Trên 73.000 hộ dân Đắk Nông được vay vốn chính sách
Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Đắk Nông triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm mang nguồn vốn ưu đãi kịp thời đến người dân.
Nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn
Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk R’lấp hiện có 240 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại cơ sở. Trong số này, phần lớn các tổ đều hoạt động tốt. Theo ông Mai Văn Nam, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk R’lấp, việc kiện toàn hoạt động các tổ TK&VV luôn được đơn vị thực hiện hàng năm. Thông qua công tác này, những tổ yếu kém, đơn vị phân tích nguyên nhân còn tồn tại.
Dựa trên phân tích, Phòng Giao dịch có phương án xử lý cụ thể. Đối với những tổ hoạt động khá, tốt, Phòng Giao dịch khen thưởng kịp thời, nhân rộng mô hình cho các tổ khác làm theo.
Cùng với kiện toàn hoạt động, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện còn trang bị kiến thức cho ban quản lý tổ TK&VV. Thông qua tập huấn chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ quản lý vốn, các tổ ngày càng hoạt động hiệu quả.
“Đây là hệ thống quan trọng làm “cầu nối” mang nguồn vốn của Nhà nước đến với người dân. Tổ TK&VV còn giúp chúng tôi sâu sát cơ sở để kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của bà con”, ông Nam cho biết.
Đến hết tháng 11/2024, toàn huyện Đắk R’lấp có hơn 10.000 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi, với dư nợ trên 550 tỷ đồng. Các hộ gia đình đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Tại huyện Đắk Glong, cùng với kiện toàn các tổ TK&VV, quy trình vay vốn luôn được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện xây dựng theo hướng thuận lợi cho người dân.
Mỗi khách hàng vay vốn, NHCSXH sẽ cấp một sổ vay vốn, với mã số khách hàng sử dụng trong suốt quá trình vay. Cuốn sổ này có đầy đủ các thông tin khách hàng nên sẽ thay thế tất cả các loại giấy tờ, biểu mẫu phải kê khai để vay vốn như trước đây.
Ông K’Ngai, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk Glong cho biết: “Với việc cắt giảm này, những thủ tục không cần thiết sẽ được ngân hàng chúng tôi tối giản. Từ đây, người dân sẽ được tiếp cận vốn một cách nhanh nhất và hiệu quả”.
Bà Nguyễn Thị Quy, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong vừa được NHCSXH huyện giải ngân 70 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Theo bà Quy, toàn bộ thủ tục, hồ sơ đều được tổ TK&VV hướng dẫn. Gia đình không phải thế chấp tài sản bảo đảm cho ngân hàng.
“Gia đình nhận được vốn vay nhanh lắm. Từ lúc được xem xét, làm hồ sơ đến khi ngân hàng giải ngân chỉ chưa đầy 1 tuần. Thời điểm dịch bệnh khó khăn, nguồn vốn vay kịp thời, giúp chúng tôi đầu tư kịp vụ mùa”, bà Quy chia sẻ.
Cơ chế phối hợp chặt chẽ
Vai trò của chính quyền địa phương, tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong quá trình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách rất quan trọng. Do vậy, thời gian qua, việc phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể được NHCSXH Đắk Nông chú trọng.
Hiện nay, nguồn vốn NHCSXH ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị xã hội là hơn 4.600 tỷ đồng. Theo Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông Vũ Anh Đức, đối với các đơn vị nhận ủy thác, NHCSXH phối hợp mở các lớp tập huấn nghiệp vụ.
Nhiều chuyên đề về chất lượng tín dụng, giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng… được chi nhánh triển khai thường xuyên đến các cấp hội. Các đơn vị nhận ủy thác đã chủ động kế hoạch kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng tín dụng nhận ủy thác trên địa bàn.
NHCSXH Đắk Nông phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương sở tại tổ chức giao dịch tại các điểm giao dịch xã vào ngày cố định. Tất cả các hoạt động cho vay, thu lãi, nợ gốc, gửi tiết kiệm đều được thực hiện tại điểm giao dịch xã.
Thông qua hoạt động giao dịch, NHCSXH còn tổ chức họp giao ban với địa phương để đánh giá hoạt động cho vay trong tháng. Nhiều khó khăn, vướng mắc sẽ được các bên tham gia tháo gỡ ngay tại đây. Đến nay, 71/71 xã, phường đều có điểm giao dịch hoạt động hiệu quả.
Tính đến hết tháng 11/2024, Đắk Nông có trên 73.000 hộ dân được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh, với tổng dư nợ trên 4.600 tỷ đồng.