Y tế - Sức khỏe

Làm gì để thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển dược liệu Đắk Nông?

Tuệ An 10/12/2024 06:59

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, phát triển dược liệu gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn vùng Tây Nguyên, vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Đắk Nông.

Xây dựng chính sách

Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ 3 định hướng phát triển ngành Dược liệu Việt Nam. Một là, phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương và từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành Y tế để chú trọng phát triển. Phát triển công nghiệp dược với nguyên liệu là dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành Y tế.

Hai là, phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển ngành Dược liệu không đồng nghĩa với bao cấp đối với việc nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu. Phải đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu, bảo đảm chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn để phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu.

Ba là, phải tổ chức lại ngành Dược liệu trong tất cả các khâu, trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng; tiếp tục khuyến khích khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

87.jpg

Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông cho biết, những năm qua, công tác phát triển dược liệu nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển dược liệu. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư nuôi trồng, chế biến, sản xuất, sử dụng nhằm phát huy lợi thế, thế mạnh, phát triển ngành Dược liệu như chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; chính sách tín dụng ưu đãi cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý…

Tuy nhiên, mặc dù được xác định là vùng đất có nhiều tiềm năng nhưng phát triển dược liệu ở tỉnh Đắk Nông vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Do cách làm manh mún, tự phát, thiếu liên kết vùng, chuỗi giá trị, thiếu thông tin thị trường nên việc trồng dược liệu phần nhiều còn mang tính tự cung, tự cấp tại địa phương.

Doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực dược liệu còn ít, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư nghiên cứu nhu cầu thị trường. Nguyên nhân trước hết là do tỉnh chỉ mới có chủ trương, định hướng chung, chưa có chính sách cần thiết dành riêng cho việc phát triển dược liệu một cách bài bản.

Dược liệu6
Dược liệu được tìm thấy, trồng và khai thác tại Đắk Nông đã sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường

Bám sát vào những chủ trương, chính sách lớn của Trung ương, Chính phủ, tỉnh Đắk Nông cần có thêm chính sách đặc thù để có thể huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu, sử dụng hiệu quả các loài dược liệu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân.

UBND tỉnh, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cần nghiên cứu, xây dựng đề án về phát triển dược liệu, trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua, tạo hành lang pháp lý và huy động các nguồn lực cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển dược liệu một cách bài bản.

Trước mắt, chính sách cần tập trung vào việc khuyến khích đầu tư và hỗ trợ phát triển một số loài dược liệu có giá trị cao trên cơ sở điều kiện gây trồng, nhu cầu thị trường và khả năng về nguồn lực ngân sách của tỉnh.

Theo TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh, thực tế đối với tỉnh Đắk Nông, việc sản xuất dược liệu còn nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch vùng trồng dược liệu nên việc quy hoạch còn mất rất nhiều thời gian.

Để hình thành được vùng dược liệu với diện tích ít nhất 210ha, trong đó có 50ha công nghệ cao đang là một thách thức lớn, vì thực tế chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế của cây dược liệu so với các cây trồng chủ lực của địa phương nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất khó khăn.

Định hướng đã rõ ràng, vấn đề còn lại là tỉnh cần phải xây dựng kế hoạch, có lộ trình hẳn hoi để triển khai các đề án, dự án trong quy hoạch phát triển dược liệu. Bên cạnh bố trí diện tích phù hợp để trồng dược liệu, nhất là những dược liệu có thế mạnh của địa phương, Đắk Nông cần tạo mọi điều kiện thuận lợi, trước mắt là về thủ tục hành chính và có chính sách hỗ trợ cần thiết đối với các dự án phát triển nuôi trồng dược liệu trên địa bàn.

Dược liệu47
Thành viên Hội Đông y tỉnh đi tìm cây dược liệu tại cánh rừng khu vực xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức

Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 20/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh, ngành Y tế và các địa phương đã xác định rõ vai trò của y học cổ truyền trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Đến nay, hệ thống đông y của tỉnh ngày càng được quan tâm phát triển mạnh mẽ. Hoạt động y học cổ truyền tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn và các cơ sở hành nghề đông y ngày càng tăng, thể hiện sự phát triển đúng hướng.

Ông Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho rằng: "Cơ sở thực tế, chủ trương, hướng đi đã có, điều quan trọng nhất là tỉnh cần ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Đây là cơ sở để tỉnh phát triển, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn dược liệu trồng và tự nhiên nhằm phục vụ mục tiêu khám, chữa bệnh và phát triển kinh tế về ngành dược liệu".

Thu hút nhà đầu tư có tiềm lực

Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, ngoài trồng các loại rau, củ theo tiêu chuẩn VietGAP, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Dược liệu và Dịch vụ thương mại Thịnh Phát, ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong mạnh dạn chuyển hướng trồng thêm cây dược liệu.

Đến nay, HTX đang trồng một số cây dược liệu quý, mang lại giá trị cao như sâm bố chính, sâm dương quy, đinh lăng... với diện tích khoảng 30 ha.

TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh chủ trì cuộc họp
TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh chủ trì cuộc họp bàn về việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Đắk Glong với các cơ quan, đơn vị liên quan

Bà Nguyễn Thị Toản, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dược liệu và Dịch vụ thương mại Thịnh Phát cho biết, hiện nay, khu vực kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác đóng góp một phần quan trọng trong việc trồng, bảo tồn, khai thác, chế biến... cây dược liệu trên phạm vi cả nước. Trong đó, sâm và dược liệu quý được xác định là đối tượng có nhiều tiềm năng và lợi thế của các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Chính phủ lựa chọn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo sinh kế và tăng thu nhập ổn định, bền vững.

"Nếu được Nhà nước, hệ thống ngân hàng quan tâm, cho vay các nguồn vốn ưu đãi thì HTX sẽ có thêm nguồn lực để phát triển, nhân rộng diện tích dược liệu theo hướng bài bản, quy củ hơn, qua đó tạo ra sản phẩm đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu thị trường", bà Nguyễn Thị Toản đề xuất.

Hiện nay, những địa phương đang có nguồn thảo dược, dược liệu quý có thể dùng vào chế biến được thì phần lớn là các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Theo ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Quyết định số 376 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với việc ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao. Từ đó, trong cả nước đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến dược liệu, tạo dây chuyền khép kín, đồng bộ theo quy trình, góp phần làm tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu dược liệu vào chế biến thuốc y học cổ truyền.

_dsc8246.jpg
Dược liệu được sơ chế, phơi khô trước khi chế biến

Tỉnh Đắk Nông mong muốn thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có khả năng, tiềm lực lớn để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nhà máy, thiết bị máy móc hiện đại để khai thác nguyên liệu dược liệu tại chỗ, có mẫu mã, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đắk Nông sẽ có những giải pháp, nỗ lực hơn nữa để phát huy thế mạnh dược liệu, đẩy mạnh ngành công nghiệp dược, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng nông thôn.

Khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực dược liệu

Hàng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành Y tế ở Việt Nam ước tính 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. Phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi, nông thôn, mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP cho nền kinh tế Việt Nam.

cô Hạnh

Đắk Nông đang nằm trong quỹ đạo chung đó vì là 1 trong 8 vùng cả nước được quy hoạch để phát triển trồng 10 loại dược liệu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định: Thực hiện chủ trương chung, hiện nay, công tác quy hoạch đất, mở rộng các vùng trồng dược liệu đã được hầu hết các địa phương quan tâm chỉ đạo.

Việc quy hoạch một số khu vực tập trung, mở rộng phát triển các dược liệu có thế mạnh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương được quan tâm. Vì vậy, các cấp chính quyền cần tiếp tục có chính sách đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân áp dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm dược liệu, nhằm phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu và sử dụng hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội của các địa phương.

"Nên chăng, toàn tỉnh cũng cần phát động phong trào, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực dược liệu", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cho hay.

Dược liệu 222
Các y bác sĩ YHCT bốc thuốc cho bệnh nhân

Mới đây, Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế đã tổ chức hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chương trình đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm thực hiện theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện của 21 tỉnh với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao. Tổng mức đầu tư hỗ trợ có thể lên tới 65 tỷ đồng cho một vùng dự án.

Đắk Nông là 1 trong 8 vùng cả nước được quy hoạch để phát triển trồng 10 loại dược liệu. Đắk Nông cũng được Chính phủ lựa chọn để thực hiện Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo bà Võ Thị Ái Liễu, Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp, thống nhất triển khai Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Đắk Glong, với tổng vốn phân bổ thực hiện giai đoạn I (2021-2025) trên 8 tỷ đồng. Vì vậy, tỉnh cần tranh thủ chương trình này nhằm thúc đẩy việc phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh, tạo đà mạnh mẽ cho một hướng đi lâu dài.

Dược liệu65
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, dưới tán rừng Đắk Nông có rất nhiều dược liệu quý

Còn theo ông Lưu Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, Đắk Nông được Chính phủ lựa chọn để thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là cơ sở để tỉnh khai thác, phát huy nguồn lực là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào việc phát triển dược liệu, thông qua đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị dược liệu. Bên cạnh đó, tỉnh cần ưu tiên xem xét bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu.

"Về phía Sở Khoa học và Công nghệ sẽ chú trọng xây dựng, đầu tư kinh phí cho các đề tài nghiên cứu, sưu tầm những bài thuốc hay từ dược liệu trên địa bàn gắn với tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới cộng đồng việc bảo tồn, phát huy dược liệu của tỉnh", ông Lưu Văn Đặng nói.

Tuệ An