Văn học - Nghệ thuật

Tôi đã thấy trong gió rừng thăm thẳm

Trần Thị Tâm 08/12/2024 09:19

Gió rừng thăm thẳm - cuốn tiểu thuyết không chỉ dừng ở những câu chuyện về rừng. Chính xác hơn, đó là câu chuyện về một đời người – một rừng cây.

Đọc nhan đề, tôi cứ hình dung rằng, cuốn tiểu thuyết sẽ là một bản trường ca của rừng già, nơi đó có những dãy đồi cao nguyên đất đỏ bazan trập trùng nắng gió, bạt ngàn hương hoa cà phê, rừng thông u tịch, gió theo nhau du lượn quanh sườn đồi cả ngày không biết mỏi… “Thăm thẳm” – gợi một cảm giác gì đó mênh mông, xa vắng, hun hút, u buồn? Và vì thế, có lẽ, cuốn tiểu thuyết không chỉ dừng ở những câu chuyện về rừng. Chính xác hơn, đó là câu chuyện về một đời người – một rừng cây.

truyen.jpg
Bìa tiểu thuyết Gió rừng thăm thẳm

Quả đúng như vậy, trong tiểu thuyết, có hai thế giới tồn tại song hành, như hai tấm gương lớn phản chiếu lẫn nhau: rừng và người. Xin hãy khoan nói về rừng – nỗi niềm khắc khoải thường trực trên trang viết Đặng Bá Canh. Điều khiến tôi cứ bám riết lấy câu chữ cho đến trang cuối cùng, chính là câu chuyện về những phận người, kiếp người, kiểu người… được nhà văn dày công khắc họa.

Trước hết, đó là hình ảnh những ông chủ tịch, bí thư như ông Bá, Y Lâm. Đi lên từ hai bàn tay trắng, bươn trải dòng đời với những bài toán chính trị gai góc đã dạy cho họ quá nhiều những mưu toan. Họ trở thành những kẻ có quyền, chức tước trong tay, vừa đạo mạo, tôn nghiêm lại vừa không thể thoát khỏi những ham muốn bản năng của kẻ làm người. Hay, có nhân vật đi ra từ những miền quê nghèo khổ, thân phận tơ tằm, nhờ gặp thời, sự khôn ngoan lừa lọc mà trở nên có có tiếng tăm trong giới đàn anh, đàn chị như Trường Râu, Đại úy, Binh chột… Đối với những nhân vật này, ban đầu ta thương xót, cảm thông nhưng càng về sau, ta càng thất vọng và căm ghét.

Hình tượng người phụ nữ trong tiểu thuyết cũng được nhà văn thêu dệt với những sợi màu khác nhau. Nhàn yếu đuối và thánh thiện. Loan khôn ngoan và sành sỏi. Lụa dịu dàng và cam chịu. Cô gái H’Han ngây ngô thật thà đến nỗi chẳng thể quyết định hạnh phúc cho mình. Chung Tình, Tuyết Nhung nhiều toan tính…

Tất nhiên, cuốn tiểu thuyết không thể thiếu được hình ảnh những con người đậm chất Tây Nguyên như Ma Rút, già làng Ma Rin... Ở họ sự hồn hậu, chất phác của những bóng cây giữa đại ngàn như tỏa ra từ dáng đi, lời ăn tiếng nói, tâm tư, quan niệm sống.

Và một nhân vật được xây dựng với cuộc đời nhiều bất hạnh, mất mát nhưng vẫn luôn đứng vững trước sự cám dỗ mãnh liệt của đồng tiền - nhà báo Cao Tâm. Nhân vật này, thấp thoáng dáng dấp của nhà văn, và những suy nghĩ, câu nói của anh phải chăng chính là đại diện cho tiếng nói của người nghệ sĩ?

Điều kì lạ là, cuốn tiểu thuyết có đến hơn 20 nhân vật, và mỗi nhân vật đều gắn với một mạch truyện riêng, nhưng tất cả họ đều gắn kết với nhau một cách tài tình. Bằng một cách nào đó, họ liên quan đến nhau, và vì thế, mạch truyện cứ nối tiếp từ nhân vật này qua nhân vật khác như một dòng suối nhỏ. Người đọc không có cảm giác lạc vào mê cung như khi đọc Trăm năm cô đơn của G. Marquez hay Rừng Na Uy của Murakami. Mỗi kiểu người, kiếp người đều hiện lên một cách rõ ràng.

ĐẶNG BÁ CANH
Nhà văn Đặng Bá Canh và cuốn tiểu thuyết Gió rừng thăm thẳm

Nếu tìm một cuốn tiểu thuyết hiện đại mà ở đó nhà văn ưa thích thử nghiệm các kỹ thuật văn học mới lạ như dùng nhiều điểm nhìn trần thuật, thay đổi linh hoạt về giọng điệu, kết cấu phi tuyến tính, dòng tâm tư, phương pháp của những tảng băng trôi nhằm phản ánh cuộc sống hiện tại và cách tân, đổi mới văn học thì Gió rừng thăm thẳm chính là một cuốn tiểu thuyết như vậy.

Nhà văn thôi thúc người đọc tăng tốc thật nhanh để tò mò biết kết cục của tác phẩm sẽ như thế nào. Và, nhà văn đã không phụ lòng mong đợi của người đọc. Tất cả các nhân vật, bằng một cách nào đó, đều bị quả báo hoặc được đền đáp theo một cách riêng. Tuyệt nhiên, người đọc không thấy day dứt về bất kỳ một nhân vật nào. Kẻ đáng bị trừng trị đã đứng trước vành móng ngựa, hoặc đứng trước sự trả giá của luật đời. Người đáng được hạnh phúc đã tìm thấy sự an nhiên.

Khi cuộc sống hiện đại đẩy con người đến với quá nhiều những áp lực tinh thần, chọn cách kết thúc như vậy, nhà văn Đặng Bá Canh không chỉ bắt kịp thị hiếu thẩm mĩ ở người đọc, mà còn để chữa lành và xoa dịu nỗi đau tâm hồn cho con người. Đọc Gió rừng thăm thẳm, quả thật, ta không cảm thấy hối tiếc hay lãng phí thời gian.

Câu chuyện về rừng - người bạn đời song hành trên trang viết của nhà văn Đặng Bá Canh, tôi đồng tình với nhận xét của nhà văn Tống Phước Bảo khi ông nói về các tác phẩm của Đặng Bá Canh: “Rừng ám ảnh, gợi vào tâm trí anh, đến nỗi trở nên là một sự thôi thúc để anh cứ viết, cứ cho đời nhiều tác phẩm và câu chuyện về rừng thì làm sao hết được.”

Từ các tập truyện ngắn Sang mùa, Đất đắng, Rừng xa đến tiểu thuyết Gió rừng thăm thẳm và nhiều tác phẩm khác, rừng luôn khắc khoải trên trang viết của anh. Rừng hùng vĩ, mênh mông “Khi mùa gió tới, trùng điệp những cánh rừng ầm ào gào thét trong mênh mông thâm u”. Rừng là mái nhà chung, là nguồn sống, là điểm tựa cho bao phận người lưu lạc tứ xứ hội tụ về mảnh đất cao nguyên này “Rừng phòng hộ trải rộng cả ba tỉnh… Đây không chỉ như là một tuyến phòng thủ cho phần lõi rừng mà còn giữ mạch nước ngầm cho phần thượng du sông Mai chảy xuôi về phía đồng bằng”.

Rừng quyện hòa với cuộc sống con người, chứng kiến bao buồn vui khổ hạnh thăng trầm. Như chính nhà văn đã tâm sự trong những trang đầu tiểu thuyết “Với cư dân vùng đất cao nguyên điệp trùng thăm thẳm gió này, rừng không chỉ là tài nguyên, không chỉ là hệ sinh thái mà còn là cội nguồn của đời sống tâm linh”. Thế nhưng, đau xót thay, rừng đang mang đầy thương tích “Bao nhiêu gỗ quý giữa rừng thâm u, hiểm trở tưởng như ngút ngàn, vô tận vậy mà chỉ chừng mươi năm đã biến mất tăm”.

