Kinh tế

Nông nghiệp Đắk Nông và khát vọng vươn mình

Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông 12/12/2024 15:04

Nông nghiệp Đắk Nông đang thay đổi tích cực. Nông dân, doanh nghiệp sản xuất theo hướng bền vững, tận dụng lợi thế, nâng cao giá trị sản phẩm.

Tư duy kinh tế nông nghiệp

4 năm nay, kể từ khi đảm nhận vai trò là Giám đốc Sở NN-PTNT, điều tôi rất vui mừng là gần đây, tư duy, hành động của các chủ thể nông nghiệp tỉnh ta đã có sự thay đổi lớn.

tuan-anh.jpg
Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông tham gia buổi ra quân sản xuất nông nghiệp đầu năm 2024 tại huyện Krông Nô

Trước đây, chúng ta hay dùng cụm từ, sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện nay cụm từ này gần đây dùng ít hơn. Người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà lãnh đạo đã dùng phổ biến hơn cụm từ kinh tế nông nghiệp. Điều này không phải là ngẫu nhiên mà bà con mình nói mà nó gắn với thực tiễn.

THUYETCNC (1)

Đó là việc nhà nông của tỉnh đã bỏ dần kiểu tư duy, hành động “trồng- chặt”. Không còn hay gần như rất ít việc sản xuất chạy theo thị trường.

Nhờ đó, những năm gần đây, dù có nhiều thời điểm giá hồ tiêu, cà phê, cao su xuống rất thấp nhưng diện tích các loại cây trồng chủ lực này của tỉnh vẫn giữ ổn định.

Cũng chính nhờ điều này mà trong bối cảnh nhiều năm liền bà con phải đối mặt với việc vật tư đầu vào tăng cao nhưng giá bán sản phẩm không cao, thậm chí xuống thấp thì liên tiếp 2 năm năm 2023, 2024 bà con đã thắng lợi về giá đối với cà phê, hồ tiêu, sầu riêng...

Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, một năm bội thu, trúng giá thì chưa thể bù đắp lại những sự đầu tư, vất vả một nắng hai sương của bà con nông dân trong nhiều năm.

Nhưng đó cũng cho thấy rằng, tư duy, hành động và sự chung thủy trong phát triển kinh tế của nông dân Đắk Nông ngày càng bền vững hơn.

Ví dụ như đối với hồ tiêu, Đắk Nông chúng ta đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng. Theo thống kê của ngành chức năng, những năm gần đây diện tích hồ tiêu Đắk Nông phát triển ổn định ở mức 34.000 ha.

dsc_1645.jpg
Đắk Nông đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng hồ tiêu; với trên 3.100ha hồ tiêu đạt chuẩn chứng nhận

Diện tích này phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh theo Quy hoạch tổng thể tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Năng suất bình quân chung toàn tỉnh đạt khoảng 2,4 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 70.000 tấn. Tỉnh đã có trên 3.100ha hồ tiêu đạt các chứng nhận hữu cơ, VietGAP.

Hay cà phê, Đắk Nông đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên về diện tích với 141.000ha, sản lượng ước đạt gần 400.000 tấn/năm. Cà phê Đắk Nông ngày càng được canh tác theo các quy trình về nông nghiệp tốt được quốc tế công nhận, nhiều vùng có giống, điều kiện đất đai, khí hậu lợi thế để phát triển các sản phẩm có giá trị cao, đặc sản.

cf(2).jpg
Năm 2024, cà phê Đắk Nông trúng giá với mức trên 100 triệu đồng/tấn nhân

Đây là cơ sở để nông dân Đắk Nông làm chủ thị trường, chỉ cần chúng ta đồng lòng, cùng thực hiện từ những hành động nhỏ, đơn giản thì qua nhiều năm, cộng hưởng nhiều người chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, kết quả lớn cho toàn ngành.

Nông nghiệp xứng đáng trụ cột

Năm 2024, tổng giá trị khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đóng góp vào GRDP toàn tỉnh theo giá so sánh 2010 đạt hơn 9.700 tỷ đồng, tương ứng 44,68% trong cơ cấu nền kinh tế toàn tỉnh.

z4928710736427_874590f3826c68caacfbabe9cf1163ab(1).jpg
Nông nghiệp là 1 trong 3 trụ cột kinh tế chính của Đắk Nông

Giá trị sản xuất trên ha đất sản xuất nông nghiệp tăng mạnh từ 72,63 triệu đồng/ha năm 2020 và tiếp tục tăng mạnh năm 2023 đạt 103 triệu đồng, dự kiến năm 2024, con số này tiếp tục tăng lên khi giá nhiều loại nông sản chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng của tỉnh đều tăng cao. Điều này minh chứng cho khẳng định ngành NN-PTNT là một trong những trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế tỉnh.

Những năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Đắk Nông luôn ở mức khá. Trong đó, năm 2023 tăng trưởng 6,76% và dự kiến năm 2024 đạt 4,85%.

