Kinh tế

Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tạo đà tăng trưởng năm 2025

Linh Thư, Hạ Chúc 21/12/2024 07:53

Chiều 20/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025

Theo Bộ Ngoại giao, năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

2.jpg
TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Việt Nam thu hút FDI và xuất nhập khẩu, trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt khoảng trên dưới 800 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư FDI 11 tháng đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2023, nhất là giải ngân vốn FDI đạt 21,7 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm vừa qua.

1.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Hợp tác kinh tế trở thành nội dung thiết yếu trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt năm 2024, mang lại các kết quả cụ thể với hơn 170 thỏa thuận hợp tác được ký kết; góp phần làm mới các động lực truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, nhất là khu vực Đông Bắc Á, Mỹ, Ấn Độ.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp đột phá, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và thúc đẩy chuyển giao công nghệ… Đặc biệt, các đại biểu đề xuất cần kết nối, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, để các doanh nghiệp, thương hiệu Việt vươn xa ra thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, hoan nghênh sự đóng góp của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, của doanh nghiệp và Nhân dân vào những thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các nhà quản lý tìm mọi giải pháp đạt mức tăng trưởng GDP ít nhất 8% để tăng tốc, bứt phá hơn nữa, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xác định tăng trưởng lên tới 10% để tạo đà, tạo lực và khí thế để tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng với quyết tâm đạt tăng trưởng hai con số.

Các bộ, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh 3 đột phá, tạo môi trường đầu tư thông thoáng về cơ chế sách, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế phát triển; phát triển hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistic, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa; đào tạo nguồn nhân lực để tăng cạnh tranh, tăng năng suất lao động.

Ngoại giao kinh tế là động lực mới, quan trọng, Thủ tướng yêu cầu phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; xúc tiến thương mại, đầu tư thực chất, hiệu quả hơn; phát triển thị trường cạnh tranh bền vững; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự chung sức, đoàn kết, đồng lòng của các ban, bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp, nhất là tính chủ động, tích cực, phát huy vai trò người xung kích của ngành ngoại giao, các cơ quan đại diện ở nước ngoài, công tác ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, sáng tạo hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, củng cố nền tảng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Linh Thư, Hạ Chúc