Nghị quyết và cuộc sống

Đắk Nông sẵn sàng cho chuyển đổi số toàn diện

Lê Việt Dũng 04/12/2024 09:19

Để thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số (CĐS), Đắk Nông tập trung chuẩn bị nền tảng hạ tầng, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và xác định rõ mục tiêu, giải pháp. Đây là yếu tố quyết định cho sự chuyển đổi toàn diện.

cover PC

Để thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số (CĐS), Đắk Nông tập trung chuẩn bị nền tảng hạ tầng, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và xác định rõ mục tiêu, giải pháp. Đây là yếu tố quyết định cho sự chuyển đổi toàn diện.

tit1.jpg

So với nguồn lực của Đắk Nông thì những kết quả đạt được là sự đột phá, nhưng trước tốc độ phát triển của công nghệ số, yêu cầu của xã hội, những kết quả đạt được chưa đủ để tạo sự thay đổi bứt phá.

Hiện nay, điểm nghẽn CĐS ở Đắk Nông gồm: mức độ phát triển hạ tầng số chưa tương ứng với sự phát triển xã hội số, chưa bảo đảm để kinh tế số phát triển rộng khắp; nền tảng của chính quyền số đã được hình thành nhưng quá trình vận hành chưa có sự đồng bộ; cấp huyện, cấp sở ngành chưa xác định được đích đến chuyển đổi số của mình.

h8.jpg
ĐVTV của Đắk Nông hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng số

Ngoài nguyên nhân khách quan là thiếu nguồn lực tài chính, nhân lực thì căn bản vẫn là nhận thức về CĐS chưa đầy đủ, dẫn đến lúng túng trong cách làm.

Trước hết là sự hẫng hụt từ nhận thức đến hành động. Ý thức về vai trò và ý nghĩa của tiến trình CĐS là rất tốt, nhưng hiểu về bản chất, sự khác biệt của CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin lại chưa đến độ.

Hạn chế này dẫn đến khi triển khai thực tiễn lúng túng không thực sự rõ là phải làm gì, làm như thế nào và tại sao phải làm hoặc quá thiên về đầu tư, mua sắm công nghệ, sản phẩm - dịch vụ, làm sai lệch điểm bắt đầu của quá trình CĐS. Với người đứng đầu, dẫn đến chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho CĐS hay chỉ đạo không sát với thực tế. Với đội ngũ thực thi nhiệm vụ, nhận thức việc CĐS dừng ở mức mua sắm công cụ, phần mềm để tự động hoá các quy trình, chưa ý thức được vai trò của cá nhân tham gia vào sự thay đổi cách hoạt động, thay đổi quy trình hoạt động. Điều này, dẫn đến không nghiên cứu, khai thác hết các tính năng của hệ thống đã đầu tư.

h7.jpg
Đoàn viên, thanh niên Bưu điện tỉnh hỗ trợ hộ sản xuất đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart

Kết quả kiểm tra, khảo sát thực tế việc vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho thấy, nhiều dịch vụ đã được xác lập, đủ điều kiện để thực hiện toàn trình, nhưng ở không ít địa phương, đơn vị vẫn thực hiện trực tiếp; bắt buộc người thực hiện dịch vụ phải đến cơ quan hành chính để thực hiện thay vì có thể thực thi tại nhà. Người thực thi, vận hành thậm chí còn không biết là có thể thực hiện trực tuyến.

Mặt khác, Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu “ưu tiên kinh phí từ ngân sách Nhà nước bảo đảm tối thiểu 1%/năm tổng chi ngân sách nhà nước của tỉnh để phục vụ các nhiệm vụ CĐS”. Tuy nhiên, tỷ lệ chi cho CĐS những năm qua chỉ khoảng 0,66%/năm tổng chi ngân sách nhà nước. Mức chi thấp nhưng lại dàn trải, phân kỳ, không đúng trọng tâm.

ghep2.jpg

Một hệ thống công nghệ thông tin nếu như đầu tư phân kỳ theo tư duy “có đến đâu, mua sắm đến đó”, thì với tốc độ thay đổi công nghệ hiện nay, khi dự án đầu tư hoàn thành thì các thiết bị được mua sắm trong hệ thống đã không thể đồng bộ với nhau. Việc này, dẫn đến không đạt được mục tiêu đề ra khi thiết lập dự án, thậm chí lãng phí.

