Kinh tế

Chàng trai góp sức nâng tầm cà phê Đắk Nông

Đức Hùng - Thanh Nga 20/12/2024 21:48

Trải qua nhiều thăng trầm, chàng trai Trần Văn Phú đã góp sức xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị cà phê Đắk Nông trên thị trường trong nước, quốc tế.

phucfdaknong(1).png

Trải qua nhiều thăng trầm, chàng trai Trần Văn Phú đã góp sức xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị cà phê Đắk Nông trên thị trường trong nước, quốc tế.

Khởi đầu nhiều trăn trở

Tôi lớn lên tại xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông), nơi được mệnh danh là vùng đất trồng cà phê trù phú của Tây Nguyên. Từ nhỏ, tôi đã cùng ba mẹ chăm sóc những cây cà phê, gắn bó với mùi hương nồng nàn của đất đỏ bazan.

z3854161993613_81a2b8be9b16fcbc8ff9ec14c559cc62(1).jpg
Anh Trần Văn Phú, thôn 8, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) thay đổi cách làm cà phê từ chăm sóc cây trồng đến thu hoạch, chế biến

Năm 2006, khi mới 17 tuổi và đang học lớp 10, tôi được các bác, các chú trong xã tín nhiệm giao trọng trách làm Bí thư Chi đoàn thôn 8.

Đến năm 2013, tôi lập gia đình và quyết định xin nghỉ công tác đoàn sau 8 năm gắn bó để tập trung vào sản xuất cà phê đặc sản. Ba mẹ cho tôi 1ha đất trồng cà phê, và sau đó, vợ chồng tôi dành dụm mua thêm 1ha nữa. Cũng từ đây, hành trình khởi nghiệp với hạt cà phê của tôi chính thức bắt đầu.

Ban đầu, giống như bao người nông dân khác, gia đình tôi chịu cảnh “được mùa, mất giá” lặp đi lặp lại nhiều năm. Nhưng một bài viết trên internet vào năm 2013 đã thay đổi suy nghĩ của tôi.

phu(1).jpg
Cà phê sau khi thu hoạch được tuyển lựa khá công phu, bài bản

Trong danh sách 10 loại cà phê đắt giá nhất thế giới, tôi thấy tên các quốc gia như Panama, Guatemala, Ethiopia… nhưng không có Việt Nam, mặc dù nước ta là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai toàn cầu.

Tôi tự hỏi: “Tại sao cà phê Việt Nam lại không được thế giới công nhận? Chúng ta thiếu gì mà họ có?” Từ sự trăn trở đó, tôi quyết tâm tìm hiểu và khai phá giá trị thật của hạt cà phê quê mình.

Hành trình học hỏi và cải tiến

Năm 2014, tôi bắt đầu chuyển sang sản xuất cà phê sạch. Tuy nhiên, lúc bấy giờ không dễ để tìm được tài liệu hay người thầy hướng dẫn về chế biến cà phê đặc sản. Không có điều kiện học hỏi ở nước ngoài, tôi phải tự mày mò trên internet.

tranvanphu(2).jpg
Anh Phú tập hợp nhiều thanh niên cùng mình làm cà phê đặc sản, góp sức nâng tầm cà phê Đắk Nông

Điều đầu tiên tôi nhận ra là các quốc gia có cà phê đắt giá đều rất chú trọng vào quy trình từ thu hoạch đến chế biến. Họ chỉ hái quả chín, phơi trên sàn gỗ hoặc tre, lựa bỏ những hạt lỗi, quả sâu mọt.

Trong khi đó, nông dân Việt Nam thường hái lẫn quả xanh, chín, thậm chí để cà phê mốc trước khi phơi, làm giảm nghiêm trọng chất lượng sản phẩm.

Tôi bắt đầu áp dụng các kỹ thuật này, dù chưa hiểu rõ lý do. Sau nhiều lần thử nghiệm, đến mùa thu hoạch năm 2014, tôi đã cho ra lò những mẻ cà phê sạch đầu tiên.

caphesach-1-(1).jpg
Mẻ cà phê chế biến theo quy trình honey của Trần Văn Phú, thôn 8, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông)

Hạt cà phê không còn mùi mốc hay tạp chất mà mang hương thơm của trái cây, vị ngọt và chua hài hòa – thứ hương vị mà tôi gọi là “trả lại linh hồn” cho cà phê.

