Đắk Nông - “Điểm sáng” giảm nghèo của khu vực Tây Nguyên
Giai đoạn 2021-2024, công tác giảm nghèo của tỉnh Đắk Nông đạt được kết quả khả quan. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2024 giảm xuống 3,15%, giúp Đắk Nông dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về công tác giảm nghèo.
Huyện biên giới nỗ lực thoát nghèo
Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (chương trình giảm nghèo bền vững), huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) đã có những đổi thay cơ bản, tạo động lực để sớm ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.
Giai đoạn năm 2022 - 2024 huyện Tuy Đức được giao tổng nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững hơn 254 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư hơn 173,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 81,4 tỷ đồng.
Để thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo hiệu quả, thời gian qua, UBND huyện Tuy Đức đã chỉ đạo 6/6 xã kiện toàn ban quản lý chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã và ban giám sát cộng đồng; 73/73 thôn, bon, bản thành lập ban phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, huyện Tuy Đức tập trung xây dựng, phát triển nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hiệu quả; hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Với sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, tính đến tháng 12/2024 địa phương đã triển khai thực hiện giải ngân hơn 176 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch đề ra, cao nhất trong 2 huyện nghèo của tỉnh. Một số dự án có tiến độ giải ngân cao, đạt gần 90% như Dự án 1 hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo.
Từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Tuy Đức đã ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại các xã vùng đặc biệt khó khăn. Điển hình như Trường mầm non Hoa Ngọc Lan, xã Quảng Trực; Trường mẫu giáo Hoa Hồng, xã Đắk Búk So; Trường TH – THCS Nguyễn Du, xã Quảng Tâm…
Ông Phạm Quốc Trọng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức khái quát: ‘Từ nguồn vốn giảm nghèo, nhiều trường học đã được nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu dạy và học và chương trình giáo dục phổ thông mới. Đến nay, quy mô trường lớp học trên địa bàn huyện đã cơ bản được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng biên”.
Bên cạnh việc đầu tư cho các cơ sở giáo dục, huyện Tuy Đức ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân. Đến nay, huyện biên giới Tuy Đức đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 21 tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã từ nguồn vốn giảm nghèo.
Hạ tầng giao thông được cải thiện góp phần trực tiếp giúp huyện Tuy Đức đạt được nhiều tiêu chí quan trọng về giao thông, điển hình như tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt trên 95%; tỷ lệ thôn, bon, bản có 2-3km đường được cứng hóa gần 88%.
Ông Đinh Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức đánh giá, để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, bài học kinh nghiệm được huyện Tuy Đức rút ra là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo; phân công và gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị. Huyện Tuy Đức đã triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững phù hợp với thực tiễn; thực hiện lồng ghép tốt các chương trình, dự án, nguồn vốn trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bằng một cơ chế chỉ đạo tập trung thống nhất từ huyện đến cơ sở.
Giảm nghèo ấn tượng
Với phương châm “cho cần câu, không cho con cá”, bằng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững, các địa phương đã tập trung đầu tư thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.
Nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất như nuôi dê tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong; cây mắc ca xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, trồng cà phê xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong; nuôi bò ở xã Long Sơn, huyện Đắk Mil… đã tăng thêm cơ hội cải thiện sản xuất, giúp các hộ dân thoát nghèo bền vững.
Ngoài hỗ trợ sinh kế, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ xây nhà ở. Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, hộ gia đình tự làm”, nhiều căn nhà được xây dựng có trị giá trên 100 triệu đồng. Có nhà ở ổn định tạo động lực, niềm tin để các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Hoàng Đức Tám, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Som, huyện Đắk Glong cho biết, năm 2024, xã Đắk Som được giao chỉ tiêu giảm 8% tỷ lệ hộ nghèo. Để bảo đảm kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, địa phương đã tập trung rà soát, hỗ trợ xây nhà cho các hộ nghèo đủ điều kiện về đất đai.
“Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương gặp nhiều khó khăn như vẫn còn tình trạng một số hộ đủ điều kiện thoát nghèo không muốn ra khỏi danh sách nghèo để được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; một số trường hợp vẫn còn trông chờ, ỷ lại hoặc không tập trung làm ăn… Từ thực tế này, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức để khơi gợi ý thức của người dân, nhất là xóa bỏ tư tưởng ỷ lại của người dân”, ông Hoàng Đức Tám cho hay.
Theo lãnh đạo Sở LĐTB-XH, để bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XII, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện đồng bộ công tác giảm nghèo ở các địa phương, nhất là tại các xã, thôn, bon khó khăn. Với nhiều chính sách, chương trình đã và đang triển khai, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh Đắk Nông giảm hơn 2%.
Báo cáo trước HĐND tỉnh Đắk Nông tại Kỳ họp thứ 9 (diễn ra ngày 9 - 11/12/2024), ông Châu Ngọc Lương, Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết: “Tỉnh Đắk Nông chỉ còn hơn 5.000 hộ nghèo, bằng ¼ so với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Kết quả này có được là nhờ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương”.
Kết quả giảm nghèo là điểm sáng trong năm 2024 và toàn bộ nhiệm kỳ. Đánh giá về kết quả này, ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng: “So với cả nước và so với khu vực, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh Đắk Nông là ấn tượng. Chúng ta có quyền tự hào khi đạt được kết quả này. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của người dân và thu nhập bình quân đầu người được nâng lên, đã tác động mạnh mẽ đến chỉ số hạnh phúc của tỉnh”.