Kinh tế

Đắk Mil đưa dạy nghề về bon làng

Phan Thanh Nga 19/12/2024 16:28

Huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp nhiều người có thêm trình độ tay nghề, tạo thu nhập.

Tạo thuận lợi tối đa cho người học

Những tháng qua, tại bon Đắk Me và bon Đắk R’la, 60 chị em của xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil, chăm chỉ đến nhà văn hóa để học nghề may công nghiệp.

Đây là 2 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Đắk Mil tổ chức.

Chị em được dạy nghề miễn phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

22(2).jpg
Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đắk Mil tổ chức lớp sơ cấp nghề may công nghiệp tại bon Đắk Me, xã Đắk N'Drót

Điều đặc biệt ở 2 lớp học là Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đắk Mil đã đưa địa điểm tổ chức dạy nghề về tận các bon. Chị H’Chanh ở bon Đắk Me chia sẻ, sau hơn 2 tháng học, đến nay cơ bản chị nắm được kỹ thuật cắt may.

“Chúng tôi được trung tâm tổ chức học tại nhà văn hóa của bon nên rất thuận lợi. Chị em trong bon vừa tranh thủ làm nông nghiệp vừa học nên trung tâm linh động bố trí thời gian để chúng tôi học thuận lợi nhất”, chị H’Chanh chia sẻ.

Đa số học viên là nông dân, bận rộn công việc nhà nông nên các lớp học có thể học ban ngày hoặc buổi tối, tùy vào sự thống nhất của học viên.

Chị H’Chanh cho biết, trong quá trình học, học viên được hỗ trợ máy may, vải, kim, chỉ đầy đủ để học giữa lý thuyết và thực hành. Ngoài ra chị em còn được nhận tiền trích từ nguồn hỗ trợ kinh phí đi lại.

1111(1).jpg
Chị H’Chanh ở bon Đắk Me chia sẻ, sau hơn 2 tháng học, đến nay chị cơ bản nắm được kỹ thuật cắt may

“Khi được địa phương tuyên truyền về học nghề, tôi thấy đây là cơ hội để mình có thêm việc làm nên đã chọn học. Từ nhỏ, tôi rất thích nghề may. Sau khi học xong, tôi sẽ mở tiệm nho nhỏ tại nhà để tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho mình”, Chị H’Chanh cho biết.

Người dân thay đổi tư duy

Những năm gần đây, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đắk Mil chú trọng tuyên truyền về công tác dạy nghề, từ đó nâng cao nhận thức cho người dân. Người dân coi trọng học nghề hơn trước đây.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trung tâm thường xuyên tư vấn học nghề, tuyên truyền chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn. Chúng tôi tổ chức các lớp dạy nghề ngay tại thôn, bon tạo điều kiện thuận lợi cho người học từ đó nhiều người học”.

Năm 2024, huyện Đắk Mil đào tạo 12 lớp nghề cho 420 học viên. Trong số 420 học viên có 245 người học nghề lĩnh vực nông nghiệp, 175 người học nghề lĩnh vực phi nông nghiệp.

Cũng theo ông Tuyến, trung tâm đa dạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đó, nhu cầu lao động học nghề ở địa phương tăng, nhất là người dân tộc thiểu số.

"Nhiều người làm nông nghiệp muốn học đa dạng nghề, nhất là các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp. Họ đã làm nông nghiệp rồi thì muốn học thêm nghề phi nông nghiệp để làm thêm tăng thu nhập", ông Tuyến chia sẻ:

333(1).jpg
Niềm vui của các học viên khi nhận chứng chỉ nghề

Ông Tuyến cho biết, bên cạnh lao động học các nghề về trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ sản xuất thì nhiều người dân chọn học các nghề về nấu ăn, may mặc, trang điểm…

“Nhu cầu về tuyển dụng lao động đối với các nghề phi nông nghiệp những năm gần đây tăng và người dân đã nắm bắt được xu hướng này. Cùng với đào tạo nghề, chúng tôi liên kết, giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để kết nối, giải quyết việc làm cho học viên”, ông Tuyến chia sẻ.

2222(1).jpg
Lớp đào tạo nghề Kỹ thuật trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khóa 1, năm 2024 nhận chứng chỉ

Lao động của Đắk Mil được đào tạo nghề đa dạng cả lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp và sau khi đào tạo đều phát triển nghề, có việc làm ổn định, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi...

Phan Thanh Nga