Cuối năm 2014, tôi gửi mẫu cà phê sạch cho anh Ngô Phi Bay, Giám đốc Công ty Cà phê Nam Long tại TP. Hồ Chí Minh. Anh Bay đánh giá cao sản phẩm của tôi và bắt đầu đặt hàng. Chúng tôi hợp tác sản xuất, với lô cà phê đầu tiên được bán giá 48 triệu đồng/tấn, cao hơn thị trường 8 triệu đồng.

Bản sao của THUYETCNC

Từ những phản hồi tích cực ban đầu, tôi ngày càng tự tin vào con đường mình chọn. Năm 2015, tôi kết nối với Anthony Huy Nguyễn – một chuyên gia cà phê từ Thụy Điển.

Anh Huy đã đưa mẫu cà phê robusta của tôi đi kiểm nghiệm và nhận được đánh giá 84 điểm, cao hơn robusta Ấn Độ 2 điểm. Đây là bước ngoặt giúp cà phê Đắk Nông dần khẳng định vị trí trên bản đồ cà phê đặc sản thế giới.

HTX Đắk Ka do anh Phú dẫn dắt đã góp phần quan trọng vào trong phát triển kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Anh Phú đã tập hợp nông dân sản xuất cà phê đặc sản để nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể.

Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông

Đưa cà phê Đắk Nông vươn xa

Từ năm 2017, tôi cùng các cộng sự thành lập tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch, đầu tư nhà kính, xưởng chế biến và mở rộng diện tích canh tác lên 100ha. Năm 2020, HTX ra đời với 39 thành viên, sản lượng đạt 200 tấn cà phê nhân mỗi năm, cung cấp cho cả thị trường trong nước và quốc tế.

dsc01717(1).jpg
Chất lượng cà phê ngày càng được nâng lên với các quy trình Trần Văn Phú, thôn 8, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) áp dụng từ khâu chăm sóc cây trồng đến thu hoạch, sơ chế...

Dù chưa thực sự giàu có từ cà phê, nhưng tôi tự hào khi góp phần thay đổi nhận thức của nông dân và người tiêu dùng về cà phê sạch.

Hành trình 10 năm với hạt cà phê đã chứng minh rằng, nếu làm đúng, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm đẳng cấp, nâng tầm thương hiệu cà phê Việt trên trường quốc tế.

Sau 10 năm làm nghề, tôi thấy mình có một chút đóng góp dù nhỏ nhưng rất ý nghĩa. Đó là góp phần xây dựng uy tín, chất lượng cho cà phê Đắk Nông. Đây là điều tôi vui nhất.

Bản sao của THUYETCNC (1)

Chúng tôi thực hiện phương châm giảm lợi nhuận của HTX để mua cà phê giá cao cho thành viên. Chúng tôi thường mua cà phê nhân xô sản xuất sạch cho thành viên cao hơn cà phê thị trường từ 15 - 20 triệu đồng/tấn.

Những năm qua, chúng tôi liên kết với 3 HTX và 1 THT ở Đắk Nông để sản xuất cà phê chất lượng cao, với sản lượng 200 tấn nhân/năm vừa cung cấp cho các công ty trong nước, vừa xuất khẩu. HTX đầu tư 1.000m2 nhà kính để phơi và 220m2 nhà xưởng chế biến, rang xay cà phê với tổng vốn đầu tư 6 tỷ đồng.

cfdakka-83-(1).jpg
Chứng nhân cà phê đặc sản của Trần Văn Phú, thôn 8, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông)

Những gì tôi đang làm là vì quê hương, đất nước chứ không phải vì cá nhân mình. Mỗi người sẽ có cách đóng góp cho đất nước khác nhau. Tôi là nông dân làm cà phê thì cống hiến theo kiểu của người nông dân.

Phucf (25)
Anh Trần Văn Phú sở hữu nhiều chứng nhận cà phê đặc sản do nhiều tổ chức chứng nhận
z6121718224231_0452ba678eda3b6faf075feb02b48c44.jpg

Ngày 15/11, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh công bố anh Trần Văn Phú là 1 trong số 36 thanh niên toàn quốc đoạt Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX, năm 2024.

Đây là giải thưởng danh giá, vinh danh những thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh.

dji_0273(1).jpg
HTX Nông nghiệp Thương mại Công bằng Đắk Ka có 39 thành viên, hầu hết là thanh niên. Ngoài vùng nguyên liệu đã gây dựng, HTX đang liên kết với 3 HTX và 1 tổ hợp tác ở Đắk Nông để sản xuất cà phê chất lượng cao.
Phucf (26)

Thanh Nga - Đức Hùng

Đức Hùng - Thanh Nga