Trình tự cấp chứng nhận chất lượng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an
Pháp luật - Đời sống - Ngày đăng : 08:29, 06/12/2024
Theo đó, Thông tư này quy định về: Trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; Trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới cải tạo, xe máy chuyên dùng cải tạo thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; Trình tự, thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; Cơ quan thực hiện kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng của lực lượng Công an nhân dân; điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực thực hiện kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an.
Thông tư quy định về chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, cải tạo và kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; áp dụngtừ 01/01/2025. |
Trình tự cấp chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe nhập khẩu, phụ tùng nhập khẩu
Thông tư quy định, việc cấp chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe nhập khẩu, phụ tùng nhập khẩu được thực hiện theo trình tự sau:
Đơn vị nhập khẩu lập hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận chất lượng xe nhập khẩu, phụ tùng nhập khẩu theo quy định tại Điều 7 Thông tư này, gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến Cục Cảnh sát giao thông.
Cục Cảnh sát giao thông tổ chức kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn đơn vị nhập khẩu xe bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định; Kiểm tra xe nhập khẩu theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư này, kiểm tra hồ sơ phụ tùng nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này; nếu đảm bảo yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu (sau đây viết gọn là Giấy chứng nhận chất lượng xe nhập khẩu) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phụ tùng xe cơ giới nhập khẩu (sau đây viết gọn là Giấy chứng nhận phụ tùng nhập khẩu). Trường hợp xe nhập khẩu, phụ tùng nhập khẩu không đảm bảo yêu cầu thì đề nghị đơn vị nhập khẩu tiến hành khắc phục trước khi Cục Cảnh sát giao thông tổ chức kiểm tra lại.
Giấy chứng nhận chất lượng xe nhập khẩu có giá trị 12 tháng kể từ ngày cấp, được lập thành 03 bản có nội dung, giá trị như nhau, trong đó: 01 bản để làm thủ tục đăng ký, 01 bản để làm thủ tục kiểm định, 01 bản lưu tại Cục Cảnh sát giao thông. Riêng Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu được lập thành 02 bản có nội dung, giá trị như nhau, trong đó: 01 bản dùng để đăng ký, 01 bản lưu tại Cục Cảnh sát giao thông.
Giấy chứng nhận chất lượng phụ tùng nhập khẩu được lập thành 02 bản có nội dung, giá trị như nhau, trong đó: 01 bản cấp cho đơn vị nhập khẩu, 01 bản lưu tại Cục Cảnh sát giao thông.
Trình tự cấp chứng nhận chất lượng xe, phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp
Về trình tự cấp chứng nhận chất lượng xe, phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp, khoản 1 Điều 10 Thông tư quy định các bước được thực hiện như sau:
- Đơn vị thiết kế xe (sau đây viết gọn là đơn vị thiết kế) lập hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế xe sản xuất, lắp ráp theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này hoặc hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận chất lượng phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp theo quy định tại khoản 3 Điều 14, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến Cục Cảnh sát giao thông;
- Thành viên Hội đồng thẩm định thiết kế xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp, cải tạo (sau đây viết gọn là Hội đồng thẩm định) theo quy định tại Điều 22 Thông tư này tổ chức thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật xe sản xuất, lắp ráp theo quy định tại Điều 12 Thông tư này. Nếu hồ sơ thiết kế đảm bảo yêu cầu thì Chủ tịch Hội đồng thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế và cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp (sau đây viết gọn là Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế);
- Đơn vị thi công sản xuất, lắp ráp (sau đây viết gọn là đơn vị thi công) theo quy định tại Điều 13 Thông tư này sau khi thi công theo đúng hồ sơ thiết kế đã được Hội đồng thẩm định phê duyệt, đơn vị thi công lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 14 Thông tư này, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến Cục Cảnh sát giao thông đề nghị tổ chức kiểm tra chất lượng xe sản xuất, lắp ráp;
- Cục Cảnh sát giao thông tổ chức kiểm tra, đánh giá và chứng nhận sự phù hợp của kiểu loại xe sản xuất, lắp ráp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định hiện hành về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 15 Thông tư này. Nếu đạt yêu cầu thì Cục Cảnh sát giao thông cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới sản xuất, lắp ráp hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp (sau đây viết gọn là Giấy chứng nhận chất lượng xe sản xuất, lắp ráp). Giấy chứng nhận chất lượng xe sản xuất, lắp ráp có giá trị 12 tháng kể từ ngày cấp, được lập thành 03 bản có nội dung, giá trị như nhau, trong đó: 01 bản để làm thủ tục đăng ký, 01 bản để làm thủ tục kiểm định, 01 bản lưu tại Cục Cảnh sát giao thông. Riêng Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp được lập thành 02 bản có nội dung, giá trị như nhau, trong đó: 01 bản để làm thủ tục đăng ký, 01 bản lưu tại Cục Cảnh sát giao thông;
- Đối với phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp: Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận chất lượng phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Thông tư này, đánh giá sự phù hợp của các loại phụ tùng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định hiện hành về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phụ tùng xe cơ giới. Nếu đạt yêu cầu thì Cục Cảnh sát giao thông cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phụ tùng xe cơ giới sản xuất, lắp ráp (sau đây viết gọn là Giấy chứng nhận chất lượng phụ tùng sản xuất, lắp ráp). Giấy chứng nhận chất lượng phụ tùng sản xuất, lắp ráp có giá trị 36 tháng kể từ ngày cấp, được lập thành 02 bản có nội dung, giá trị như nhau, trong đó: 01 bản cấp cho đơn vị sản xuất, lắp ráp, 01 bản lưu tại Cục Cảnh sát giao thông.