Khởi nghiệp từ sản xuất nước đông trùng hạ thảo nha đam
Dự án "Sản xuất nước đông trùng hạ thảo nha đam và hỗ trợ các hộ khó khăn có thêm thu nhập từ cây nha đam" của nhóm chị Nguyễn Thị Xuyến, Trần Thị Thuận, anh Trần Văn Hồi, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song (Đắk Nông) là 1 trong 32 dự án lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2024.
Thành công với đông trùng hạ thảo
Tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk), chị Nguyễn Thị Xuyến đã sớm được tiếp cận với các kiến thức về nuôi cấy mô. Nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường, cuối năm 2018, chị Xuyến cùng chồng là anh Trần Văn Hồi tìm tòi, học hỏi công nghệ sản xuất nấm đông trùng hạ thảo và đầu tư sản xuất. Từ 300 triệu đồng tiền vốn ban đầu, cả 2 đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị bắt đầu nghiên cứu cho ra đời các mẻ nấm đầu tiên tại xã Thuận Hà, huyện Đắk Song.
Vượt qua những khó khăn, vợ chồng chị Xuyến đã dần làm chủ được kỹ thuật, cách phòng bệnh, tạo ra sản phẩm đông trùng hạ thảo có chất lượng, đưa ra thị trường.
Năm 2020, cơ sở sản xuất của vợ chồng chị Xuyến đi vào hoạt động ổn định với các loại nấm tươi, nấm sấy thăng hoa và các dòng rượu, trà, mật ong đông trùng hạ thảo đem về nguồn thu nhập ổn định. Nhiều sản phẩm của cơ sở đạt OCOP 3 sao như rượu đông trùng hạ thảo, nấm đông trùng hạ thảo.
Hướng đi mới
Năm 2021, nhiều cơ sở nuôi cấy nấm được mở ra, thị trường nấm đông trùng hạ thảo bắt đầu bão hòa. Chị Xuyến tiếp tục nghiên cứu các dòng sản phẩm mới, với mong muốn sản xuất loại nước uống đông trùng hạ thảo có thể kết hợp với loại cây trồng trong nông nghiệp của người dân sao cho vừa ngon, tốt cho sức khỏe, dễ uống lại có thể giúp tiêu thụ sản phẩm cho nhà nông.
Sau 1 năm tìm tòi, thử nghiệm, vợ chồng chị Xuyến cùng với cộng sự của mình là chị Trần Thị Thuận đã quyết định lựa chọn cây nha đam để kết hợp với nấm đông trùng hạ thảo, sản xuất nước uống tốt cho sức khỏe. Cả nhóm đã tận dụng nhà xưởng với diện tích 270m² sẵn có gồm các phòng nuôi nấm, khu rửa, kho nguyên liệu, khu đóng chai, hấp tiệt trùng trong sản xuất sản phẩm nước uống đông trùng hạ thảo nha đam.
Sản phẩm được đăng ký thương hiệu, công bố chất lượng sản phẩm để đủ điều kiện bán ra thị trường. Theo chị Xuyến, sản phẩm khi sản xuất đại trà sẽ được cơ sở liên kết mô hình trồng nha đam cho các hộ khó khăn trên địa bàn.
Dòng sản phẩm nước uống đông trùng hạ thảo nha đam hướng đến khách hàng có thu nhập trung bình trở lên, tập trung mạnh nhất ở các thành phố với giá bán khoảng 140.000 – 160.000 đồng/lốc 6 chai. Để tăng cường đầu ra cho sản phẩm, chị Xuyến cùng các cộng sự đẩy mạnh chào bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, các đại lý, nhà phân phối trên cả nước.
Chị Xuyến cho biết: Tôi cùng các cộng sự rất vui mừng khi dự án được lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2024 do T.Ư Đoàn tổ chức. Đây là sự động viên, khích lệ rất lớn để cả nhóm có thể chuyên tâm nghiên cứu, mở rộng sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường. Thay vì làm cơ sở sản xuất như trước, chúng tôi thành lập Công ty TNHH An Tây Nguyên để mở rộng quy mô, xây dựng uy tín trên thị trường. Thời gian tới, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty cũng sẽ nghiên cứu, sản xuất, đa dạng các dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe, vì lợi ích cộng đồng".