“Măng non giữ lửa” văn hóa truyền thống
Đắk Nông hiện có 2.024 nghệ nhân thành thục các nghề truyền thống đan lát, đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm. Trong đó có nhiều nghệ nhân mặc dù tuổi còn trẻ nhưng đã có nhiều đóng góp cho bảo tồn, lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Đắk Nông hiện có 2.024 nghệ nhân thành thục các nghề truyền thống đan lát, đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm. Trong đó có nhiều nghệ nhân mặc dù tuổi còn trẻ nhưng đã có nhiều đóng góp cho bảo tồn, lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ngoài ra, rất nhiều em nhỏ, thanh thiếu niên vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng yêu thích, quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy, “giữ lửa” các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hiện nay, trên địa bàn Đắk Nông có 7 trường PTDTNT THCS-THPT ở các huyện, 1 trường THPT DTNT N’Trang Lơng ở TP. Gia Nghĩa. Các trường DTNT này bên cạnh thực hiện tốt việc dạy học kiến thức THCS-THPT thì còn chú trọng đào tạo, giảng dạy ngoại khóa về văn hóa truyền thống của từng dân tộc cho học sinh.
Tại Trường THPT DTNT N’Trang Lơng TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông), bắt đầu từ năm học 2020-2021, nhà trường hỗ trợ học sinh thành lập một Câu lạc bộ (CLB) “Nét đẹp các văn hóa dân tộc”, gồm 6 đội. Tên của đội là tên của dân tộc đó như M’nông, Ê đê, Nùng-Tày, Mông, Mạ, Mường, …. Ngoài ra, trường xây dựng, thành lập, duy trì hoạt động đội chiêng và múa xoan thuộc CLB “Nét đẹp các văn hóa dân tộc”.
Thành viên nòng cốt là những học sinh có năng khiếu, đam mê nhằm bảo tồn và phát huy nét đặc trưng của các dân tộc. Qua các năm học, khi học sinh lớp 12 ra trường, học sinh lớp 10 được tuyển mới vào sẽ tiếp tục tham gia CLB để kiện toàn, bổ sung, triển khai các hoạt động giúp CLB được duy trì và phát triển.
Hàng tháng, các đội trong CLB sẽ tham gia giới thiệu đến toàn thể giáo viên, học sinh của trường các nét đẹp văn hóa, bản sắc dân tộc của dân tộc mình. Qua đó, học sinh có dịp giao lưu, chia sẻ, hiểu biết hơn về phong tục tập quán của nhau, tạo sự hòa nhập, gắn bó giữa các nền văn hóa của các dân tộc.
“ Qua 3 năm học tại đây, em rất thích và háo hức khi tham gia các hoạt động văn hóa của trường. Qua lễ hội âm thực hay hội thi trang phục truyền thống, em và các bạn đã được vui chơi, sinh hoạt, giới thiệu cho bạn bè về phong tục tập quán của dân tộc mình. Đây cũng là dịp để em và các bạn tìm hiểu thêm về những nét độc đáo của dân tộc khác. Mặc dù em đã đi học đại học nhưng mỗi khi có dịp, em lại về thăm trường và cùng tham gia với tổ văn hóa dân tộc Mông của mình”, em Sùng Minh Huyền, cựu học sinh lớp 12 chia sẻ.
Đoàn trường thường xuyên tổ chức, tham gia các hội thi, hội diễn nhằm tạo sân chơi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thu hút sự tham gia sôi nổi của học sinh. Bà Đỗ Thị Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT N’Trang Lơng cho biết: Các em học sinh rất đam mê và yêu thích học tập các hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hình như, văn hóa truyền thống đã ngấm vào máu thịt của các em. Thông qua sự trợ giúp của nhà trường, các em đã có nhiều nỗ lực, là nguồn tiếp nối trong việc giữ gìn, bảo tồn và lưu truyền văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Mới đây nhất, Mô hình “Đoàn viên, thanh niên với ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” của Trường THPT DTNT N’Trang Lơng đã đoạt giải nhì tại Hội thi “Mô hình điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, năm 2023” do Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông tổ chức vừa qua.
