Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông tiếp xúc với 500 cử tri ngành Giáo Dục
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu những kiến nghị thuộc thẩm quyền UBND tỉnh xem xét, giải quyết, không để kéo dài.
Chiều 3/12, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh cùng các ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề với 500 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Đắk Nông.
Tại buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông báo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và giới thiệu sơ bộ về Dự thảo Luật Nhà giáo. Đoàn ĐBQH tỉnh mong muốn cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị để đại biểu ghi nhận, tổng hợp và ý kiến bổ sung nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Nhà giáo.
Cử tri ngành Giáo dục đã ý kiến, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách của giáo viên, nhân viên trường học.
Cử tri Hứa Tất Thành, công tác tại Trường THPT Phan Chu Trinh ở huyện Cư Jút cho rằng, Điều 49, Dự thảo Luật Nhà giáo quy định giáo viên mầm non và giáo viên dạy trẻ khuyết tật được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm mà không bị giảm lương hưu.
Tuy nhiên, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi giáo viên phải đổi mới, nhiều giáo viên lớn tuổi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Cử tri đề nghị mở rộng chế độ nghỉ hưu sớm cho giáo viên THCS, THPT, nhất là giáo viên nữ, để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên và tạo việc làm cho sinh viên sư phạm.
Cử tri Đỗ Thị Việt Hà, Trường THPT DTNT N'Trang Lơng cho rằng, các chế độ, chính sách dành cho giáo viên và nhân viên tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt còn nhiều bất cập.
Theo cử tri Hà, hiện chưa có quy định rõ ràng về số lượng, cơ chế trả lương nhân viên phục vụ trong các trường DTNT. Cụ thể, tại Trường THPT DTNT N'Trang Lơng hiện chỉ có 1 cấp dưỡng phục vụ hơn 70 học sinh. Cử tri kiến nghị có sự điều chỉnh định biên hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục.
Về chế độ nhân viên, cử tri Lê Văn Tuấn, Trường tiểu học La Văn Cầu, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức phản ánh, do thiếu giáo viên, nhiều nhân viên như y tế, kế toán phải kiêm nhiệm tại nhiều trường. Trong đó, công việc kế toán liên trường nhiều, thường xuyên phải di chuyển, nhưng chưa được hưởng chế độ hỗ trợ chi trả tương xứng.
Cử tri Lê Văn Hà, Trường THPT Đắk Glong, huyện Đắk Glong thông tin, những năm gần đây, số lượng học sinh tăng nhanh dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Trường không tuyển được hợp đồng giáo viên nên phải phân công giáo viên dạy tăng tiết nhưng 6 tháng qua chưa được chi trả tiền dạy thêm.
Liên quan đến biên chế, cử tri Trần Thị Cửu, Trường mầm non Sơn Ca, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức kiến nghị có hướng dẫn để bảo đảm chất lượng giáo dục tại các cơ sở mầm non.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận tinh thần trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục trong việc đóng góp ý kiến, kiến nghị các vấn đề của ngành.
Cùng với chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu, những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền UBND tỉnh xem xét, giải quyết, không để kéo dài. Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông ghi nhận, tổng hợp, đồng thời tăng cường ý kiến, kiến nghị lên nghị trường Quốc hội về chế độ, chính sách, nhất là các chính sách đặc thù.