Hay để bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ hiện nay thiếu quan tâm đến việc triển khai xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, dẫn đến không thể kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia. Hệ quả, nhiều thủ tục hành chính lẽ ra có thể thực hiện toàn trình, nhưng chưa thể thực hiện được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo CĐS quốc gia đã nhấn mạnh “CĐS là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động”. Nhận thức chưa đầy đủ là điểm nghẽn lớn nhất trong tiến trình CĐS ở Đắk Nông.

h3.jpg
Đoàn viên, thanh niên VNPT Đắk Nông ra quân CĐS
tit2.jpg

Mới đây, trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chính thức đặt ra yêu cầu đưa CĐS trở thành một cuộc cách mạng “với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển”, và “xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.

pnat-tbt.jpg

Hiện nay, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về CĐS quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển trong kỷ nguyên số. CĐS không còn là xu hướng, sự lựa chọn mà đã trở thành “mệnh lệnh”.

box.jpg

Đề án đã xác định rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 25 dự án cụ thể về nội dung, chủ thể. Trọng tâm trong giai đoạn này là tập trung vào việc xây dựng dữ liệu số, các ngành, lĩnh vực đảm bảo “sống, xanh, sạch” để kết nối với Trung tâm điều hành thông minh, chia sẻ dữ liệu tạo ra nguồn tài nguyên mới – tài nguyên số, phục vụ không chỉ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp mà còn cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

info-new.jpg

Hướng đi, mục tiêu đã định, nhiệm vụ đã rõ. Tuy nhiên để triển khai thực hiện thành công còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thời CĐS có 3 đặc trưng là: Môi trường mới, thay đổi mang tính phá huỷ (disruption) và tốc độ đổi mới nhanh. Bởi vậy, để phát triển, thực hiện thành công cuộc cách mạng mới – cuộc cách mạng CĐS, tất yếu cần phải có cách tiếp cận mới.

h5.jpg
Triển lãm các sản phẩm, giải pháp CĐS năm 2022. Ảnh tư liệu
tit3.jpg

Yếu tố có tính quyết định là phải hiểu đúng bản chất CĐS. Tổng kết thực tiễn cho thấy, trong thành công của một dự án CĐS, công nghệ chỉ đóng góp 30%, còn lại là đến từ sự thay đổi phương thức để phù hợp với công nghệ.

h1.jpg
Đoàn viên, thanh niên VNPT Đắk Nông tham gia hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi số của tỉnh

Các dự án, ứng dụng CĐS hiện nay được xây dựng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data). Đặc trưng của AI là càng nhiều dữ liệu thì càng thông minh, dữ liệu ấy lại được tạo dựng bởi con người; sự thông minh của máy móc được tạo thành từ sự tương tác với người dùng. Chính vì vậy, nếu không hiểu bản chất của CĐS, thì dù chúng ta đầu tư các dự án thông minh đến đâu đi chăng nữa, nhưng nếu người dùng - ở đây là cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, không có được tư duy số, phương thức làm việc số phù hợp với hệ thống mới; người đứng đầu không giám sát, đôn đốc; không chỉ ra được việc cần thay đổi và nội dung cần thay đổi thì hệ thống thông minh ấy chỉ đơn thuần là số máy móc được mua sắm. CĐS thất bại. Chuyển đổi số thực chất là một công cuộc thay đổi mang tính cách mạng, do đó nếu không có nhận thức sâu sắc thì không thể làm được.

phat ngon ong Thuong-PC

Tổng kết từ quá trình CĐS ở nhiều quốc gia trên thế giới, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một nhận định khá sốc “Với CĐS, nơi nào khó khăn hơn, đói nghèo hơn thì ứng dụng hiệu quả hơn”. Nhận định trên có vẻ không hợp lý khi đầu tư cho công nghệ thông tin luôn đòi hỏi nguồn lực tài chính, con người tương xứng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế 4 năm triển khai chiến lược CĐS quốc gia ở nước ta, có thể thấy được những minh chứng thực tế.

h2.jpg
Người dân cài đặt app "Dak Nong- C"

Đơn cử tại Hà Giang, năm 2020, địa phương này đón được đón khoảng 1,4 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 2.000 tỷ đồng, đến 2024, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm, con số này lần lượt là gần 2,5 triệu lượt khách và thu 6,120 tỷ đồng. Thành quả mà Hà Giang có được chính là từ việc tiên phong triển khai chiến lược truyền thông số, hướng dẫn, hỗ trợ để mỗi người dân tự thân trở thành một “nhà sáng tạo nội dung số” từ việc quảng bá cho các sản phẩm của mình, mà lan tỏa hình ảnh địa phương.

