Đắk Nông chủ động đáp ứng quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 00:43, 05/12/2024
Đắk Nông có diện tích cà-phê đứng thứ 3 cả nước sau Đắk Lắk, Lâm Đồng, với 142.000 ha. Cà-phê chiếm 37% diện tích cây trồng của tỉnh, sản lượng 360.000 tấn/năm. Hiện nay, sản phẩm cà-phê của tỉnh xuất khẩu đến hàng chục quốc gia, với sản lượng khoảng 120.000 tấn/năm.
Đắk Nông có 400.000 người dân tham gia sản xuất cà-phê. Cà-phê được xác định là ngành hàng, sản phẩm chủ lực của tỉnh, quốc gia, chính vì thế việc xuất khẩu cà-phê, nhất là vào thị trường châu Âu những năm tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những quy định mới.
Trước đó, ngày 16/5/2023, Hội đồng châu Âu đã thông qua dự luật "Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu", theo đó, châu Âu cấm nhập khẩu những mặt hàng nông, lâm sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2024.
Nhận thấy được tầm quan trọng đó, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức triển khai và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, Đắk Nông đã ban hành khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR; thành lập nhóm công tác công tư cấp tỉnh để triển khai khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR; chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện quy định EUDR…
Tuy nhiên, việc thực hiện quy định EUDR vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là văn bản hướng dẫn và tài liệu có liên quan còn hạn chế; cơ sở dữ liệu về rừng và vùng trồng chưa được đồng bộ, chi tiết đến từng lô, mảnh vườn; việc truy xuất nguồn gốc và đăng ký mã số vùng trồng gặp nhiều khó khăn; sự tham gia, đồng hành các bên có liên quan; doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu còn nhiều hạn chế; nguồn lực, kỹ thuật để thực hiện các nội dung, giải pháp can thiệp cần thiết của tỉnh gặp khó khăn.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Tuấn Anh, thời gian qua phương thức quản lý rừng và sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang đi đúng hướng, phù hợp với các nguyên tắc của EURD. Tỉnh đã ưu tiên việc bảo vệ diện tích rừng hiện có, không để diện tích rừng bị phá để sản xuất nông nghiệp. Đây là một bước tiến quan trọng giúp Đắk Nông tuân thủ các yêu cầu của EUDR và giữ gìn tài nguyên môi trường. Đắk Nông cũng tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cà-phê, chú trọng sản xuất cà-phê chất lượng cao, cà-phê đặc sản, thân thiện với môi trường, giúp gia tăng năng suất, tiết kiệm tài nguyên. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đang sản xuất khoảng 23.500 ha cà-phê đạt các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế như GlobalGAP, Rainforest Alliance, UTZ Certified hay Organic với sản lượng trên 82.000 tấn/năm. Đây là công cụ quan trọng để cà-phê Đắk Nông thâm nhập vào thị trường quốc tế, nhất là EU.
Sản xuất cà-phê của tỉnh cũng đang chuyển đổi theo hướng hữu cơ. Với khoảng 100 ha cà-phê đạt chứng nhận hữu cơ và hàng trăm ha đang áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Canh tác hữu cơ là xu hướng toàn cầu, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cà-phê, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu.
Ngoài ra, Đắk Nông đặc biệt chú trọng đến việc hợp tác quốc tế trong sản xuất cà-phê. Địa phương đã phối hợp với các tổ chức lớn như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) để triển khai các dự án sản xuất cà-phê. Những dự án này tập trung vào quản lý cảnh quan bền vững, bảo vệ diện tích rừng, đồng thời nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cà-phê.
Hợp tác quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong việc tuân thủ các quy định EUDR. Những kết quả đạt được trong sản xuất cà-phê hiện nay giúp địa phương tuân thủ các quy định của EUDR, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành cà-phê xuất khẩu của tỉnh.
Theo EUDR thì có bốn nhóm yêu cầu chính đối với địa phương và người sản xuất gồm: Phải có dữ liệu về tọa độ (GPS) và ranh giới cho từng lô/vườn cà-phê; thiết lập hệ thống thông tin dữ liệu của lô/vườn cà-phê để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc sản phẩm kết hợp với hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng; thiết lập hệ thống giám sát báo cáo và phản hồi thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và việc bảo vệ rừng có liên quan đến việc sản xuất cà-phê và khai thác gỗ; có cơ chế báo cáo, thông tin và phản hồi khi có yêu cầu từ nước nhập khẩu.
Trưởng Đại diện Diễn đàn cà-phê toàn cầu tại Việt Nam Phạm Quang Trung cho biết, để đáp ứng nguyên tắc EUDR đưa ra cần phối hợp với các bên liên quan trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu gồm tọa độ, bản đồ của các thửa mảnh lớn. Đây là nội dung quan trọng nhất trong bộ hồ sơ khi xuất khẩu cà-phê sang EU. Bên cạnh đó, cần phải truyền thông nâng cao nhận thức để người sản xuất tuân thủ các nguyên tắc của EUDR.
Theo ông Trương Tất Đơ, Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Lâm nghiệp Việt Nam, việc tuân thủ EUDR đối với nông hộ sản xuất đang gặp nhiều thách thức. Những năm gần đây tình trạng phá rừng trái phép để trồng cà-phê đang đặt ra nhiều thách thức với các địa phương của Đắk Nông trong tuân thủ quy định của EUDR. Nhiều hộ sản xuất cà-phê đã lâu năm nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tổng số mảnh vườn ở Tây Nguyên có hơn 500.000 mảnh... là một trong những thách thức trong khai báo, đăng ký mã số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau này khi bán ra thị trường.
Đại diện Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững-IDH Bùi Đức Hào cho biết, IDH đã triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng cà-phê đáp ứng EUDR tại Lâm Đồng. Dự án đã xây dựng được khung cơ sở dữ liệu thích ứng với EUDR. Khung này được tính toán với các yếu tố dữ liệu nền tảng về quy hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp; dữ liệu rừng, địa chính; dữ liệu đất chưa có trích lục địa chính. Từ đây, phân tích, tham chiếu để tạo dữ liệu đầu ra là hệ thống truy xuất. Đây là những kinh nghiệm, cách làm để Đắk Nông có thể học hỏi, tham khảo, định hình trong xây dựng dữ liệu vùng trồng đáp ứng EUDR.
Ông Gonzalo Serrano De La Rosa, Phó Trưởng Ban hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu đánh giá, những nỗ lực của Việt Nam nói chung, Đắk Nông nói riêng đối với việc triển khai các biện pháp cụ thể để đáp ứng các tiêu chuẩn về nông sản chống phá rừng, suy thoái rừng là rất kịp thời.
Ông Gonzalo cho rằng, các quy định EUDR là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành cà-phê của Đắk Nông trong quá trình phát triển nông sản chất lượng cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững. Việc đáp ứng tiêu chuẩn EUDR là cơ sở để tăng cơ hội thương mại cho cà-phê của Đắk Nông tại các thị trường trên thế giới trong những năm tới.