Một số trường PTDTNT THCS-THPT trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều hoạt động giúp các em học sinh hiểu biết, bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Trường PTDTNT THCS-THPT huyện Đắk Mil cũng là một đơn vị tiêu biểu của địa phương trong việc giáo dục, hỗ trợ học sinh “giữ lửa” văn hóa truyền thống của các dân tộc. Trường thường xuyên mời các nghệ nhân thuộc nhiều lĩnh vực, như múa, hát dân ca, đánh chiêng, dệt thổ cẩm để truyền dạy cho học sinh. Nhà trường cũng thành lập đội văn nghệ truyền thống của dân tộc M’nông, thường xuyên tham gia các cuộc thi, hội diễn và biểu diễn tại các sự kiện của địa phương.
Các em học sinh của nhà trường đều rất hứng thú học tập, tìm hiểu các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Em H’Him, dân tộc M’nông, lớp 12 Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Đắk Mil chia sẻ: “Bên cạnh văn hóa truyền trống của người M’nông, em cũng rất thích các tiết mục múa của các DTTS khác. Em rất sự ấn tượng về những nét đẹp riêng, độc đáo của các dân tộc qua từng tiết mục. Đặc biệt là các tiết mục của các cô chú, anh chị ở bon Sa Pa, xã Thuận An giúp em hiểu hơn về văn hóa dân tộc mình”.
Thời gian qua, cùng với nỗ lực của tỉnh Đắk Nông thì chính quyền, các ngành chức năng từ huyện xuống xã, thôn, bon trong tỉnh luôn chú trọng đến việc giáo dục ý thức, truyền dạy kỹ năng cho các nghệ nhân trẻ, thanh thiếu niên và nhi đồng trong việc tiếp nối, lưu giữ văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc. Một số địa phương nổi trội trong hoạt động này như Krông Nô, Đắk Mil, Cư Jút, Đắk R’lấp…
Với 24 DTTS cùng sinh sống, Krông Nô là bức tranh đa sắc màu chứa đựng văn hoá độc đáo của các dân tộc bản địa và những mảng màu mới lạ của các dân tộc phía Bắc di cư. Mỗi dân tộc đều có những nét truyền thống văn hóa riêng biệt, phong phú từ âm nhạc, ẩm thực, trang phục đến lễ hội dân gian.
Nổi bật trong bức tranh văn hóa của huyện Krông Nô là kho tàng văn hóa độc đáo, đa dạng của các cư dân bản địa: M’nông, Ê đê. Nhiều lễ hội vẫn gìn giữ cho đến ngày nay như Tăm plang Blang bon; Tâm N'Găp bon; cúng bến nước; cầu mưa; vào nhà mới… Sự hiện diện của các dân tộc đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc cũng làm cho bức tranh văn hóa vùng đất Krông Nô thêm sống động.
Bằng nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó, nguồn vốn từ Chương trình 1719 đã hỗ trợ Krông Nô rất nhiều trong công tác bảo tồn văn hóa, bao gồm cả các lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa.
Các lớp truyền dạy kỹ năng bao gồm: đánh cồng chiêng nâng cao và dân ca M’nông, xã Nâm Nung; dệt thổ cẩm, hoa văn dệt thổ cẩm dân tộc Dao, xã Nâm N'đir; lớp đánh cồng chiêng nâng cao, phục dựng cây nêu dân tộc M’nông, xã Quảng Phú và đánh cồng chiêng nâng cao, đan lát dân tộc Ê đê, xã Quảng Phú…
Em Y Băng (SN 2010), bon Ja Ráh, xã Nâm Nung cho biết, sau khi tham gia lớp tập huấn truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng năm 2024, em đã tích cực tham gia đội chiêng của Nhóm du lịch cộng đồng Yốk Nâm Nung. Mỗi khi được đi biểu diễn tại các lễ hội hay phục vụ du khách, em cảm thấy rất tuyệt vời.
