Đắk Nông tươi đẹp, ân tình

Nét đẹp Lễ cúng bến nước dân tộc M'nông ở Đắk Nông

Y Krak 12/12/2024 09:48

Lễ cúng bến nước là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong đời sống tâm linh của người M'nông ở Đắk Nông.

Mới đây, tại bon Ja Ráh, xã Nâm Nung, UBND huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã tổ chức Lễ cúng bến nước dân tộc M'nông năm 2024.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ thực hiện Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719).

z6119315838066_4342ff509b9e4f552603eef8965dbaf4(1).jpg
Lễ cúng bến nước dân tộc M'nông xã Nâm Nung, huyện Krông Nô được thực hiện tại hồ nước của bon Ja Ráh

Theo quan niệm của người M'nông, xã Nâm Nung (M'nông Preh), nguồn nước được xem là báu vật của cộng đồng; mang lại nguồn sống cho cả con người, cây trồng và vật nuôi.

Lễ cúng bến nước thường được tổ chức sau khi thu hoạch mùa vụ, khi thóc đã đầy bồ, ngô đầy gùi, cà phê đầy kho với mục đích cảm tạ “Thần nước” đã mang lại nhiều may mắn cho dân làng trong năm cũ sắp qua và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng khỏe mạnh, cuộc sống ấm no trong năm mới.

Để thực hiện lễ cúng, trước đó vài ngày, già làng chọn ngày lành để huy động mọi người dọn vệ sinh khắp bon làng và xung quanh khu vực bến nước làm lễ cúng.

Các nam thanh niên khỏe mạnh, tháo vát vào rừng chặt tre về cùng già làng, nghệ nhân dựng cây nêu. Vì mang sứ mệnh đặc biệt, nên cây nêu được trang trí công phu như một tác phẩm nghệ thuật để kết nối đất trời, thần linh với con người và vạn vật.

Lễ cúng bến nước của người M'nông xã Nâm Nung được thực hiện tại hồ nước của bon Ja Ráh. Ngay từ sáng sớm, các già làng, nghệ nhân và đông đảo người dân cùng đại diện chính quyền địa phương cũng đã về tham dự.

Thầy cúng thực hiện nghi thức cúng cảm tạ thần linh, trong đó có thần nước đã mang lại mùa màng tốt tươi, người dân gặp nhiều may mắn trong cuộc sống trong năm 2024
Thầy cúng thực hiện nghi thức cúng cảm tạ thần linh, trong đó có "Thần nước" đã mang lại mùa màng tốt tươi, người dân gặp nhiều may mắn trong cuộc sống

Ngay tại bến nước cắm một cột lễ và cây nêu, trên cây nêu trang trí mô phỏng sừng trâu, chim, bông lúa,… Lễ vật dâng cúng gồm: 1 con lợn, 1 con gà trống tơ, gạo, nến sáp ong và 1 ché rượu cần.

Lễ cúng bến nước gồm 2 phần. Tại phần lễ, sau khi cắt tiết con vật hiến tế, già làng sẽ lấy máu bôi lên cây nêu và các vật xung quanh. Sau đó, già làng khấn cảm tạ thần đất, thần nước, thần sông, thần suối, thần núi đã đem đến những may mắn trong năm cũ, cho nguồn nước sạch để mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no.

Thay mặt dân làng, già làng cầu mong các thần tiếp tục cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi trong năm mới, mọi người khỏe mạnh, không ốm đau...

Khi lễ cúng kết thúc, phần hội được tiếp tục trong tiếng chiêng trầm bổng, rộn rã tiếng cười cùng các lời ca, điệu múa truyền thống của những chàng trai, cô gái; lời hỏi thăm nhau của mọi người về dự lễ.

Từ người già đến trẻ em, nam nữ của trong các bon làng M'nông xã Nâm Nung cùng nhau quây quần ăn những miếng cơm lam thơm nức mùi cốm mới, thưởng thức thịt heo nướng khói và vít cần nhâm nhi men say rượu cần truyền thống.

Sau lễ cúng bến nước, dân làng trở lại sinh hoạt bình thường. Người dân có thể giặt giũ, lấy nước để dùng, tưới cây... tại bến nước.

z6119315840203_7bf935aa3bf6012038aa5163516bae56(1).jpg
Sau khi hoàn thành phần lễ, già làng trao vòng sức khỏe cho người dân tham dự lễ cúng

Lễ cúng bến nước là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong đời sống tâm linh của người M'nông.

Không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng, phong tục này còn giúp người dân nâng cao ý thức, tầm quan trọng của nguồn nước trong đời sống thường ngày để giữ gìn, bảo vệ.

Ông Y Xuyên, già làng, người có uy tín, nghệ nhân ưu tú ở bon Ja Ráh, xã Nâm Nung cho biết: "Ngày nay, tuy đã được giản lược và điều chỉnh một số khâu tổ chức để phù hợp với điều kiện của bon làng nhưng Lễ cúng bến nước của người M’nông Preh ở xã Nâm Nung vẫn giữ được những nét độc đáo. Ngoài cảm tạ thần linh, lễ cũng là dịp truyền đi thông điệp giáo dục mọi người có trách nhiệm bảo vệ môi trường, giữ rừng, đất đai, nguồn nước và coi nguồn nước là báu vật của cả cộng đồng".

z6119315840416_5f8b4758aaf002a41d92e94be78d23d2(1).jpg
Lễ cúng bến nước cũng là dịp để mọi người gặp gỡ hát ca, nhảy múa, trao đổi tâm tình, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng giữa bon làng M'nông ở vùng Căn cứ cách mạng Nâm Nung

Theo UBND huyện Krông Nô, việc tổ chức Lễ cúng bến nước là hoạt động văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu về nguyện vọng về tín ngưỡng, tâm linh của bà con dân tộc M'nông trên địa bàn huyện Krông Nô nói chung và xã Nâm Nung nói riêng. Đây cũng là dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt văn hóa cộng đồng sau một năm lao động vất vả.

Đồng bào dân tộc M
Đồng bào dân tộc M'nông chụp ảnh lưu niệm tại Lễ cúng bến nước

Thông qua lễ hội, nhằm gìn giữ, khai thác và phát huy hiệu quả di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong đời sống cộng đồng các dân tộc, đồng thời quảng bá các di sản văn hóa của địa phương đến với đông đảo người dân, du khách.

Do tập tục du canh, du cư nên người M’nông xưa kia thường xuyên phải tìm các miền đất mới để sinh sống. Một trong những yêu cầu tiên quyết để có thể định cư là miền đất mới phải có nguồn nước và khi tìm được nguồn nước trong lành, người M’nông sẽ lập bến nước và tổ chức cúng.

Thường thì hằng năm cứ sau vụ thu hoạch, già làng, chủ bến nước và dân làng mời thầy cúng đến cúng bến nước với mục đích tạ ơn thần linh (Yang) ban cho người dân có được nguồn nước sạch phục vụ đời sống, mang mưa thuận gió hòa, phù hộ cho các gia đình, cộng đồng buôn làng được khỏe mạnh.

Y Krak