Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Đại biểu HĐND tỉnh Đắk Nông chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của chính quyền

Nhóm PV 10/12/2024 14:13

Thảo luận tại hội trường các nội dung Kỳ họp thứ 9, đại biểu HĐND Đắk Nông chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, đề nghị chính quyền có giải pháp quyết liệt trong thực hiện.

Sáng 10/12, Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV, nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành thảo luận tại hội trường về các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông chủ trì, điều hành kỳ họp.

img_6205.jpg
Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông gợi ý một số nội dung thảo luận

Tại phiên thảo luận, đại biểu đã tập trung cho ý kiến, làm rõ một số vấn đề bất cập, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ tại Báo cáo triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tham dự phiên thảo luận tại hội trường
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tham dự phiên thảo luận tại hội trường

Đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Đắk R’lấp, nhận định rằng tiến độ giải ngân nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay còn thấp, chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, vốn đầu tư chỉ đạt 65%, trong khi vốn sự nghiệp đạt 31%.

Dù HĐND tỉnh đã thông qua nhiều nghị quyết và chủ trương nhằm tháo gỡ khó khăn, nhưng hiệu quả triển khai các chương trình vẫn còn hạn chế. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh phân tích rõ nguyên nhân, đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ HĐND huyện Đắk R'lấp đề nghị làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan trong việc để nhiều công trình nước sạch chưa phát huy hiệu quả
Đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ HĐND huyện Đắk R'lấp đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia chưa phát huy hiệu quả như mong muốn

Còn theo đại biểu Nguyễn Tuấn Phúc, Bí thư Huyện ủy Cư Jút, một số nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được chuyển sang năm 2025. Tuy nhiên, nếu thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, việc triển khai các nguồn vốn khó đạt được hiệu quả và tiến độ như mong muốn.

Đại biểu Phúc đề nghị tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm bảo đảm các chương trình được thực hiện đúng kế hoạch và phát huy tối đa hiệu quả.

img_6299-7f57cdce0cdad205f1ddcc2ca7bab7fe(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Tuấn Phúc, Bí thư Huyện ủy Cư Jút cho rằng, trong năm 2025, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch từ cấp tỉnh đến huyện, các ngành

Cũng theo đại biểu Phúc, trong nhiều năm qua, vấn đề quy hoạch đang ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, trong năm 2025, tỉnh cần triển khai đồng bộ để hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch từ cấp tỉnh đến huyện, các ngành đồng thời ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện nội dung này.

Về công tác quản lý tài sản công, đại biểu Lê Quốc Đông, Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh và đại biểu Nguyễn Tuấn Phúc đề nhận định vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục. Qua giám sát, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng do việc quản lý chưa hiệu quả.

Đại biểu Lê Quốc Đông, Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh cho rằng, “hệ số an toàn” trong độ ngũ cán bộ quá lớn. Đại biểu này cho biết, tại một số địa phương, nhiều cán bộ không có tính đột phá, ngại, sợ va chạm, sợ trách nhiệm, từ đó ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, thậm chí gây dư luận xấu trong Nhân dân. Đại biểu Đông kiến nghị cần có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề, tức giảm “hệ số an toàn” của cán bộ xuống
Đại biểu Lê Quốc Đông, Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh cho rằng cần xem lại công tác quản lý tài sản công hiện nay

Các đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan và đưa ra giải pháp khắc phục triệt để. Đặc biệt, đối với một số công trình hiện do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý ở các huyện, các đại biểu đề xuất nên giao về địa phương quản lý để tăng hiệu quả sử dụng và hạn chế tình trạng xuống cấp.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Quốc Đông cho rằng, “hệ số an toàn” trong đội ngũ cán bộ quá lớn. Tại một số địa phương, nhiều cán bộ không có tính đột phá, ngại, sợ va chạm, sợ trách nhiệm, từ đó ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân. Đại biểu Đông kiến nghị cần có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề, tức giảm “hệ số an toàn” của cán bộ xuống.

Đại biểu Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng cho rằng, hiện nay đã có quy định về phân cấp quản lý di sản gắn liền với đất. Vì vậy, UBND tỉnh cần phân loại rõ để thực hiện phân cấp phù hợp.

img_6333(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng Ban Văn Hóa- Xã hội HĐND đề nghị, các di tích đặc biệt nên giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý, còn các di tích khác có thể giao về địa phương để bảo đảm hiệu quả, hạn chế tình trạng xuống cấp

Đối với các công trình hiện do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý tại các huyện, đại biểu đề xuất cần xem xét lại việc phân cấp. Cụ thể, các di tích đặc biệt nên giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý, trong khi các di tích khác có thể giao về địa phương để bảo đảm hiệu quả, hạn chế tình trạng xuống cấp.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhận trách nhiệm trước HĐND tỉnh khi chưa hoàn thành một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Người đứng đầu UBND tỉnh mong muốn, các đại biểu chỉ rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương, đồng thời hiến kế để thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2025, trong đó có vấn đề thu hút đầu tư, thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười mong muốn các đại biểu thẳng thắn chỉ ra những bất cập hiện nay cũng như hiến kế để giúp UBND tỉnh tiếp tục khắc phục ở các lĩnh vực

Chia sẻ, trao đổi lại với các đại biểu trong quá trình thảo luận đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhận trách nhiệm trước HĐND tỉnh khi chưa hoàn thành một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, các đại biểu chỉ rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương, đồng thời hiến kế để thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2025, trong đó có vấn đề thu hút đầu tư, thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư…

Chiều nay 10/12, kỳ họp tiếp tục thực hiện phiên thảo luận và chất vấn theo chương trình đã đề ra.

Nhóm PV