Tương tự, em H’Nóa (SN 2006) ở bon Ja Ráh là một trong những thành viên trẻ của nhóm múa ở xã Nâm Nung, huyện Krông Nô đã 3 năm nay. Cô gái trẻ luôn say mê và có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Việc tham gia một cách tự nguyện của H’Nóa đã truyền cảm hứng cho lớp trẻ trong bon làng phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Năm 2024, huyện Krông Nô tổ chức được 4 lớp tập huấn, hỗ trợ nghệ nhân ưu tú truyền dạy văn hóa phi vật thể cho các DTTS, nhất là các bạn trẻ trên địa bàn huyện... Ông Huỳnh Công Nga, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Nô cho biết.
Khi mới 22 tuổi, chị Thị Năm, bon Ol Bu Tung, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dệt thổ cẩm” - được xem là nghệ nhân trẻ nhất tỉnh Đắk Nông.
Năm 2019, tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần I, nghệ nhân trẻ Thị Năm đã vượt qua hàng trăm nghệ nhân "lão làng" giành được giải xuất sắc. Khi đó, nghệ nhân Thị Năm mới 23 tuổi. Giải thưởng này cùng với những kinh nghiệm học tập được từ lễ hội giúp chị Thị Năm có thêm động lực để trở về bon làng phát triển nghề truyền thống.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân trẻ Thị Năm đã làm ra nhiều sản phẩm độc đáo. Chị đã được vinh danh trong nhiều cuộc thi và nhận được giấy chứng nhận danh hiệu nghệ nhân giỏi. Ngoài dệt thổ cẩm, nghệ nhân trẻ Thị Năm còn là hạt nhân tích cực của đội văn nghệ dân gian xã Quảng Tín, thường xuyên góp mặt, tham gia các hội thi, hội diễn, quảng bá nét đẹp văn hóa M’nông trong và ngoài tỉnh…
Tại huyện Đắk Mil, địa phương khuyến khích, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đồng bào phía Bắc di cư vào sinh sống nỗ lực bảo tồn văn hóa. Trong đó, xã Thuận An đã thành lập được Câu lạc bộ văn hóa liên bon Sa Pa-Bu Đắk; xã Đức Minh có Đội văn nghệ bon Jun Jú; xã Long Sơn thành lập Đội văn nghệ liên bon Tây Sơn-Đông Sơn của đồng bào Tày, Nùng; xã Đắk Ghềnh có Đội văn nghệ của các em học sinh DTNT huyện Đắk Mil… Trong đó, nhiều em còn trẻ, nhỏ tuổi rất tích cực, đam mê học hỏi những nét đẹp văn hóa truyền thống như H’Joen, Trần H Nhã Trâm, bon Sa Pa, H’Nguy, bon Bu Đắk, xã Thuận An; H’Him, H’Na, bon Jun Jú, xã Đức Minh…
Anh Y A Rôn (SN 1992), Đội trưởng Đội văn nghệ dân gian liên bon Sa Pa-Bu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Mil thông tin, đội văn nghệ liên bon hiện có 32 thành viên, trong đó chỉ có 5 nghệ nhân lớn tuổi, còn lại là thanh niên. Các nghệ nhân ưu tú, lớn tuổi thì giàu kinh nghiệm, tài năng, người trẻ thì nhiệt huyết, ham học hỏi. Do vậy, đội hoạt động rất hiệu quả, giữ gìn được nhiều nét văn hóa truyền thống của người M’nông như hát dân ca, múa xoang, đánh chiêng, dệt thổ cẩm, hát đối đáp…
Ông Trần Đình Ninh, Trưởng phòng VH-TT huyện Đắk Mil cho biết: Bên cạnh sự truyền dạy của các nghệ nhân ưu tú thì các bạn thanh thiếu niên trong các thôn, bon đồng bào tại chỗ và phía Bắc đều rất tích cực học hỏi, luyện tập và thành thạo những hoạt động văn hóa như múa, hát dân ca, đánh chiêng, dệt, đan lát… Từ những người làm công tác văn hoá, các cấp chính quyền cho đến mỗi công dân, đều có trách nhiệm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc. Đặc biệt, các thế hệ trẻ - những người tiếp nối và bảo tồn di sản này cho tương lai cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ các giá trị văn hoá phi vật thể…
Nội dung, ảnh: Bảo Ngọc
Trình bày: Phong Vũ