Pháp luật

Nỗi lo thiếu đá xây dựng ở Đắk Nông

Lê Phước 02/12/2024 13:34

Cuối năm là thời điểm nhiều dự án, công trình ở Đắk Nông đẩy nhanh tiến độ nhưng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu đá xây dựng.

Nhà thầu khổ vì đá

Công trình tỉnh lộ 3, đoạn đi qua huyện Đắk Mil đang bước vào giai đoạn đẩy nhanh tiến độ. Trên công trường, máy móc và nhân lực hoạt động liên tục, chia làm nhiều mũi thi công. Chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (BQLDA) tỉnh Đắk Nông đang tích cực đôn đốc các nhà thầu tăng tốc giai đoạn cuối năm.

Thời điểm công trình tăng tốc cũng là lúc nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao. Trong các nhóm vật liệu xây dựng thông thường, đá xây dựng đang là mặt hàng khiến nhiều nhà thầu rất lo lắng.

Theo đại diện một nhà thầu, hiện một số mỏ đá trên địa bàn huyện Đắk Mil đã không còn đá để bán. Một số mỏ xung quanh công trình vẫn còn đá nhưng do chất lượng không bảo đảm nên họ cũng không dám mua.

img_0653.jpg
Tỉnh lộ 3 đang trong giai đoạn tăng tốc nên cần khối lượng vật liệu cao hơn

Ngoài khối lượng nhà thầu đã tranh thủ tích trữ trước đó gần công trình, số lượng đá còn thiếu sẽ phải mua từ nơi khác đưa về. Nhà thầu thừa nhận phải mua đá từ một số mỏ ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cách công trình khoảng 60km.

Nhưng việc mua đá ở xa đưa về sẽ khiến cho cước vận chuyển tăng lên và phần này nhà thầu phải chịu thiệt. Theo tính toán của nhà thầu, đá xây dựng mua tại mỏ ở Đắk Lắk do giá rẻ hơn, khoảng 200.000 - 250.000 đồng/m3. Với cự ly vận chuyển khoảng 60km, nhà thầu sẽ phải bù lỗ phần chênh lệch chi phí vận chuyển.

Nhà thầu chia sẻ: Hiện giá cước vận chuyển mỗi km khoảng 4.000 - 5.000 đồng/m3. Mỗi khối đá đến công trình sẽ tăng lên từ 120.000 đồng so với phương án ban đầu.

Một doanh nghiệp khác đang thi công nhiều dự án giao thông lớn tại Đắk Nông cũng thừa nhận đang “đau đầu” vì đá. Hiện nay, nhiều công trình doanh nghiệp này đang thi công có cự ly vận chuyển đá xây dựng khoảng 60km, thậm chí xa hơn.

img_0716.jpg
Nhiều công trình tại Đắk Nông đang trong giai đoạn tăng tốc nhưng gặp khó khăn do thiếu đá xây dựng hoặc giá đá cao

Hiện một số công trình do doanh nghiệp thi công tại huyện Đắk Glong đang phải lấy đá xây dựng từ các mỏ ở TP. Gia Nghĩa. Một số công trình khác từ huyện Tuy Đức thì phải tìm mua từ các mỏ đá tại huyện Đắk R’lấp. Các công trình tại khu vực Đắk Mil, Cư Jút phải tìm mua đá từ một số mỏ tại Đắk Lắk.

Nhu cầu đá tăng lên khiến cho giá đá ở các mỏ đá tại Đắk Nông cũng tăng theo. Giá đá xây dựng ở một số mỏ tại Đắk R’lấp và TP. Gia Nghĩa hiện đang ở mức 260.000 - 300.000 đồng/m3. Với giá cước vận chuyển hiện tại, nhà thầu hiện đang phải chịu thiệt khoảng 130.000 - 150.000 đồng/m3.

