Đắk Nông xem xét hỗ trợ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Nông thống nhất trình Kỳ họp thứ 9 sắp tới xem xét hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chiều 2/12, đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh họp thẩm tra Dự thảo nghị quyết về quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Xuân Trung dự.
Theo báo cáo, toàn tỉnh Đắk Nông có 1.907 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất; trong đó, 565 hộ thiếu đất ở, nhà ở; 1.342 hộ thiếu đất sản xuất.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản đánh giá cao về sự cần thiết phải ban hành nghị quyết nhằm cụ thể hóa chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương theo quy định.
Tuy nhiên, các thành viên HĐND tỉnh lưu ý cơ quan tham mưu nghiên cứu, xác định rõ đối tượng cụ thể, nguồn lực để thực hiện về kinh phí, đất đai; bổ sung các nội dung, văn bản liên quan chính xác và đúng quy định để nghị quyết khi ban hành thực sự đi vào cuộc sống... Qua đó, góp phần đem lại hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho nhóm đối tượng là người DTTS nghèo, từng bước nâng cao đời sống và thoát nghèo…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh khẳng định, dự thảo nghị quyết về chính sách hỗ trợ đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là cần thiết, đúng thẩm quyền theo quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn và chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Dự thảo Nghị quyết khi được thông qua, triển khai đi vào cuộc sống sẽ góp phần vào thực hiện phong trào thi đua phấn đấu đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Hà Thị Hạnh đề nghị cơ quan chuyên môn tiếp thu các ý kiến, rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh sắp tới. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để tập trung làm rõ hơn về phạm vi, đối tượng, chính sách, giải pháp thực hiện… qua đó tạo sự đồng thuận của cộng đồng trong việc thụ hưởng hỗ trợ.