Nỗi đau của rừng như đường kim mũi chỉ thấm đẫm trang viết văn nhân “Cơ man những vạt cây đổ ngổn ngang, nhiều gốc nhựa ứa ra còn ấm nóng… Qua kẽ lá héo quắt nóng hầm hập, những ngọn lửa đỏ bầm tựa máu loang ra cả đám rừng rồi dát lên quầng mây một màu vàng tê tái. Những gốc cây nhẻm khói, xin xỉn, chằng chịt vết bằm toang hoác như mộ chí cắm trên la liệt nấm mồ cây bị thiêu sống”. Và “Vài tháng sau, cứ đêm hàng loạt thông đổ rào rào, chỏng chơ xuống những thảm cỏ mướt xanh khi lưỡi cưa loang loáng liếm ngang gốc… Một đêm, hai đêm rồi đêm nào cũng vậy”. Sự xót xa trăn trở của nhà văn đôi khi cất lên thành tiếng “thật xót xa”, “Thật sự hoang mang”.

Đọc Gió rừng thăm thẳm, tôi chợt nhớ những ca từ thật đẹp của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây, sống gần nhau thân mới thẳng.

Thạc sĩ Trần Thị Tâm, Giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh, TP. Gia Nghĩa.

Khi viết những trang về rừng, nhà văn thường sử dụng hình ảnh nhân hóa, so sánh, những động từ mạnh, câu hỏi tu từ, câu cảm thán… Điều đó nói lên rằng, với nhà văn, anh xem rừng như một sinh thể có hồn, biết bay bổng lãng mạn, biết yêu thương con người và cũng biết đau đớn, gào thét, khao khát được sống, được xanh tươi…

Nguyên nhân nào gây ra nỗi đau và vết thương cho rừng? Vì giấc mơ thoát nghèo: “Nâm Lar dần trở thành nơi dân cư mọi miền đất nước dồn về phát rừng, dọn rẫy để thực hiện giấc mơ thoát khỏi sự truy đuổi của đói nghèo trên mỗi làng quê”? Hay vì quan niệm sai lầm “Rừng vàng thì phải làm sao để khai thác cái nguồn tài nguyên quý giá ấy mà làm giàu cho xã hội chứ.”? Mỗi kẻ gây ra nỗi đau cho rừng bằng các con đường khác nhau, nhưng tựu trung lại, đều xuất phát nhận thức sai lầm và lòng tham vô độ.

Bằng cái nhìn tỉnh táo và lối viết sắc lạnh, nhà văn Đặng Bá Canh đã thức tỉnh chúng ta nhiều triết lí nhân sinh. Con người vốn ảo tưởng về sức mạnh trí tuệ của mình, cho rằng mình có thể xây nên Vạn Lý Trường Thành, làm nên kim tự tháp, đắp đập be bờ những công trình thủy điện nguy nga thì có thể cho mình cái quyền làm chủ thiên nhiên vũ trụ, xem thiên nhiên chỉ là công cụ phục vụ cho lòng tham vô độ.

Thực tế, Mẹ Thiên nhiên đã biết đau đớn và biết nổi giận. Đâu đó ta đã nhìn thấy sóng thần, đại hồng thủy, cháy rừng, dịch bệnh… Đó là lời đáp trả của thiên nhiên. Với con người Tây Nguyên, mất đi rừng là mất đi không gian sống, mất đi bản sắc văn hóa. Bằng Gió rừng thăm thẳm, nhà văn Đặng Bá Canh đã chung dòng chảy với những cây viết có sự đổi mới về đề tài phê bình sinh thái như Nguyễn Văn Học, Nguyễn Ngọc Tư…

Và mỗi tác phẩm của anh cứ như một vũ khí để bảo vệ rừng, cũng là bảo vệ tấm thổ cẩm văn hóa của Tây Nguyên và thức tỉnh lương tri con người. Bởi một đời người cũng như một đời cây. Đọc Gió rừng thăm thẳm, tôi chợt nhớ những ca từ thật đẹp của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây, sống gần nhau thân mới thẳng. Có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương… Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi. Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người. Ngày đêm canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở ngày xuân.

Trần Thị Tâm