Ngoài việc giá cao, việc mua đá bảo đảm chất lượng cũng không phải dễ. “Vì tiến độ và chất lượng công trình, nhà thầu chấp nhận chịu thiệt khi phải mua đá ở xa. Chúng tôi sử dụng giải pháp thi công hiệu quả để bù lại”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Chủ mỏ cũng đau đầu

Mấy tháng nay, mỏ đá Kilaco của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Kim Lan tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp khá yên ắng. Mỏ đá này có vị trí trung tâm thuận lợi khi nằm trên trục đường liên xã Nhân Cơ - Đắk Wer, cách đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Nhân Cơ chừng vài cây số.

img_0828.jpg
Mỏ đá Kilaco tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp khá yên ắng dù nhu cầu mua đá tăng cao

Mỏ đá này có diện tích khoảng 4,7ha và công suất khai thác, chế biến 49.000m3/năm. Nhưng đến cuối tháng 11/2024, mỏ đá chỉ mới bán được khoảng 14.000m3.

Theo anh Nguyễn Phương Thọ, quản lý mỏ đá Kilaco, chất lượng của mỏ được các nhà thầu đánh giá khá ổn và nhu cầu mua đá khá cao. Hàng ngày, mỏ đá nhận được nhiều cuộc gọi nhưng không dám nhận vì máy móc đang trục trặc. Một nguyên nhân khác là do một phần diện tích của mỏ đá vướng quy hoạch bô xít.

Anh Thọ chia sẻ: Về máy móc thì chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, dự kiến đầu tháng 12/2024 sẽ vận hành khai thác lại. Nhưng khó khăn lớn nhất là có khoảng 2ha nằm trong vùng quy hoạch bô xít. Chúng tôi chưa thể bóc được lớp tầng phủ phía trên (từ 8 - 10m) để tiến hành khai thác đá ở dưới.

dji_fly_20241118_092552_784_1731920347097_photo_optimized 2
Mỏ đá Kilaco có khoảng 42% diện tích nằm trong vùng quy hoạch bô xít

Một số mỏ đá khác không vướng quy hoạch bô xít, có chất lượng đá xây dựng bảo đảm thì lại vướng về công suất khai thác. Bởi từ đầu năm tới nay, nhiều mỏ đá đã cơ bản bán hết khối lượng khai thác và chế biến theo giấy phép được UBND tỉnh Đắk Nông cấp.

Đại diện một mỏ đá ở huyện Đắk R’lấp cho rằng: Hiện thị trường, nhất là công trình, dự án lớn đang cần đá nhưng chủ mỏ không dám khai thác và bán.

Bởi pháp luật quy định, doanh nghiệp chỉ được thực hiện khai thác với công suất được đề cập trong giấy phép. Nếu khai thác vượt công suất, chủ mỏ sẽ bị phạt và đối mặt với nhiều rủi ro về pháp lý.

img_0823.jpg
Một số mỏ đá ở Đắk Nông không khai thác, chế biến để bán ra thị trường vì bị giới hạn công suất theo giấy phép

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh hiện có 25 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng còn hiệu lực (bao gồm cả mỏ đá Granite). Trữ lượng khai thác là gần 27,3 triệu m3, công suất khai thác là hơn 1,46 triệu m3/năm.

Tại Đắk Nông, hiện nay khó khăn lớn của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội là vướng mắc bô xít. Quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản bô xít tại Đắk Nông được phê duyệt có diện tích khoảng 121.000ha, chiếm khoảng 18% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh.

Diện tích quy hoạch bô xít quá rộng nên luôn tồn tại xen kẽ là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tỉnh Đắk Nông đã rà soát và xác định có 103/232 điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường nằm trong quy hoạch bô xít đã được phê duyệt. Trong số này, có 52 mỏ đất, 42 mỏ đá…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, nếu các điểm mỏ này chỉ được khai thác như khoáng sản đi kèm tại các mỏ bô xít thì địa phương sẽ không chủ động được nguồn vật liệu xây dựng. Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dân dụng trên khu vực bô xít.

dji_fly_20241118_100054_828_1731920267880_photo_optimized.jpg
Tỉnh Đắk Nông có nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu (trong đó có đá xây dựng) do vướng quy hoạch bô xít

Tỉnh Đắk Nông đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp để tỉnh được cấp phép khai thác khoáng sản trên khu vực không có trữ lượng, tài nguyên bô xít. Những khu vực có trữ lượng bô xít thì đơn vị khai thác có trách nhiệm bảo vệ theo quy định. Nhưng tới nay, Trung ương vẫn chưa có tháo gỡ cụ thể cho tỉnh.

Lê Phước