Công nghệ

Công nghệ thực tế ảo tái hiện lịch sử 80 năm vẻ vang Quân đội Nhân dân Việt Nam

Minh Sơn 23/12/2024 09:20

Chỉ từ thiết bị cá nhân, bằng công nghệ thực tế ảo 360 độ, người dùng có thể đi qua những khoảnh khắc hào hùng đầy vinh quang trong 80 năm qua của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng hòa bình của dân tộc, khẳng định niềm tin và thể hiện góc nhìn của thế hệ trẻ dưới lăng kính công nghệ, một dự án xã hội mô phỏng hành trình chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được ra mắt bằng công nghệ thực tế ảo.

Công nghệ thực tế ảo khơi dậy lòng tự hào dân tộc

Trao đổi với VietnamPlus, ông Nguyễn Mạnh Tùng, nhà sáng lập nền tảng số YooLife cho biết toàn bộ hành trình lịch sử hào hùng của dân tộc được tái hiện đầy đủ các cột mốc thông qua hệ thống 'bảo tàng ảo.'

Khi truy cập ứng dụng trên thiết bị cá nhân như smartphone hay laptop, dự án sẽ giúp người dùng ngược dòng thời gian, trở về những ngày đầu đầy gian khó nhưng cũng đầy tự hào khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập.

Từ đó, hành trình lịch sử được tái hiện sinh động, đưa người xem qua những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp hào hùng, đến 21 năm đấu tranh kiên cường trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ,...

vnp-ao-hoa-khong-gian-lich-su-1-6.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, nhà sáng lập nền tảng số YooLife cho biết toàn bộ hành trình lịch sử hào hùng của dân tộc được tái hiện đầy đủ các cột mốc thông qua hệ thống bảo tàng ảo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Điểm nhấn đặc biệt của dự án là sự kết hợp giữa lịch sử, văn hoá và công nghệ hiện đại. Ông Nguyễn Mạnh Tùng chia sẻ: "Chúng tôi sử dụng công nghệ VR360 để hầu hết các địa danh gắn liền với lịch sử ra đời và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam được tái hiện trên không gian số. Bên cạnh hình ảnh sống động, mỗi dự án được bổ sung thuyết minh các chiến dịch lịch sử. Đây là cách tiếp cận lịch sử, văn hoá rất hiệu quả, thay vì chỉ học qua sách vở."

Với kho tư liệu hơn 3.000 hình ảnh, người xem không chỉ được ngắm nhìn mà còn có cơ hội trải nghiệm cảm giác như đang thực sự đứng tại các di tích và địa danh lịch sử bằng công nghệ VR360 bao quát toàn cảnh. Người dùng sẽ trực tiếp tương tác, chủ động trong việc khám phá, tìm kiếm thông tin.

vnp-ao-hoa-khong-gian-lich-su-8.jpg
Góc nhìn bao quát 360 độ giúp người xem được trải nghiệm không gian lịch sử sống động nhất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Từng khung hình, từng góc quay đều mang đến một hành trình khám phá, giúp khơi dậy sự tò mò và lòng tự hào về những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Thông qua hình ảnh, video trực quan, có trợ lý thuyết minh, tư liệu được trình bày khoa học, người dùng sẽ có trải nghiệm thú vị, nắm bắt dễ dàng thông tin các sự kiện nổi tiếng, mang đậm dấu ấn lịch sử.

Trung tá, Tiến sĩ Trần Hữu Huy - Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, người tham gia cố vấn chuyên môn của dự án cho rằng lịch sử quân sự bên cạnh sưu tập, lưu trữ bảo tồn, nên chia sẻ rộng rãi giá trị đến đông đảo công chúng, bởi theo ông, chia sẻ là cách bảo tồn bền vững nhất.

"Dự án tái hiện hành trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng lần này không nên chỉ giới hạn trong dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội, mà sẽ là một nguồn tài liệu quan trọng để nghiên cứu và khai thác lâu dài nhờ giá trị mà nó mang lại," Trung tá, Tiến sĩ Trần Hữu Huy nhấn mạnh.

