Kinh tế

Nông nghiệp Đắk Nông với nhiều mục tiêu mới

Hưng Nguyên 12/12/2024 06:30

Đắk Nông đang triển khai tái cơ cấu nông nghiệp với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát triển bền vững .

Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến 2030, Đắk Nông định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh chú trọng khai thác tiềm năng của các cây trồng chủ lực ở các huyện như cà phê, hồ tiêu, cao su và điều ổn định khoảng 204.000ha vào năm 2030, sản lượng dự kiến đạt 456.000 tấn.

cf(1).jpg
Cây chủ lực được định hướng tái canh bằng những giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tỉnh khuyến khích thực hiện tái canh toàn bộ diện tích cà phê, điều, cao su già cỗi, năng suất thấp bằng các giống chất lượng cao.

Tỉnh cũng định hướng nông dân kết hợp với trồng xen cây ăn quả hoặc cây che bóng, tăng diện tích hồ tiêu trồng xen để giảm áp lực về sinh vật gây hại.

Đắk Nông tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nhất là tưới nước tiết kiệm và sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ. Sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến sau thu hoạch, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng.

dsc02753(1).jpg
Chăn nuôi Đắk Nông phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường

Đắk Nông mở rộng diện tích cây ăn quả và các cây trồng giá trị cao. Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu đạt 24.000ha cây ăn quả với sản lượng 130.000 tấn/năm. Các loại cây ăn quả chính gồm: sầu riêng, bơ, cây có múi, xoài và chanh dây.

Đối với cây mắc ca, đến năm 2030, tỉnh có trên 11.000ha, sản lượng 1.500 tấn, vùng chuyên canh tập trung tại huyện Tuy Đức, chiếm khoảng 70% diện tích mắc ca toàn tỉnh.

Cây dược liệu tỉnh phát triển khoảng 1.000ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn ưu tiên trồng các loại dược liệu có giá trị y học, hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Vùng sản xuất tập trung tại các huyện Cư Jút, Đắk Glong, Đắk R’lấp.

Đến năm 2030, Đắk Nông duy trì trên 78.000ha cây ngắn ngày với sản lượng khoảng 555.000 tấn, sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu thị trường. Khuyến khích người dân tham gia liên kết với các THT, HTX, doanh nghiệp, hình thành và phát triển chuỗi liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao được ưu tiên triển khai như: hệ thống tưới tiết kiệm, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và xây dựng mã số vùng trồng.

Các sản phẩm nông nghiệp sẽ được phát triển thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Chăn nuôi chuyển hướng sang quy mô trang trại, tập trung. Tỉnh ưu tiên phát triển đàn bò thịt đạt 40.000 con vào năm 2030, với các giống bò chất lượng cao và công nghệ chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Đàn heo cũng được định hướng phát triển theo mô hình trang trại công nghiệp với mục tiêu đạt 1 triệu con. Các mô hình chăn nuôi an toàn, sinh học sẽ được nhân rộng, kết hợp với hệ thống giết mổ hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đối với đàn gia cầm, tỉnh đặt mục tiêu đạt 5 triệu con, tập trung phát triển ở các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Krông Nô và Cư Jút. Các hình thức chăn nuôi sẽ được hiện đại hóa, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

Về thủy sản, tỉnh phát triển nuôi trồng bền vững trên 2.200 ha, sản lượng đạt 14.000 tấn vào năm 2030. Các mô hình nuôi lồng bè tại lòng hồ thủy lợi và thủy điện sẽ được triển khai, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm bảo vệ môi trường, nguồn nước.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Đắk Nông triển khai các giải pháp đồng bộ, trọng tâm là ứng dụng công nghệ số và công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và quản lý nông nghiệp. Phát triển kết cấu hạ tầng thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vùng sản xuất cây ngắn ngày, cây dài ngày đang được huyện Tuy Đức (Đắk Nông) định hình để phát triển
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Đắk Nông hướng tới khai thác tối đa lợi thế tự nhiên, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, tái cơ cấu ngành nông nghiệp để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và yêu cầu của thị trường. Đây là nhiệm vụ then chốt nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững.

Hưng Nguyên