Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Chính sách - Ngày đăng : 17:54, 17/12/2024

Vợ của ông Xuân Hinh (Thái Bình) là công chức, có thai được 3 tháng nhưng bị lưu thai phải nằm viện 7 ngày. Sau khi ra viện, vợ ông đi làm nhưng sức khỏe vẫn chưa hồi phục. Ông Hinh hỏi, vợ ông có được nghỉ thêm để có thời gian hồi phục sức khỏe không?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình trả lời như sau:

Theo Khoản 1 Điều 33 Luật BHXH số 58/2014/QH13: Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

- 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi;

- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Điều 41 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định: Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, Khoản 1 hoặc Khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5 ngày đến 10 ngày.

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định.

Theo quy định tại Thông tư số 18/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế hướng dẫn ghi giấy ra viện (Phụ lục 3) phần ghi chú ghi lời dặn của thầy thuốc: 

Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị bệnh hoặc để ổn định sức khỏe sau khi điều trị nội trú thì ghi rõ số ngày mà người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện (từ ngày, đến ngày). Việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày, trường hợp đình chỉ thai nghén từ 13 tuần tuổi trở lên thì không quá 50 ngày.

Đối chiếu với các quy định nêu trên và căn cứ nội dung ông hỏi, nếu tại phần ghi chú trong giấy ra viện của vợ ông có ghi số ngày người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện thì sau khi nghỉ hết thời gian ghi trên giấy ra viện, nếu sức khỏe chưa phục hồi thì vợ ông liên hệ đề nghị với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc người sử dụng lao động xem xét quyết định cho nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản.

Chinhphu.vn