Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV đồng hành cùng địa phương trong việc tái định cư cho người dân vùng dự án

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 18:26, 14/12/2024

Để sớm ổn định cuộc sống cho người dân phải di dời, nhường đất cho các khai trường bô-xít của Nhà máy Alumin Nhân Cơ, thời gian qua Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã đồng hành cùng với các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân di dời, tạm ứng vốn để địa phương thực hiện các khu tái định cư bố trí đất ở cho người dân vùng dự án. Đến nay, nhiều diện tích đất đã được nhân dân tự nguyện bàn giao mặt bằng, khai trường bô xít cũng được mở rộng.
Khai trường bô xít đã được khai thông nhờ sự đồng thuận của người dân trong các phương án hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư.Khai trường bô xít đã được khai thông nhờ sự đồng thuận của người dân trong các phương án hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV Nguyễn Bá Phong cho biết, đến nay đơn vị đã tạm ứng vốn cho huyện Đắk R’Lấp khoảng 5 tỷ đồng để thực hiện các dự án tái định cư cho người dân, đồng thời trong quá trình thực hiện đơn vị sẽ tiếp tục tạm ứng vốn theo tiến độ dự án nhằm bảo đảm kinh phí để sớm hoàn thiện bố trí chỗ ở, ổn định cuộc sống cho người dân. Cùng với đó, đơn vị đã tổ chức các lực lượng hỗ trợ, đồng hành với địa phương trong các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng dự án thực hiện đúng quy định pháp luật trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhằm bảo đảm diện khai thác, ổn định nguyên liệu cho hoạt động sản xuất.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk R’Lấp Trần Công Dũng cho biết, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nên đa số người dân đã đồng tình ủng hộ, đã có một số gia đình thống nhất bàn giao mặt bằng và chỉ xin giãn thời gian để khai thác một số cây trồng ngắn ngày. Nhiều hộ dân mặc dù chưa phê duyệt phương án nhưng đã chủ động bàn giao mặt bằng, trong đó có những hộ hiện đã bàn giao mặt bằng lên tới 2ha.

Riêng trong tháng 11, địa phương đã bàn giao cho đơn vị 6,6ha phục vụ khai thác nguyên liệu. Tuy nhiên, số này chỉ bảo đảm đủ diện khai thác cho Công ty Nhôm Đắk Nông trong thời gian ngắn. Hiện huyện đã có thêm 4 phương án bồi thường, hỗ trợ tiếp theo và hiện đã dự thảo xong lần thứ 4, đang tiếp tục góp ý để hoàn thiện. Trong 4 phương án, người dân cơ bản đồng thuận. Công ty Nhôm cũng đã cho tạm ứng một khoản tiền và các hộ dân đồng ý sẽ bàn giao trong thời gian tới. Huyện cũng đã có dự kiến dữ liệu về số liệu bảo đảm diện khai thác. Với sự quyết tâm cao nhất, địa phương cam kết, trong tháng 12, công ty sẽ đủ diện khai thác, bảo đảm có dự trữ diện tích cả cho những ngày đầu tháng 1/2025.

Đến nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các khai trường, khu tái định cư đang được Đắk Nông khẩn trương thực hiện. Tại khai trường năm 7-8 hiện đã phê duyệt được 13 phương án bồi thường, hỗ trợ cho 132 hộ dân trên diện tích 112,9ha và 47 lô tái định cư. Lũy kế thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ được cho 115 hộ dân, với 93,7ha. Trong đó, diện tích đã bàn giao cho Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV là 82,7ha.

Đối với khai trường năm 9-10 hiện đã hoàn thành gửi thông báo thu hồi đất cho 194/212 hộ dân và đang triển khai đầu tư xây dựng Hồ chứa bùn sau tuyển số 2. Về khu tái định cư thôn 11, xã Nhân Cơ hiện đã hoàn thiện hồ sơ kiểm đếm cho 31 hộ/41 hộ dân, với khoảng 5,55ha/9,5ha. Đơn vị tư vấn đang thực hiện khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công. Đồng thời, đang triển khai các thủ tục để bàn giao 130ha đất đã hoàn thổ về địa phương quản lý.

Riêng các khu tái định cư mới tại khu vực đã khai thác, hoàn thổ có diện tích khoảng 70ha cũng đã được Hội đồng nhân dân huyện Đắk R’Lấp thông qua quy hoạch chi tiết 1/500 và đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng hiện nay, diện tích phục vụ khai thác quặng bô xít vẫn còn nhiều khó khăn. Tính đến cuối tháng 11, kho quặng nguyên khai của Công ty Nhôm chỉ còn khoảng hơn 25.000 tấn. Kho quặng tinh còn khoảng 17.000 tấn. Công ty Nhôm Đắk Nông đang thực hiện khai thác đối với diện tích 4,8ha mà người dân đã bàn giao thuộc khu vực xã Nghĩa Thắng. Số diện tích còn lại mặc dù đã được người dân bàn giao nhưng chưa thể khai thác do không có đường đi.

Đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông vẫn chưa có quy định cụ thể về phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Do vậy, trong công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, không có cơ sở để lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người bị thu hồi đất theo quy định. Mặt khác, Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND, ngày 14/10/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi trên địa bàn không quy định về mật độ cây trồng cũng như việc tính bồi thường, hỗ trợ đối với cây trồng xen. Do đó, nếu tính bồi thường về cây trồng, hoa màu cho các hộ dân thì tổng giá trị bồi thường của vườn cây khoảng 1,7 tỷ đồng/1ha. Trong khi đó, nếu áp dụng cách tính toán theo quy định tại Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND thì tổng giá trị bồi thường của vườn cây khoảng 670 triệu đồng/1ha.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết, Đắk Nông đang thực hiện với quyết tâm cao nhất không để Nhà máy Alumin Nhân Cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, phấn đấu đạt mục tiêu, kế hoạch năm 2024. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu tái định cư để bố trí cho các hộ dân trước đây cũng như bố trí tái định cư mới cho người dân khi thu hồi đất đối với phần diện tích 70ha đã khai thác và hoàn thổ.

Địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động, lập hồ sơ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với trường hợp không đủ điều kiện tái định cư, nhưng chưa nhận tiền để bàn giao mặt bằng cho Công ty Nhôm Đắk Nông thực hiện khai thác tại khu vực xã Nghĩa Thắng thuộc khai trường năm 7-8.

Các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm làm cơ sở lập hồ sơ thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong đó, ưu tiên thực hiện trước khoảng 30ha đối với số hộ dân có đất tiếp giáp với các khu vực đã khai thác thuộc khai trường năm 6-7 tại khu vực xã Đắk Wer. Phương án này nhằm bảo đảm cho việc khai thác được liền kề, ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất của Nhà máy Alumin.

Chấn Hưng - Bảo Anh