Đắk Nông lập 10 chốt liên ngành bảo vệ rừng dịp cuối năm
Trước nguy cơ phá rừng tăng cao dịp cuối năm, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động, tăng cường các giải pháp bảo vệ rừng.
Trong tháng 11/2024, toàn tỉnh Đắk Nông phát hiện và lập biên bản xử lý 38 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong số này, có 27 vụ phá rừng trái phép, làm thiệt hại hơn 7ha rừng. So với tháng 10/2024, phá rừng tăng 10 vụ (tăng 58,8%), diện tích thiệt hại tăng 5ha.
Hai địa bàn xảy ra nhiều vụ phá rừng nhất đó là Đắk Glong (12 vụ) và Đắk Song (8 vụ). Các chủ rừng để xảy ra phá rừng nhiều như: Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa (4 vụ), Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao (4 vụ), Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (4 vụ)…
Diện tích rừng bị phá trong tháng 11/2024 trung bình 0,26ha/vụ. Trong đó, có 1 vụ phá rừng với diện tích lớn (gần 2ha) tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong. Hiện Hạt Kiểm lâm liên huyện Đắk Glong - Gia Nghĩa đã hoàn thiện hồ sơ, chuyển cơ quan CSĐT xử lý theo quy định.
Trong 11 tháng năm 2024, Đắk Nông xảy ra 286 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, trong đó có 178 vụ phá rừng làm thiệt hại 40,4ha. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm tăng 21 vụ, riêng phá rừng tăng 42 vụ (tăng 30,9%), diện tích rừng bị phá tăng 13,5ha (tăng 49,9%).
Theo Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông, thời tiết đã bước vào mùa khô nên tình trạng phá rừng có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng phá rừng ngày càng manh động, tinh vi với các hình thức như dùng cưa điện để hạn chế tiếng động, chặt phá 1/2 thân cây để cây tự gãy đổ khi trời gió...
Đáng báo động là tình trạng gây áp lực lên lực lượng quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Trên địa bàn Đắk Nông xảy ra nhiều vụ ném chất bẩn vào trạm bảo vệ rừng, bẫy đinh… gây khó khăn cho việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm.
Ở một số địa phương, diện tích rừng lớn và phân bố rộng, rải rác, giáp ranh với nhiều địa phương. Địa hình hiểm trở, phức tạp đã gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, QLBVR.
Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số cơ học, chủ yếu là dân di cư từ tỉnh khác đến sống trong rừng, gần rừng gây khó khăn trong quản lý.
Tại Đắk Nông, đất đai màu mỡ, phù hợp với nhiều loại cây trồng nông nghiệp. Gần đây, giá cả nông sản tăng cao đã dẫn đế nhu cầu đất sản xuất ngày càng tăng, gây sức ép lớn đến tài nguyên rừng. Trong khi đó, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác QLBVR còn hạn chế.
Để chủ động ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, Sở NN-PTNT Đắk Nông đã chủ động đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường triển khai chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong QLBVR. Các đơn vị, địa phương thành lập chốt liên ngành (gồm các lực lượng: công an, quân đội, kiểm lâm, chính quyền địa phương…) để tuần tra, chốt chặn tại các địa bàn phức tạp.
Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm điều động, tăng cường kiểm lâm từ các địa bàn ít phức tạp đến hỗ trợ các địa bàn “nóng”. Mục tiêu là kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm lâm luật ngay từ đầu, tránh tình trạng kéo dài, gây khó khăn cho việc xử lý các hệ lụy về sau.
Ngoài phá rừng, nguy cơ xảy ra các vụ cháy rừng thời điểm cuối năm cũng tăng cao. Sở NN-PTNT Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức chốt chặn QLBVR và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết: Hiện toàn tỉnh đã thành lập 10 chốt liên ngành tại các khu vực có nguy cơ xảy ra phá rừng cao trên địa bàn dịp cuối năm. Cả hệ thống chính trị của tỉnh đang vào cuộc để hạn chế thấp nhất các vụ việc phá rừng.