Sở NN - PTNT Đắk Nông

Vai trò quan trọng của hợp tác xã và OCOP

Năm 2024 cũng là năm ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng các sản phẩm OCOP Đắk Nông, tăng 31 sản phẩm so với cuối năm 2023.

Đắk Nông hiện có 124 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao của 97 chủ thể; trong đó, 17 sản phẩm OCOP 4 sao và 107 sản phẩm OCOP 3 sao. Trong đó, phần lớn chủ thể của OCOP là các hợp tác xã.

dsc_0020.jpg
Ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực đồng hành với các chủ thể OCOP Đắk Nông

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 304 hợp tác xã( HTX), tăng 26 HTX so với cùng kỳ năm 2023. Tổng vốn điều lệ của các HTX là hơn 338 tỷ đồng và hơn 19 nghìn thành viên.

Có thể khẳng định, những năm gần đây, nhiều HTX của tỉnh đã có sự lớn mạnh từ việc nâng tầm quy mô, giá trị. Trong đó, việc HTX đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm OCOP đã giúp nâng cao giá trị nông sản địa phương, thúc đẩy liên kết chuỗi và hướng đến nền kinh tế nông nghiệp bền vững.

Theo đó, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chương trình cũng đã nâng tầm giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, giúp chủ cơ sở tiếp cận với quy trình chế biến sâu, đầu tư nghiêm túc cho kinh tế nông nghiệp.

bechamp1.jpg
Hoạt động quảng bá, giới thiệu OCOP đặc trưng luôn được ngành Nông nghiệp Đắk Nông quan tâm

Cụ thể như sản phẩm cà phê đạt OCOP 3 sao của HTX Nông sản hữu cơ Bechamp tại huyện Đắk Song. Sản phẩm cà phê đã nhanh chóng khẳng định được giá trị trên thị trường.

Điều này có được là nhờ HTX đã chuẩn hoá quy trình canh tác hữu cơ từ trồng, thu hái, sơ chế, chế biến bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe người tiêu dùng.

Không những thế, cách làm nông nghiệp của HTX còn hướng đến những giá trị về lâu dài cho người lao động trực tiếp, môi trường. Sản phẩm cà phê đạt OCOP 3 sao của HTX nhanh chóng tiếp cận được các thị trường lớn, các tệp khách hàng “khó tính” đều đánh giá cao.

Đánh giá chung, các sản phẩm OCOP tỉnh ngày càng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, mang đặc trưng gắn với văn hóa và tri thức địa phương.

Các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đã và đang đầu tư công nghệ, tạo ra đa dạng sản phẩm, áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, hướng đến xuất khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa có sản phẩm đạt chuẩn OCOP quốc gia-5 sao, đây là điều mà tỉnh tiếp tục phấn đấu, nâng tầm cho OCOP.

dsc_0833.jpg
OCOP Đắk Nông ngày càng đa dạng về số lượng, chủng loại, mẫu mã, chất lượng tốt

Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm đặc sản, sản phẩm có lợi thế, nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nông thôn; gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng và bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Kỳ vọng nông nghiệp vươn mình

Năm 2025 và những năm tiếp theo, nông nghiệp tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen với những cơ hội lớn.

Cụ thể như các vấn đề về biến đổi khí hậu, sức ép về môi trường, những thách thức nội tại khác như quy mô sản xuất, khoa học công nghệ chưa đáp ứng phát triển, khả năng hợp tác liên kết chưa đủ mạnh.

Các thách thức về thị trường, lao động, vốn, công nghệ, khả năng đáp ứng các yêu cầu, hàng rào kỹ thuật phục vụ các thị trường khác nhau cần có những giải pháp đồng bộ.

dsc_1615.jpg
Biến đổi khí hậu là thách thức lớn cho nông nghiệp Đắk Nông trong tương lai

Ngành sẽ tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền nâng cao nhận thức, quy hoạch, chính sách, huy động nguồn lực…

Trong đó, ngành chú ý một số nội dung, nhiệm vụ về tái cơ cấu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới mô hình hợp tác xã, nâng tầm sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, ứng dụng công nghệ số, đầu tư vào chế biến sâu nông sản, phát triển du lịch nông nghiệp.

Những việc làm mà toàn ngành Nông nghiệp đang làm, nỗ lực phối hợp với các ngành, địa phương đang triển khai là nhằm đạt được những kết quả cao hơn trong những năm tiếp theo.

Trồng hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đắk Song g
Vườn hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đắk Song (Đắk Nông)

Đó là nâng cao thu nhập thực sự, nâng cao đời sống của người nông dân, góp phần xây dựng nền“ nông nghiệp trách nhiệm, xanh, bền vững”.

Nông nghiệp Đắk Nông đã có bước chạy đà rất tốt để bắt đầu bứt phá, vươn mình, dẫu còn nhiều khó khăn thách thức, song tôi kỳ vọng rằng với những gì đang có - nông dân trách nhiệm, nông dân số, liên kết, hợp tác, nền nông nghiệp Đắk Nông sẽ vươn mình trong tương lai không xa.

Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông