Đời sống

Người dân Krông Nô thụ hưởng chính sách ưu việt của Nhà nước

Thanh Hằng 19/12/2024 06:32

Các chương trình mục tiêu quốc gia đang phát huy hiệu quả, làm thay đổi diện mạo vùng đất núi lửa Krông Nô (Đắk Nông), qua đó nâng cao đời sống của người dân.

Cấp đất ở, xóa nhà dột nát

Buôn Choáh là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Nô, với hơn 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.

Đa phần đời sống của bà con còn khó khăn, thiếu thốn nên xã Buôn Choáh xác định, muốn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì điều cần thiết là giúp người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, thay đổi tập quán sản xuất.

Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), xã Buôn Choáh đã hỗ trợ nhiều hộ gia đình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

4-2-.jpg
Gia đình chị Lưu Thị Hiện (ngồi giữa) được hỗ trợ kinh phí để xây dựng ngôi nhà kiên cố

Nhờ có hỗ trợ từ Chương trình 1719, cùng với số 40 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình chị Lưu Thị Hiện, xã Buôn Choáh đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố thay cho căn nhà ván gỗ, ọp ẹp trước kia.

Chị Lưu Thị Hiện phấn khởi chia sẻ: “Được nhà nước hỗ trợ, gia đình tôi cố gắng đối ứng một khoản tiền để căn nhà thêm rộng rãi, đàng hoàng hơn. Có nhà mới, vợ chồng tôi thấy cuộc sống ấm áp hơn, từ đó cố gắng, nỗ lực làm ăn để vươn lên thoát nghèo”.

Sau khi lập gia đình, do hoàn cảnh khó khăn, quỹ đất hạn hẹp, vợ chồng chị H’Vân, buôn Yốk Ju, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô phải sống chung với bố mẹ. Thấu hiểu được nỗi vất vả của vợ chồng chị H’Vân và qua rà soát, bình xét dân chủ, công khai, xã Nâm Nung đã quyết định hỗ trợ kinh phí để vợ chồng chị H’Vân làm nhà ở kiên cố.

Căn nhà cấp 4 có diện tích 60m2 gồm 1 gian bếp, 2 phòng ngủ và phòng khách rộng rãi. Mái ấm này là điểm tựa vững chắc giúp gia đình chị sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

7(1).jpg
Xã Nâm Nung đã hỗ trợ kinh phí để vợ chồng chị H’Vân (ngồi giữ) làm nhà ở kiên cố, vươn lên thoát nghèo

Chị H’Vân cho hay: “Trước đây ở nhà gỗ, mùa mưa dột khắp nhà. Nay được chuyển về sống trong nhà mới, vợ chồng, con cái rất phấn khởi. Giờ chúng tôi chỉ lo tập trung lao động, phát triển kinh tế”.

Thực hiện Dự án 1 của Chương trình 1719, giai đoạn 2021 -2025, xã Nâm Nung đã triển khai rà soát, có kế hoạch cấp đất ở cho 25 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay đã có gần 20 hộ được cấp đất, trong đó có 15 hộ xây dựng nhà dần ổn định cuộc sống.

Bà H’ Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS không chỉ giúp bà con ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với người dân. Chương trình đã góp phần củng cố niềm tin của bà con vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

img_9950.jpg
Nhiều hộ dân huyện Krông Nô được hưởng lợi từ các chương trình mục tiêu quốc gia

Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết thêm, trong thời gian tới, xã Nâm Nung tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Chương trình 1719. Xã thường xuyên rà soát nhu cầu thực tế các đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ để bổ sung, thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở một cách kịp thời, nhằm bảo đảm các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đạt hiệu quả, mang đến quyền, lợi ích trực tiếp cho đồng bào DTTS và miền núi.

Nhiều chính sách an sinh phù hợp

Thực hiện triển khai thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 của Chương trình 1719, thời gian qua huyện Krông Nô đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông. Các lớp dạy nghề đã từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm hộ nghèo.