Hãy gạt sang một bên nỗi âu lo về một con số đầu tư cụ thể, hãy bắt đầu từ đặt câu hỏi rất rõ rằng chúng ta thực sự muốn đưa địa phương, đơn vị của mình đi về đâu, khi đó chuyển đổi số là một tiến trình mang tính phương tiện để tạo ra sự chuyển đổi đó như thế nào. Dựa trên điều đó mới biết thực sự cần làm gì, làm như thế nào, và đầu tư bao nhiêu.

Đồng chí LÊ NGUYỄN TRƯỜNG GIANG
Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số

Khi bản chất của CĐS là thay đổi phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số thì thì chỉ người đứng đầu có tầm nhìn bao quát mới xác định được những vấn đề cần sử dụng công nghệ số để giải quyết. Khi CĐS là một cuộc cách mạng thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức thì chỉ người đứng đầu mới đủ quyền lực để điều hướng các nguồn lực thực hiện; phá vỡ các thói quen cũ; thay đổi quy trình, cách thức vận hành mới.

Mặt khác, người đứng đầu không chỉ là chỉ đạo mà phải trực tiếp là Tester – người thử nghiệm quá trình CĐS phương thức làm việc mới; bởi chỉ thông qua việc sử dụng công cụ số hàng ngày, người đứng đầu sẽ phát hiện ra các nhu cầu về đổi mới và liên tục đặt ra các yêu cầu mới cho chuyển đổi số.

h6.jpg
Viettel Đắk Nông hỗ trợ người dân huyện Đắk Song chuyển đổi từ thuê bao 2G lên 4G

Theo nghiên cứu của McKinsey, sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu sẽ làm tăng mức độ thành công của chuyển đổi số lên 1,6-1,8 lần, và mức độ thành công sẽ tăng lên 3,1 lần nếu chuyển đổi số có thêm kế hoạch rõ ràng, mục tiêu cụ thể và người đứng đầu trực tiếp làm, trực tiếp sử dụng. Bộ trưởng Bộ TTTT đã nhiều lần khẳng định “Nếu người đứng đầu không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng, không trực tiếp tự mình chuyển đổi thì sẽ không thành công”.

Thành công của Đắk Song trong việc chuyển đổi hoạt động của bộ máy hành chính lên môi trường số; những kết quả bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ số thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước ngành Nông nghiệp ở Sở NN - PTNT Đắk Nông có dấu ấn quyết định của người đứng đầu. Nhưng cũng đang hiện hữu một thực tế, ở không ít địa phương, đơn vị, từ việc hiểu chưa đúng về vai trò của người đứng đầu trong tiến trình CĐS, dẫn đến những hướng đi và kết quả có được chưa được như cần phải có.

phat ngon chu tich PC

Phát biểu tại Ngày CĐS tỉnh Đắk Nông năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh: “Đắk Nông đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngày chuyển đổi số tỉnh có ý nghĩa quan trọng, là dịp để toàn xã hội, mọi người dân cùng nhìn nhận, đánh giá và nâng cao nhận thức của mỗi tổ chức, cá nhân về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự vào cuộc tham gia của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số”

3 yếu tố nêu trên, không phải là giải pháp tổng thể để bảo đảm tiến trình CĐS thành công, nhưng triển khai thực hiện được sẽ là nhân tố bảo đảm tiến trình CĐS ở các địa phương, đơn vị sớm thành công.

Qua gần 4 năm thực hiện chiến lược CĐS, đã khai mở ra những vấn đề mới. CĐS đã được xác định là cuộc cách mạng phải thực hiện, là lựa chọn, là con đường đưa Việt Nam đến hùng cường, thịnh vượng, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới... Đối với Đắk Nông, tất yếu đó là việc cần cấp thiết phải thực hiện để xây dựng Đắk Nông thành tỉnh mạnh, dân giàu, thiên nhiên tươi đẹp, xã hội nghĩa tình, tiến tới hạnh phúc.

Nội dung: Mạnh Thắng - Hồng Hoa
Trình bày, đồ họa: Phong Vũ
(Ảnh tư liệu của Báo Đắk Nông)

ghep1.jpg

Lê Việt Dũng