Theo tiết lộ của người phát triển dự án, trong suốt 6 tháng, đội ngũ dự án đã đi đến nhiều nơi của đất nước để ghi lại và tái hiện các địa danh lịch sử gắn liền với hành trình phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam, từ Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình, Cao Bằng), An toàn khu (ATK) Định Hóa, Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, thành cổ Quảng Trị, đến Phu Văn Lâu ở Huế và Địa đạo Củ Chi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói đây là dự án tập hợp các 'địa chỉ đỏ' đồ sộ và trực quan nhất từ trước đến nay tại Việt Nam

Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại và cách làm sáng tạo, dự án mô phỏng hành trình chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam bằng công nghệ thực tế ảo đã thành công trong việc lan tỏa giá trị lịch sử đến thế hệ trẻ và là cầu nối ý nghĩa từ quá khứ đến hiện tại.

Mang lịch sử, văn hoá đến gần hơn với công chúng bằng công nghệ

Dự án mô phỏng hành trình chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam không phải dự án đầu tiên mà đội ngũ của ông Nguyễn Mạnh Tùng phát triển.

Với sự phát triển của công nghệ thực tế ảo VR, hàng trăm di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh được tái hiện gần như nguyên bản so với thực tế.

Người dùng tham quan tour VR360 không chỉ đơn thuần là xem không gian, mà còn ngắm nhìn video, hình ảnh hiện vật, đọc và hiểu thêm những thông tin lịch sử giá trị.

Chia sẻ về ý tưởng phát triển dự án, ông Nguyễn Mạnh Tùng cho biết từ lâu đã mong muốn bảo tồn nét văn hoá, lịch sử dân tộc cùng với đó là tôn vinh lịch sử, thúc đẩy phát triển nghệ thuật, du lịch của Việt Nam. Ông Tùng cũng nhận thấy trong những năm gần đây xu hướng công nghệ VR360 đang là công nghệ hot, có ứng dụng thực tế trong đời sống nên đã mạnh dạn xây dựng dự án, kết hợp cả 2 lại với nhau.

vnp-ao-hoa-khong-gian-lich-su-1-5.jpg
Người dùng hào hứng trải nghiệm dự án. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

"Các nền tảng công nghệ hay mạng xã hội thường tập trung vào kết nối cá nhân, nhưng chúng tôi chọn hướng đi riêng biệt, xây dựng công cụ để lan truyền văn hóa của nước Việt mình, của dân tộc mình cho mọi người cùng biết. Từ đó, không chỉ truyền đi những thông điệp nhân văn về nét đẹp truyền thống mà còn lan tỏa bản sắc Việt và kích cầu du lịch," ông Nguyễn Mạnh Tùng chia sẻ với phóng viên.

Đội ngũ dự án không chỉ thực hiện hàng trăm dự án ảo hóa như tour VR360 Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, không gian Lễ hội Thiết kế sáng tạo, điện Thái Hòa (Đại nội Huế), Dinh Độc Lập… mà còn hợp tác với hàng nghìn đơn vị trong và ngoài nước để đăng tải các không gian ảo hóa của nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn hóa, du lịch, F&B hay bất động sản trên nền tảng này.

Chia sẻ về định hướng tương lai, ông Nguyễn Mạnh Tùng cũng cho biết, đích đến của dự án là trở thành nơi kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu liên quan đến văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, để giới thiệu và phát huy tinh thần dân tộc đến với đông đảo công chúng trên toàn cầu.

"Chúng tôi gửi vào đó mong muốn xóa đi giới hạn về khoảng cách, kết nối không gian để khẳng định vị thế của đất nước trong ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào bảo tồn di sản."

Dự án ảo hóa này không chỉ là một bước tiến vượt bậc trong công nghệ mà còn là cầu nối giúp mọi thế hệ, từ người trẻ đến kiều bào xa quê có thể cảm nhận rõ hơn về lịch sử và tinh thần dân tộc qua màn hình phẳng.

Dự án không chỉ nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá mà còn đưa những di sản này vươn xa, giới thiệu những nét đẹp của lịch sử, văn hóa Việt Nam ra thế giới, khẳng định vị thế của đất nước trong ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào bảo tồn di sản./.

Minh Sơn