Đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ
Công nghệ - Ngày đăng : 10:18, 08/12/2024
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST). Đây là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Theo Bộ KH&CN, Luật Khoa học và Công nghệ 2013, sau gần một thập kỷ triển khai, đã bộc lộ nhiều hạn chế và chưa theo kịp với những đòi hỏi thực tế nhằm phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cùng sự phát triển bền vững dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chưa đủ cơ chế thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho KH,CN&ĐMST.
Ảnh minh họa |
Các tác động của hội nhập sâu rộng và toàn diện của Việt Nam trong một thế giới phát triển mạnh mẽ, đột biến, nhất là về KH,CN&ĐMST đòi hỏi các hành lang pháp lý; cơ chế chính sách phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
Sự bùng nổ của các làn sóng công nghệ mới yêu cầu chính phủ phải linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách, đảm bảo tận dụng tối đa các cơ hội mà công nghệ mang lại.
Ngoài ra, Luật KH&CN 2013 chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý các tình huống khẩn cấp liên quan tới an toàn, an ninh quốc gia; sức khỏe, tính mạng của người dân; các thảm họa thiên nhiên...
Một số quy định hiện hành, như iao quyền sở hữu kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì theo cơ chế tự động; vấn đề tập trung nguồn lực chủ yếu cho các chương trình KH&CN để tạo ra tri thức nhưng chưa quan tâm bố trí đủ nguồn lực thỏa đáng cho các chương trình ứng dụng tri thức...
Mục tiêu của dự thảo Luật KH,CN&ĐMST là xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ. Luật hướng tới việc tạo động lực mạnh mẽ để KH,CN&ĐMST trở thành nền tảng cho sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an ninh quốc gia.
Dự thảo đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy hệ thống đổi mới sáng tạo toàn diện, kết nối cả ba chức năng: tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và truyền bá tri thức. Điều này không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế mà còn giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, phù hợp với các mục tiêu phát triển mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, và áp dụng chuyển đổi số vào quản lý KH,CN&ĐMST cũng là những điểm nhấn quan trọng. Bộ KH&CN hướng đến xây dựng một hệ thống quản lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo đạo đức và liêm chính trong nghiên cứu khoa học.
Kế thừa các quy định của Luật KH&CN 2013 còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn phát triển KH&CN của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Ban hành các chính sách mới thông qua các quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý để phát triển nhanh, bền vững KH&CN, bắt kịp với sự phát triển KH&CN của thế giới.
Mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.