Nghị quyết số 163/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030

Chính sách - Ngày đăng : 20:19, 05/12/2024

Toàn văn Nghị quyết số 163/2024/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

NGHỊ QUYẾT

Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14, Luật số 72/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14;

Sau khi xem xét Tờ trình số 623/TTr-CP ngày 09 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Báo cáo thẩm tra số 3080/BC-UBXH15 ngày 06 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Báo cáo số 1092/BC- UBTVQH15 ngày 26 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 (sau đây gọi là Chương trình) với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu thực hiện Chương trình:

a) Mục tiêu tổng quát:

Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống ma túy; lấy địa bàn cơ sở để triển khai; thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên cả ba lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, Nhân dân hạnh phúc, kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

b) Mục tiêu cụ thể:

Làm tốt và nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy của toàn xã hội từ cơ sở, từng địa bàn, từng gia đình, từng người dân, nhất là với người có nguy cơ cao, thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động nhằm giảm mạnh số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; giữ vững, mở rộng và tiến tới các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không có ma túy.

Đầu tư trang thiết bị, phương tiện, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tội phạm về ma túy, đặc biệt là tội phạm về ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng và trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện ma túy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma túy, điều trị nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, trợ giúp pháp lý và tư vấn trong phòng, chống ma túy.

c) Chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030:

- Hằng năm, giảm số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không có ma túy;

- Phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy và 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy được phát hiện và triệt phá;

- Trên 80% các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm về ma túy;

- Hằng năm, số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới đường bộ, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%;

- Trên 80% số trạm y tế cấp xã trên toàn quốc và 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy;

- Phấn đấu 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập bảo đảm điều kiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy; trên 70% xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy bố trí điểm tiếp nhận và tư vấn cai nghiện ma túy đủ điều kiện theo quy định; ít nhất 70% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

- Trên 80% các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện và cơ quan báo chí có lượng độc giả lớn có chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống ma túy; phấn đấu tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống ma túy cho người học tại 100% nhà trường và trên 70% người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất;

- Phấn đấu trợ giúp pháp lý cho 100% số người vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu;

- Bảo đảm cơ sở vật chất và duy trì điều trị cho ít nhất 50.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện; trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy được tư vấn, hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý.

2. Phạm vi và thời gian thực hiện Chương trình:

a) Phạm vi thực hiện Chương trình: Trên phạm vi cả nước.

b) Thời gian thực hiện Chương trình: Từ năm 2025 đến hết năm 2030.

3. Kinh phí thực hiện Chương trình:

Tổng vốn thực hiện Chương trình tối thiểu là 22.450,194 tỷ đồng, trong đó:

a) Vốn ngân sách trung ương tối thiểu: 17.725,657 tỷ đồng, bao gồm:

- Vốn đầu tư phát triển: 9.827 tỷ đồng;

- Vốn sự nghiệp: 7.898,657 tỷ đồng.

b) Vốn ngân sách địa phương: 4.674,537 tỷ đồng, bao gồm:

- Vốn đầu tư phát triển: 2.451 tỷ đồng;

- Vốn sự nghiệp: 2.223,537 tỷ đồng.

c) Vốn huy động hợp pháp khác: tối thiểu 50 tỷ đồng.

4. Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình:

a) Đối với địa phương tự cân đối ngân sách thì tự bảo đảm kinh phí để thực hiện Chương trình từ ngân sách địa phương; ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối ngân sách, đang nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình.

Ưu tiên hỗ trợ ngân sách trung ương cho phòng, chống ma túy ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, các nhiệm vụ cấp bách của Chương trình đáp ứng yêu cầu thực tiễn;

b) Việc phân bổ ngân sách trung ương và bố trí ngân sách địa phương (bao gồm vốn đầu tư và kinh phí thường xuyên) bảo đảm phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động và các dự án thành phần của Chương trình, kế hoạch hằng năm, tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước;

c) Trong quá trình thực hiện, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét ưu tiên bổ sung vốn cho Chương trình. Việc bố trí ngân sách thực hiện Chương trình bảo đảm không trùng lặp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ kinh phí chi thường xuyên hàng năm; có giải pháp lồng ghép nguồn vốn với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án khác một cách phù hợp; khuyến khích, huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, gia đình, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy;

d) Trên cơ sở quyết định phân bổ vốn của ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.

5. Cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình:

a) Cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư công, ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, Chính phủ quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

b) Phân cấp, phân quyền, tạo chủ động, linh hoạt cho các địa phương và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chương trình;

c) Chương trình do Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp trung ương và ở địa phương chỉ đạo quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện. Bộ Công an là Chủ Chương trình;

d) Thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn biểu hiện tiêu cực, lãng phí và xử lý nghiêm minh vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.

6. Cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình:

a) Quốc hội quyết định tổng mức dự toán cho Chương trình; Thủ tướng Chính phủ giao tổng dự toán cho cấp tỉnh và điều chỉnh khi cần thiết; cấp tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ cho cấp huyện trên cơ sở nguyên tắc phân cấp, phân quyền. Chính phủ tăng cường đôn đốc kiểm tra và giám sát để bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn;

b) Các cơ chế, chính sách đặc thù khác được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh thực hiện Chương trình.

Điều 2

1. Giao Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương có liên quan ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình;

b) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù;

c) Hai năm một lần, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình; năm 2030, tổng kết việc thực hiện Chương trình, đồng thời nghiên cứu, đề xuất Chương trình cho giai đoạn tiếp theo.

2. Giao Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Quyết định đầu tư Chương trình theo quy định của Luật Đầu tư công;

b) Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật;

c) Ban hành tiêu chí xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn không có ma túy;

d) Căn cứ mục tiêu thực hiện Chương trình quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này, xác định rõ mục tiêu hằng năm để thực hiện, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra;

đ) Chỉ đạo tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình; chỉ đạo các địa phương cân đối, huy động, lồng ghép và sử dụng các nguồn lực để thực hiện hiệu quả Chương trình.

Điều 3

Giao Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai, thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Xây dựng kế hoạch và cân đối, bố trí vốn, phân bổ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình;

2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện Chương trình;

3. Ban hành theo thẩm quyền quy định về lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi, địa bàn để thực hiện Chương trình trên địa bàn bảo đảm sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đã được phê duyệt; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản;

4. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp cuối năm và Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình.

Điều 4

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và Nhân dân giám sát việc thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật.


Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2024.