AI và báo chí hiện đại
Báo chí đang trải qua những thay đổi lớn, hình thành các xu hướng mới về sản xuất, cách thức quản lý, quy trình hoạt động.
Báo chí đang trải qua những thay đổi lớn, hình thành các xu hướng mới về sản xuất, cách thức quản lý, quy trình hoạt động.
Mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện đang trở thành xu hướng tất yếu, giúp các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả sản xuất, phân phối thông tin.
Trong mô hình này, các loại hình truyền thông như báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh và mạng xã hội được tích hợp trong một không gian làm việc chung, tạo điều kiện cho phóng viên và biên tập viên phối hợp hiệu quả.
Các sản phẩm báo chí đa phương tiện kết hợp văn bản, âm thanh, hình ảnh, video và các yếu tố tương tác, cung cấp thông tin toàn diện, sinh động.
Việc áp dụng mô hình này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, tăng tính linh hoạt mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều cơ quan báo chí trong nước đã sớm áp dụng mô hình này, điển hình là Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ và Vietnamnet.
Các đơn vị này không chỉ duy trì các kênh truyền thống mà còn mở rộng sang nền tảng trực tuyến, mạng xã hội và ứng dụng di động để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả.
Đặc biệt, Báo Đắk Nông là cơ quan báo chí đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên triển khai mô hình tòa soạn hội tụ. Hàng ngày, các sản phẩm báo chí từ báo in, báo ảnh đến điện tử và mạng xã hội đều được thực hiện tập trung và chuyên nghiệp.
Các quy trình từ định hướng nội dung, sản xuất, biên tập đến kiểm duyệt đều được điều hành chặt chẽ bởi ban biên tập hội tụ, giúp nâng cao chất lượng và giảm thiểu sai sót.
Trong quá trình chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành công cụ thiết yếu trong hoạt động báo chí. AI có khả năng tự động hóa nhiều quy trình như thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, sản xuất đồ họa, viết tin bài, giúp nhà báo tập trung vào các nhiệm vụ sáng tạo quan trọng hơn.
Tại Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí đã tiên phong ứng dụng AI. Báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam đã sử dụng công cụ Wochit để sản xuất video ngắn từ năm 2016.
Đến 2021, VietnamPlus tiếp tục hợp tác với Công ty Giải pháp công nghệ Insider nhằm cá nhân hóa nội dung và tăng lưu lượng truy cập.
Báo Đắk Nông đã ứng dụng AI từ năm 2021, khởi đầu bằng việc sử dụng MC ảo thay thế người dẫn chương trình truyền hình trên nền tảng internet.
Báo Đắk Nông cũng tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ AI cho nhân sự, từ đó nâng cao hiệu quả công việc.
Tuy nhiên, như ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam, nhấn mạnh: “AI không thể thay thế hoàn toàn con người trong sáng tạo tác phẩm báo chí. Đây là công cụ hỗ trợ, giúp nhà báo tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm thời gian để tập trung vào các nhiệm vụ sáng tạo quan trọng.”
Người làm báo cần hiểu rõ cả lợi ích lẫn hạn chế của AI, không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng để thích ứng trong thời đại mới.
Một xu hướng nổi bật khác là sự tham gia ngày càng lớn của độc giả vào quá trình tạo lập và truyền tải thông tin. Với sự phát triển của mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và Zalo, cộng đồng có thể chia sẻ thông tin, quan điểm và tham gia đưa tin trực tiếp. Báo chí công dân phát triển mạnh, đặc biệt ở những khu vực mà báo chí chính thống khó tiếp cận.
Nhờ thiết bị di động có camera và kết nối internet, người dân có thể ghi lại và chia sẻ các sự kiện quan trọng như tai nạn, thiên tai.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của báo chí công dân cũng đặt ra thách thức lớn về kiểm chứng thông tin, dễ dẫn đến tình trạng lan truyền tin giả. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần sử dụng các công cụ kiểm tra dữ liệu, đảm bảo tính chính xác trước khi đăng tải.
Sự tham gia của độc giả cũng mở ra cơ hội mới cho báo chí trong việc phát triển nội dung và tiếp cận đối tượng mục tiêu. Ý kiến phản hồi từ độc giả giúp báo chí hiểu rõ hơn mối quan tâm của công chúng, từ đó tạo ra các bài viết sâu sắc hơn về các vấn đề xã hội.
Ngoài những xu hướng trên, báo chí còn đang khai thác mạnh các mảng như báo chí di động, báo chí dữ liệu và báo chí đồ họa. Những xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp vào sự đổi mới và nâng cao vị thế của ngành báo chí.
Nội dung: Phi Long
Trình bày: Nguyễn Hiền - Thế Huy
(Bài viết sử dụng một số hình ảnh do AI tạo)