Đại biểu hiến kế để Đắk Nông thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2025
Thảo luận tổ tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Đắk Nông lần thứ 18, đại biểu tập trung hiến kế để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2025.
Chiều 5/12, tiếp tục chương trình làm việc, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ 18, khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến hành phiên thảo luận tổ.
Các đồng chí: Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy tham dự thảo luận tại các tổ.
Làm rõ nguyên nhân chưa đạt chỉ tiêu
Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến đóng góp vào Dự thảo báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ chỉ tiêu chủ yếu năm 2024; mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2025.
Từ đó, các đại biểu phân tích, làm rõ thêm những vướng mắc, hạn chế, nguyên nhân, nhất là đối với các chỉ tiêu chưa đạt; đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu của năm 2025 phù hợp hơn.
Tại Tổ thảo luận số 1, TUV, Bí thư Huyện ủy Đắk R’lấp Phan Anh Tuấn cho biết, thu ngân sách của địa phương đạt khoảng 93%. Vấn đề quy hoạch bô xít đang ảnh tới thu ngân sách, nhất là nguồn thu tiền sử dụng đất của địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, huyện Đắk R’lấp đã thành lập các tổ hỗ trợ người dân các thủ tục pháp lý, đặc biệt là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Phấn đấu đến cuối tháng 12, huyện Đắk R’lấp sẽ thu được khoảng 5 tỷ, đạt chỉ tiêu mà HĐND huyện giao.
Liên quan đến tiến độ thi công một số công trình trọng điểm, trong đó có Quảng trường 23/3, đại biểu Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông cho biết, dự kiến đầu tháng 1/2025, tỉnh Đắk Nông sẽ có giấy phép khai thác đất để thi công.
“Vấn đề vật liệu san lấp là một trong những vướng mắc của tỉnh trong nhiều năm qua. Luật khoáng sản mới đây có hiệu lực, đã cơ bản tháo gỡ khó khăn cho tỉnh, tạo điều kiện để triển khai các dự án trên địa bàn. Ngành TN-MT đang tích cực phối hợp với các sở, ngành và chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt cấp phép”, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông cho hay.
Tham gia thảo luận tại tổ, một số đại biểu cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến một số chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội không đạt.
Trong đó, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp do nhiều nguyên nhân và dự kiến sẽ khó đạt được mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Lãnh đạo Sở Công thương cho rằng sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương còn rời rạc, ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp.
Đồng hành, tháo gỡ cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư
TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Xuân Trung đánh giá, một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt, có một phần liên quan đến sự chủ động và trách nhiệm của cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương. Thực tế hiện nay, “cán bộ vẫn còn sức ì”. Theo đồng chí Mai Thị Xuân Trung, tỉnh Đắk Nông đang gặp hạn chế trong thu hút đầu tư. Ngoài nguyên nhân khác quan như quy hoạch khoáng sản, quy hoạch tỉnh, giải phóng mặt bằng thì còn có cả nguyên nhân chủ quan.
“Cán bộ một số đơn vị quá thận trọng, sợ trách nhiệm, “sợ vu vơ”, dù Trung ương đã có hướng dẫn cụ thể. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của doanh nghiệp, dẫn tới chuyện họ e ngại hoặc từ bỏ ý định đầu tư vào Đắk Nông. Từ thực tế này, tôi đề nghị, ngoài việc đánh giá những tồn tại hạn chế trong việc xây dựng nghị quyết, cần có phương hướng, kế hoạch để tinh gọn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, đáp ứng đủ năng lực, phẩm chất và có trách nhiệm trong công tác”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Xuân Trung nêu quan điểm.
Đồng chí Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong cho biết, thời gian qua, tỉnh đã kêu gọi thu hút đầu tư nhiều, nhưng kết quả chưa được bao nhiêu. Do đó, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, giao cho các ngành thì phải có thời gian, thời hiệu, kết quả cụ thể.
Bí thư Huyện ủy Đắk Glong cho biết, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đắk Glong xác định 2 trụ cột để phát triển kinh tế, trong đó có phát triển du lịch. Hiện nay, địa phương đã quy hoạch khu vực Tà Đùng khoảng 8.000ha. Theo chỉ đạo, phải giữ nguyên hiện trạng nên khó cho chuyển đổi các mục đích khác. Điều này dẫn đến việc thu phí, lệ phí, kêu gọi đầu tư rất khó. Địa phương đề nghị cho chuyển đổi một số vị trí này để có thể kêu gọi các nhà đầu tư về cơ sở hạ tầng, thu hút du lịch, dịch vụ lưu trú, tạo điểm nhấn cho tỉnh, huyện…
Để thu hút đầu tư, đồng chí Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh và địa phương cần đồng hành, tháo gỡ cho doanh nghiệp; phải ban hành được các chủ trương đầu tư. Tỉnh cũng cần đánh giá lại hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ không đủ điều kiện phải giải thể, ngừng hoạt động để có các giải pháp thu hút đầu tư.
Xây dựng các chỉ tiêu sát thực tế
Tham dự Tổ thảo luận số 3, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung đánh giá, công tác giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng trong năm 2024 và toàn nhiệm kỳ.
“Theo kết quả rà soát sơ bộ, năm 2024, tỉnh Đắk Nông ước giảm hơn 2% tỷ lệ hộ nghèo, khả năng đưa tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh về khoảng hơn 3%. Căn cứ trên số liệu và thực tế địa phương, tôi đề nghị đặt chỉ tiêu giảm nghèo năm 2025 là khoảng 1- 1,5% để tập trung các nguồn lực giảm nghèo hiệu quả, có chiều sâu, hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ tỉnh”, đồng chí Lưu Văn Trung phát biểu.
Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, xây dựng các chỉ tiêu cho năm 2025, các đại biểu đề nghị cần xem xét, tính toán lại chỉ tiêu tỷ lệ độ che phủ rừng của năm 2025, để đạt được Nghị quyết đề ra đòi hỏi phải có những giải pháp khả thi. Trong đó, Giám đốc Sở NN – PTNT Phạm Tuấn Anh cho biết, năm 2024, dự kiến tỷ lệ độ che phủ rừng của Đắk Nông ước đạt 39,5%. Do đó, năm 2025, chỉ tiêu tỷ lệ độ che phủ rừng đạt khoảng 40% là phù hợp với thực tế.
Cũng liên quan đến các chỉ tiêu chủ yếu năm 2025, một số đại biểu đề nghị cần bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chỉ tiêu xây dựng huyện nông thôn mới; tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác phát triển đảng viên; phòng, chống đuối nước; đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học…