Mùa vàng ấm no miền biên cương

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 07:00, 08/12/2024

Đến nay, hiệu quả kinh tế từ mô hình “lúa nước trên núi” và “cây lúa xen canh” đã khẳng định tính đúng đắn mà Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng), cấp ủy, chính quyền địa phương và nông dân triển khai, góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ổn định đời sống cho người dân nơi biên giới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đại đoàn kết)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đại đoàn kết)

Trong những năm qua, cùng với cây lúa xen canh (lúa trồng trong những vườn cao su tái canh), mô hình “lúa nước trồng trên núi” được bộ đội Binh đoàn 15 hỗ trợ người dân, thật sự là “cần câu”, giúp hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số người Gia Rai đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu.

Đại tá Khuất Bá Cao, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15 cho biết: “Từ năm 2014, kế thừa hiệu quả từ mô hình “cây lúa nước trồng trên núi”, Đảng ủy Binh đoàn 15 xác định chủ trương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các đơn vị hỗ trợ về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và tạo điều kiện cho người dân địa phương trồng lúa trên đất tái canh cây cao su.

Người dân từ chỗ không biết làm, không muốn làm thì nay đã gắn bó với cây lúa nước, cây lúa xen canh, bởi tính hiệu quả mang lại. Mô hình nêu trên không chỉ mở rộng diện tích cây trồng cho người dân mà còn tiếp sức cho hàng nghìn hộ dân ở vùng biên giới xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và nhân rộng ở các buôn làng vùng biên giới các tỉnh Tây Nguyên”.

Đến các xã Ia Nan, Ia Din, Ia Dơk, Ia Krêl của huyện Đức Cơ, xã Ia O, Ia Chía, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai)… mùa này bạt ngàn sắc vàng của những nương lúa chín. Nông dân tấp nập vào mùa gặt, gương mặt ai cũng vui vì hạt lúa, “hạt vàng” của bộ đội giúp mang lại hiệu quả thiết thực. Điều đáng mừng là, giờ đây nhiều gia đình không những biết cày đất, bón phân, gieo hạt, chăm sóc cây lúa đúng mùa, đúng vụ, mà họ còn biết dùng xe gặt, đập để thu hoạch lúa.

Trung tá Phạm Xuân Tri, Giám đốc Công ty 72 chia sẻ, lúc đầu cán bộ đơn vị về với dân làng, tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai hoang đất trồng lúa nước; mới nghe, người dân còn e ngại phản đối, vì không tin cây lúa nước sống được trên núi và những vùng “đồng chua, nắng hạn”.

Dân chưa tin, thì phải làm cho dân tin, đơn vị tiếp tục khai hoang đất, cải tạo, phục hồi đất chua phèn, đầu tư hơn 500 triệu đồng, trồng được gần 16 ha lúa nước, 3 km kênh mương thủy lợi, lại vận dụng kỹ thuật từ khâu trồng đến bón phân, phun thuốc trừ sâu, chăm sóc...

Nhờ vậy, lúa lên nhanh, xanh tốt, được mùa, lãnh đạo Công ty mời dân làng và chính quyền địa phương đến vừa tuyên truyền cách trồng lúa nước, vừa bàn giao những ruộng lúa vàng nặng hạt với năng suất đạt từ 37-40 tạ/ha, tăng gấp bảy lần lúa rẫy. Mô hình “Lúa nước trên núi” đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá cao và nhân rộng khắp vùng biên giới của tỉnh.

Ông Rơ Châm Bơm, già làng Krêl, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai chia sẻ: Từ ngày có được hạt lúa của bộ đội để ăn và để dành trong kho, người dân hết lo đói. Tính từ năm 2014 đến nay, ngoài tạo điều kiện cho người dân trồng lúa trên đất tái canh cây cao su, Binh đoàn 15 còn cử cán bộ đến làng, đến các nhà dân và đến tận nương rẫy để hướng dẫn mọi người cách trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa; hỗ trợ hạt giống và phân bón; trung bình mỗi hộ trồng năm sào, nhà nào chăm tốt thì thu hoạch 5-6 tạ/sào.

Từ ngày trồng thêm cây lúa, người dân không còn thiếu đói mùa giáp hạt. Điều đáng mừng là, nhờ có bộ đội hướng dẫn cho nên nhận thức về thời gian lao động của người dân đã thay đổi. Nếu ngày trước 9 giờ dân làng mới đi làm, 15 giờ về… thì nay 5-6 giờ họ đã đi làm, trưa về, chiều đi làm đến 16-17 giờ mới về. Nhờ đi làm đúng thời gian, biết kỹ thuật trồng cây, trồng lúa…, kinh tế hộ gia đình phát triển.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ Vũ Mạnh Định, mô hình trồng “lúa nước trên núi” được huyện lựa chọn để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đã phát huy hiệu quả đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Mô hình nói trên đã thay đổi được thời gian đi lao động, suy nghĩ, tập tục về trồng cây nói chung, cây lúa nói riêng của người dân tộc thiểu số.

Được sự hướng dẫn, tiếp sức của cán bộ, công nhân Binh đoàn 15 cùng các ban, ngành, người dân địa phương đã làm quen và mạnh dạn cày đất, lật cỏ, gieo hạt, bón phân, cải tạo đất chua phèn để trồng lúa nước. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lại dễ trồng, cho nên cây “lúa nước trên núi” và “cây lúa xen canh” phát triển rất nhanh, năng suất cao, ổn định, chi phí thấp, mà hiệu quả kinh tế cao.

Quang Hồi