rất thích hợp trồng rau, củ xứ lạnh. Chính quyền địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây phát triển mô hình trồng rau, củ xứ lạnh, giúp đồng bào vững kinh tế, vươn đến cuộc sống ấm no.

Những ngày cuối năm, tiết trời tại thị trấn Măng Đen ngày càng trở lạnh. Thế nhưng nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn miệt mài trên vườn rau củ của mình. Đã gắn bó với trồng rau, củ xứ lạnh được một thời gian, họ hiểu rằng, mô hình này sẽ là “cần câu cơm” hiệu quả, để mỗi gia đình phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định trên mảnh đất này.

Anh A Hùng, tổ trưởng tổ 1 nhóm tổ hợp tác trồng rau, củ xứ lạnh thôn Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen, cho biết, trước đây gia đình anh không hề có ý định trồng rau, củ xứ lạnh. Diện tích đất canh tác của gia đình sử dụng để trồng một số loại cây ngắn ngày. Sau này, được cán bộ địa phương trực tiếp tuyên truyền về chuyển đổi cây trồng, gia đình anh mới bắt đầu “bén duyên” với trồng rau, củ xứ lạnh.

Phát triển mô hình trồng rau, củ xứ lạnh tại Măng Đen ảnh 1

Anh A Hùng trồng rau, củ xứ lạnh trong nhà màng.

Không chỉ đối với anh A Hùng, mà hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Kon Vơng Kia đều được địa phương vận động để chuyển đổi cây trồng năng suất thấp sang canh tác trồng rau, củ xứ lạnh.

Ban đầu, các hộ gia đình còn nhiều bỡ ngỡ, bởi xưa này, mọi người vẫn giữ nguyên nếp canh tác cũ với các loại cây truyền thống. Tuy nhiên, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và cung cấp cho bà con các sự hỗ trợ cần thiết trong xây dựng mô hình trồng rau, củ xứ lạnh, cho người dân tham gia các lớp tập huấn để tìm hiểu về kiến thức, cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình.

Qua đó, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng tham gia mô hình, dần dà hình thành nhóm tổ hợp tác tại thôn Kon Vơng Kia trồng rau, củ xứ lạnh.

Tính đến hiện tại, thôn Kon Vơng Kia có 3 nhóm tổ hợp tác tại với 35 hộ gia đình tham gia. Tổng diện tích canh tác rau, củ xứ lạnh tập trung là 5,83 ha.

“Hiện tại, tổ 1 nhóm tổ hợp tác trồng rau, củ xứ lạnh thôn Kon Vơng Kia gồm 10 hộ gia đình, đang canh tác 0,79ha. Tại vụ đầu tiên, tổ chúng tôi đã triển khai trồng khoai lang Úc và bí Nhật. Sau khoảng thời gian canh tác, chúng tôi đã thu hoạch được 3,4 tấn khoai lang Úc và 0,45 tấn bí Nhật, thu về 80 triệu đồng. Hiện nay, chúng tôi đã xuống giống vụ sản xuất thứ 2 (gồm các loại cà rốt, hành lá, su hào, bắp cải, khoai lang Úc...), các loại rau, củ đều phát triển tươi tốt hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình trong dịp tết này”, anh A Hùng phấn khởi cho biết.

Phát triển mô hình trồng rau, củ xứ lạnh tại Măng Đen ảnh 2

Chị Y Lợi phấn khởi khi quyết định chuyển đổi cây trồng, sang canh tác rau, củ xứ lạnh.

Tiếp lời anh Hùng, chị Y Lợi (thôn Kon Vơng Kia) cũng rạng rỡ: “Mình cảm thấy thật đúng đắn vì đã tham gia vào nhóm tổ hợp tác trồng rau, củ xứ lạnh của thôn. Trước đây mình sử dụng diện tích đất này để trồng lúa. Hằng năm cũng chỉ đủ ăn uống trong gia đình. Nhưng từ khi canh tác rau, củ xứ lạnh, mình đã có nguồn thu nhập ổn định hơn. Điển hình như chỉ trong 20 ngày qua sau khi bán rau, củ được xuất bán, mình đã thu về 4 triệu đồng. Mình mừng lắm!”.

Hiện tại, tổng diện tích phát triển vườn rau các hộ gia đình trên địa bàn thị trấn Măng Đen là 3,8 ha. Địa phương đã triển khai thực hiện tại nhà các hộ gia đình trong thôn, làng và các đơn vị trường học, gồm loại rau, củ như sau: Cải cay, cải ngọt, bắp sú, cà pháo, rau rừng, su su...

Mô hình trồng rau, củ xứ lạnh là một trong những cách làm của địa phương trong triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Từ đầu năm 2024, địa phương đã tích cực vận động bà con thực hiện Cuộc vận động với phương châm mỗi hộ một “Vườn rau gia đình” nhằm cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững.

Phát triển mô hình trồng rau, củ xứ lạnh tại Măng Đen ảnh 3

Đồng bào dân tộc thiểu số thôn Kon Vơng Kia trồng rau, củ tập trung liên kết sản xuất, phát triển kinh tế.

Để phát triển một số mô hình tập trung, Ủy ban nhân dân thị trấn Măng Đen đã hỗ trợ xúc tiến thành lập 1 hợp tác xã rau xứ lạnh Măng Đen, với 17 thành viên, trong đó có 9 thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, tổng số vốn đăng ký là 1 tỷ đồng.

Hợp tác xã rau xứ lạnh Măng Đen thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm với bà con trong quá trình thực hiện các mô hình canh tác rau, củ trên địa bàn thị trấn. Áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, Hợp tác xã rau xứ lạnh Măng Đen đã trồng rau trong nhà màng. Tại tất cả các nhà màng, đều được trang bị hệ thống tưới tiêu tự động do trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ.

Theo ông Võ Minh Luân, Giám đốc Hợp tác xã rau xứ lạnh Măng Đen, trong giai đoạn 1, Hợp tác xã đã đầu tư 500m2 nhà màng. Hợp tác xã đã tổ chức sản xuất rau vụ 1 gồm: xà lách, cải ngọt, cải thìa... các loại rau đều sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay đang thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt 500kg rau các loại. Dự tính, nếu mô hình này sản xuất thuận lợi và ổn định thì doanh thu ước đạt 1,5 tỷ/1ha/năm.

Hiện nay, Hợp tác xã đang tổ chức xuống giống sản xuất vụ 2 và sẽ cho thu hoạch sau 1 tháng. Trong giai đoạn 2, Hợp tác xã tiếp tục đầu tư thêm 500m2 nhà màng.

Phát triển mô hình trồng rau, củ xứ lạnh tại Măng Đen ảnh 4

Các loại rau, củ phát triển tươi tốt hứa hẹn cho bà con một mùa thu hoạch bội thu.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Măng Đen Đồng Thế Danh cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, chính quyền thị trấn Măng Đen sẽ tiếp tục vận động các nhóm hộ nhân rộng và phát triển các loại rau, củ quả phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Qua đó, hướng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và Hợp tác xã rau xứ lạnh Măng Đen để hỗ trợ kỹ thuật, giống, hướng dẫn các hộ dân thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật và chăm sóc tốt các mô hình.

PHÚC THẮNG