Chị Nguyễn Thị Lực là một trong số các học viên của xã Nam Xuân, huyện Krông Nô được đào tạo nghề miễn phí. Kết thúc khóa học, không chỉ nắm vững kiến thức về trồng trọt, chị Lực còn được hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn vay để có thể tự tin đầu tư, sản xuất.

"Kiến thức mang lại từ lớp học nghề trồng trọt giúp tôi và 27 học viên khác sản xuất nông nghiệp khoa học, hiệu quả hơn. Từ kết quả đạt được trong thực tế, nhiều học viên đồng bào Thái, Dao, Tày, Nùng đăng ký tham gia học nghề với mong muốn phát triển kinh tế gia đình", chị Lực cho hay.

img_5976.jpg
Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, huyện Krông Nô chú trọng tạo sinh kế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Xã Nam Xuân có trên 1.800 hộ, với khoảng 85% là đồng bào DTTS. Trong 5 năm qua, xã đã phối hợp với các cơ quan của huyện và tỉnh tổ chức gần 20 lớp dạy nghề, với gần 500 lượt người tham gia. Các lớp nghề chủ yếu về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; trồng và chăm sóc cây sầu riêng, tiêu, quýt, cà phê.

Ông Vi Quốc Nhất, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân đánh giá, qua khảo sát chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được nâng cao. Người học nghề đã tiếp cận, áp dụng những kiến thức được học về khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sản xuất.

3-1-.jpg
Công trình nước sạch tập trung trị giá khoảng 5 tỷ đồng tại xã Buôn Choáh

Bên cạnh các chính sách góp phần xóa đói, giảm nghèo, huyện Krông Nô còn triển khai nhiều dự án nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, huyện Krông Nô triển khai xây dựng, sửa chữa nhiều công trình nước sạch, phục vụ nhu cầu của người dân.

Năm 2023, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Buôn Choáh, xã Buôn Choáh được khởi công xây dựng. Công trình được đầu tư khoảng 5 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình 1719. Sau khi hoàn thành và đi vào sử dụng, công trình cung cấp nước, phục vụ cho gần 100 hộ dân trên địa bàn.

Được hưởng niềm vui khi sử dụng nước sạch, bà Hoàng Thị Yêu, xã Buôn Choáh rất phấn khởi vì giờ đây, gia đình có nước sạch sử dụng rất tiện lợi và an tâm cho sức khỏe.

Theo bà Yêu, trước kia khi chưa có công trình cấp nước sạch, gia đình bà và bà con trong thôn dùng nước giếng đào hoặc giếng khoan, không bảo đảm vệ sinh. Nhất là thời điểm mùa khô, nguồn nước giếng khan hiếm, bà Yêu cùng một số hộ dân trong vùng phải đi lấy nước ở các nơi trong xã về dùng.

“Nay nước sạch về tận nhà, nên bà con có điều kiện dùng nước sạch, rất an tâm.Mùa khô hạn chúng tôi không thiếu nước sạch sinh hoạt như mọi năm”, bà Yêu nói.

2-3-.jpg
Người dân phấn khởi vì được sử dụng nước sạch từ công trình nước sạch tập trung

Niềm vui của bà Yêu cũng là niềm phấn khởi của nhiều người dân ở thôn Buôn Choáh khi nước sạch đã về đến tận nhà. Để phát huy hiệu quả, Ban Tự quản thôn tích cực tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ công trình, nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Danh Krong No

Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô đánh giá, nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp cho hộ nghèo, cận nghèo hoặc hộ thuộc diện không thể thoát nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.Đến cuối năm 2024, các xã như Buôn Choáh, Quảng Phú, Đức Xuyên sẽ cán đích nông thôn mới.

"Thành quả này một phần là nhờ việc gắn công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân song hành cùng công tác xây dựng nông thôn mới ở cơ sở" - ông Danh nhấn mạnh.

Thanh Hằng