Phát huy di sản văn hóa cồng chiêng
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 00:31, 05/12/2024
Chính vì thế, hiện nay trong rất nhiều buôn làng vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa làm nên căn tính của dân tộc mình, nhất là đối với "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" ngày càng thêm đặc sắc. Và với lợi thế riêng có, cùng với những nỗ lực của các địa phương, của các sắc tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đã đưa "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" trở thành một sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến thưởng thức mỗi khi đặt chân đến mảnh đất này.
Nổi bật nội dung này ở Tây Nguyên là huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ, tiếng chiêng, điệu múa của các chàng trai cô gái Cơ Ho bao năm nay đã làm đắm say hàng triệu lượt du khách, khiến huyện Lạc Dương, nơi có nhiều đội nhóm biểu diễn cồng chiêng nhất vùng Tây Nguyên, nơi được nhiều người đặt tên là các làng nghệ sĩ.
Trong không gian diễn xướng văn hóa cồng chiêng ấy, đến với Lạc Dương, du khách được hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên của núi rừng, nhịp nhàng theo điệu xoang cùng các sơn nữ trong tiếng chiêng ngân trầm hùng, rộn rã tựa bản giao hưởng linh thiêng của trời đất, rừng núi, suối, sông miền sơn cước, tái hiện sinh động đời sống lao động, sinh hoạt văn hóa cũng như những lễ hội của buôn làng.
Đó là màn chào mừng quý khách bằng giai điệu Bàr Jơn và Rò Dà của đồng bào K’Ho; là điệu múa Jôh Yàng Kuôi (Mừng lúa mới) - sau một mùa bội thu, những người con buôn làng sẽ tổ chức lễ hội để tạ ơn thần linh đã cho họ một mùa màng tươi tốt, lúa đầy bồn, ngô đầy sàn do các chàng trai cô gái buôn làng thể hiện.
Đó còn là điệu múa hồn chiêng đêm đại ngàn cùng với tiếng đàn T’Rưng, Arap mơ ô và các cô gái mang bầu đi lấy nước. Hay các điệu múa "Nhịp sống cao nguyên", "Giã gạo đêm trăng", "Đi xúc cá", "Đi hái rau rừng"... thể hiện sức sống của chàng trai, cô gái buôn làng trong lao động cũng như ngày hội hòa quyện trong vòng xoang khoan thai. Những bài hát dân ca, các ca khúc với những âm hưởng nồng nàn Tây Nguyên cũng được cất lên qua lời ca tiếng hát của các chàng trai, sơn nữ trong trang phục truyền thống của người K’Ho.
Tiếng tù và, hình ảnh cây nêu, thưởng thức các món ăn thịt nướng, cơm lam, hơi men rượu cần, hòa cùng nhịp xoang trong tiếng chiêng xoay quanh bếp lửa bập bùng thực sự tạo ra một bữa tiệc mang đậm bản sắc dân tộc mà "Không gian văn hóa cồng chiêng" tại đây mang lại cho du khách một trải nghiệm khó quên…